(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại thăm Hàm Rồng – Nam Ngạn, nơi diễn ra “Cuộc đụng đầu lịch sử” oanh liệt nhất cách đây 56 năm. Trong âm vang hào hùng của một thời khói lửa chiến tranh, được trò chuyện thân mật với những  người từng trực tiếp cầm súng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chúng tôi càng thêm tự hào về “tọa độ lửa” Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ngày tháng không quên ở tọa độ lửa

Những ngày tháng không quên ở tọa độ lửa

Nhà bia truyền thống phường Nam Ngạn – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thu Vui

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại thăm Hàm Rồng – Nam Ngạn, nơi diễn ra “Cuộc đụng đầu lịch sử” oanh liệt nhất cách đây 56 năm. Trong âm vang hào hùng của một thời khói lửa chiến tranh, được trò chuyện thân mật với những người từng trực tiếp cầm súng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chúng tôi càng thêm tự hào về “tọa độ lửa” Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày ấy.

Cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ được coi là một trọng điểm giao thông đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ. Giới quân sự Mỹ đã xác định cầu Hàm Rồng là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Vì thế, Mỹ “ưu ái” cho Hàm Rồng một kế hoạch đánh phá kỹ lưỡng với mọi thủ đoạn tàn bạo nhất có thể nhằm khóa chặt tuyến giao thông huyết mạch, cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chỉ trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Mỹ đã huy động một lượng lớn máy bay ồ ạt ném bom xuống mảnh đất Hàm Rồng - Nam Ngạn. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, quân dân Thanh Hóa nói chung, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng đã được tổ chức thành nhiều lực lượng, nhiều tầng lớp như bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dưới sông có hải quân, trên trời lần đầu tiên không quân ta tham chiến. Và trong 2 ngày lịch sử ấy, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, lưới lửa của quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực đã thiêu rụi 47 máy bay Mỹ, giành thắng lợi to lớn. Cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang nối đôi bờ sông Mã, cho những đoàn xe nối đuôi nhau ra tiền tuyến.

Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng ký ức về những ngày tháng gian khổ, hào hùng làm nên chiến thắng Hàm Rồng – Nam Ngạn vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người từng sống, chiến đấu ở thời khắc lịch sử ấy. Theo dòng hồi tưởng của bà Nguyễn Thị Hiền thì Hàm Rồng – Nam Ngạn ngày ấy thực sự là “chảo lửa” chiến tranh. Bà Hiền kể: “Để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, công tác sơ tán được thực hiện chặt chẽ và chu đáo. Các lực lượng cơ động phục vụ chiến đấu, lực lượng đào bới, cứu thương, tải đạn được hình thành và có tổ chức chặt chẽ. Lúc đó, tôi là Trung đội trưởng Trung đội dân quân tự vệ làng Yên Vực. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trung đội đã thành lập 3 nhóm là nhóm cứu thương, nhóm thay thế pháo thủ khi cần thiết và nhóm cứu người bị nạn khi sập hầm. Trong 2 ngày trọng điểm của tháng 4, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng, mặt bê tông của cầu bị phá hủy, chỉ còn trơ lại những thanh sắt, các phương tiện vận tải không thể qua được. Để có đạn cho trận địa pháo, bất chấp hiểm nguy, tôi đã vác những hòm đạn đi trên những thanh ray sắt qua cầu để chi viện cho phía Nam. Từng tốp dân quân khác tỏa đi tiếp đạn, tải thương, nhiều người chèo thuyền đưa đạn, chở pháo thủ dự bị đến từng trận địa pháo. Vì trận đánh kéo dài nhiều giờ liên tục khiến cho nòng pháo cao xạ của quân đội ta nóng đỏ, làm giảm tốc độ và cự ly của đường đạn, tôi nhanh trí xé ống quần của mình, nhúng vào nước rồi đắp lên nòng pháo để hạ nhiệt. Và sáng kiến “xé ống quần” của tôi đã nhanh chóng được áp dụng ngay cho các trận địa pháo ở Yên Vực cũng như các trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngày 3 và 4-4, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa”.

Trải qua nhiều năm tháng, câu chuyện của những người từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn luôn xoay quanh những chiến công đầy tự hào. Là người trực tiếp chỉ huy và chiến đấu, ông Hoàng Xuân Cành, nguyên Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn nhớ lại: Gần 9 giờ sáng ngày 3-4-1965, địch mở cuộc tấn công vào Đò Lèn với mục tiêu cắt đứt đường tiếp tế của ta trước khi đánh Hàm Rồng nhưng chúng đã vấp phải lưới lửa phòng không của quân ta đánh trả quyết liệt. Đến 13 giờ, không quân Mỹ huy động số lượng lớn máy bay và bom đạn đánh phá mục tiêu nhỏ hẹp là cầu Hàm Rồng. Từng tốp máy bay phản lực đủ các loại lao vào đánh phá, bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất rung chuyển bởi những loạt đạn bom hạng nặng dồn dập dội xuống. Đến 17 giờ ngày 3-4, sau khi 17 máy bay bị tiêu diệt, địch phải ngừng đánh phá. Thất bại trong ngày thứ nhất, ngay hôm sau (4-4), nhiều tốp máy bay địch từ các hướng bổ nhào, dội bom ồ ạt vào khu vực Hàm Rồng. Trên tất cả các hướng, ngay từ lúc còn xa mục tiêu, máy bay địch đã bị chặn đánh bởi lưới lửa phòng không 3 thứ quân, nhiều tầng, nhiều hướng, ở mọi độ cao, từ xa đến gần làm cho đội hình chiến đấu của không quân Mỹ bị rối loạn, không thể công kích mục tiêu như đã dự định. 16 giờ ngày 4-4, các đợt tấn công của địch chấm dứt. Lại một lần nữa quân ta giành thắng lợi to lớn, 30 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong ngày thứ 2.

Hàm Rồng - Nam Ngạn chiến thắng không chỉ là chiến công của lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ mà còn là chiến công của các mẹ, các chị khi tổ chức nấu cơm, đưa nước ra từng trận địa cho bộ đội và dân quân; là chiến công của các em thiếu nhi dùng lá ngụy trang tham gia tiếp đạn cho bộ đội hải quân; là sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên ngành y tế khi cứu chữa thương binh và những người bị nạn; là tinh thần đùm bọc của các nhà sư khi bố trí nhà chùa làm nơi cấp cứu, điều trị thương binh... Nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng như Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển và hàng trăm, hàng nghìn tên tuổi khác đã mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của con người Hàm Rồng, Nam Ngạn, của đất và người xứ Thanh.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn nửa thế kỷ, nhưng khoảnh khắc về Hàm Rồng – Nam Ngạn chiến thắng vẫn vang vọng đến hôm nay. Chiến công này mãi mãi là khúc tráng ca bất hủ, là mốc son chói lọi về cuộc chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trên con đường đổi mới, với sức vươn của một vùng đất kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, Hàm Rồng – Nam Ngạn ngày càng sầm uất, giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những chiến công oanh liệt, hào hùng trong lịch sử.

Thu Vui


Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]