(Baothanhhoa.vn) - Với những người con quê hương Thanh Hóa, ai đã từng được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện, căn dặn và đặc biệt được Bác tặng kỷ vật sẽ mãi là điều thiêng liêng, quý giá. Bởi thế, họ trân trọng, gìn giữ, nâng niu suốt cuộc đời và khi cần thì sẵn sàng trao tặng cho bảo tàng để làm tư liệu lịch sử lưu giữ cho đời sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kỷ vật sống mãi với thời gian

Với những người con quê hương Thanh Hóa, ai đã từng được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện, căn dặn và đặc biệt được Bác tặng kỷ vật sẽ mãi là điều thiêng liêng, quý giá. Bởi thế, họ trân trọng, gìn giữ, nâng niu suốt cuộc đời và khi cần thì sẵn sàng trao tặng cho bảo tàng để làm tư liệu lịch sử lưu giữ cho đời sau.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại Khu tưởng niệm Bác Hồ, xã Yên Trường (Yên Định).

Trên mảnh đất xứ Thanh anh hùng, nhiều nơi đã in đậm chiến công của một thời máu lửa. Mảnh đất xã Hoa Lộc (Hậu Lộc) – nơi ghi lại thành tích của Trung đội dân quân gái đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh năm 1967, được Bác Hồ gửi thư khen và trao tặng huy hiệu là một minh chứng. Những nữ dân quân tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy giờ đã ngoài 70, người còn, người mất, nhưng những chiến công năm xưa mãi là niềm tự hào của họ. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Thứ, xã Hoa Lộc vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Suốt nhiều năm qua, bà luôn gìn giữ chiếc huy hiệu được Bác Hồ tặng như là vật vô giá và luôn nhắc nhở bản thân sống xứng đáng với niềm tin Bác dành cho mình cũng như các cô gái Hoa Lộc năm xưa.

Những năm qua, việc sưu tầm, lưu giữ hiện vật, kỷ vật về Bác được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện và được các tập thể, cá nhân hưởng ứng. Tại Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật về Bác, trong đó có những hiện vật do người dân trao tặng, có hiện vật do bảo tàng sưu tầm. Mỗi hiện vật ẩn chứa những câu chuyện khác nhau, song tất cả đều toát lên tình cảm thiêng liêng, sâu đậm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thanh Hóa đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đó là Cờ “Thi đua phục vụ tiền tuyến khá nhất”, ở Chiến dịch Thượng Lào (1953), Thanh Hóa đã huy động một lực lượng lớn dân công và gần 5.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm tiếp vận cho chiến trường với tinh thần “tất cả cho chiến dịch”, “tất cả cho bộ đội ăn no đánh thắng”. Với những thành tích đạt được trong Chiến dịch Thượng Lào, Bác Hồ đã tặng Cờ “Thi đua phục vụ tiền tuyến khá nhất” cho đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa. Không chỉ thế, trong Chiến dịch Thu Đông năm 1953, đoàn dân công Thanh Hóa còn được Bác tặng Cờ “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông 1953”. Được tiếp thêm sức mạnh, quân và dân Thanh Hóa tiếp tục lập nhiều chiến công và nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen. Là 1 trong 5 chiến sĩ đầu tiên xông vào hầm bắt sống tướng Đờ-Cát, cùng với nhiều thành tích khác trong chiến đấu ở các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1962 ông Đào Văn Hiếu, xã Nga Hưng (Nga Sơn) vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Nhiều năm nay, chiếc Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba ấy được trưng bày trang trọng trong tủ kính của Bảo tàng tỉnh.

Một trong những hiện vật tiêu biểu khác là chiếc sanh đồng của bà Hà Thị Nú, du kích xã Yên Khương (Lang Chánh). Trong kháng chiến chống Pháp, bà Nú tham gia dân quân du kích ở địa phương. Bà vừa hăng hái sản xuất, vừa cùng với chị em vận động người thân bị lừa gạt theo thổ phỉ hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào trở về gia đình. Với thành tích đạt được trong công tác, ngày 1-5-1955, bà Nú vinh dự được ra Hà Nội dự lễ mít tinh đón Bác Hồ và đoàn quân Chiến thắng Điện Biên Phủ về thủ đô. Năm 1956, bà Nú là đại biểu dân quân xuất sắc được dự lễ Quốc khánh 2-9 và được gặp Bác. Trong buổi gặp mặt, sau khi biểu dương thành tích, thăm hỏi và căn dặn các đại biểu, Bác Hồ tặng quà cho đại biểu tùy theo đề nghị của mỗi người. Với suy nghĩ ở bản rất ít nồi, sanh để đun nấu, bà đã xin Bác Hồ một chiếc sanh đồng nhỏ để nấu cơm cho bộ đội, cho gia đình. Chiếc sanh đồng ấy đã theo gia đình bà Nú từ ngày đó. Sau này, khi nghe tin Bác mất, bà đánh rửa chiếc sanh đồng sạch sẽ và trân trọng đặt trên bàn thờ nhà mình để tỏ lòng tôn kính với Bác. Năm 2004, chính tay bà Nú đã trao tặng lại cho Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa (nay là Bảo tàng tỉnh) để phục vụ cho việc trưng bày và phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh. Chiếc máy cày DT24 Bác Hồ tặng cho HTX Yên Trường (Yên Định) khi Người về thăm năm 1961 cũng được lưu giữ cẩn thận. Trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã Yên Trường là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp, được các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh và Trung ương khen ngợi, đánh giá cao. Tháng 2-1962, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Trường vinh dự được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày vạn năng mang nhãn hiệu DT24 do Ba Lan chế tạo. Chiếc máy cày được Đại sứ Ba Lan mang về trao tận tay cho bà con nhân dân để phục vụ sản xuất. Sau này vì mục đích, ý nghĩa lịch sử, HTX Yên Trường đã bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh để bảo quản, gìn giữ và trưng bày.

Những hiện vật, kỷ vật lịch sử được Bác trao tặng cho các tập thể, cá nhân gắn liền với những dấu ấn lịch sử cách mạng, những chiến công qua các thời kỳ, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Thời gian đã cách xa, những kỷ vật, hiện vật về Người vẫn mãi được lưu giữ, nâng niu, coi trọng, điều này không chỉ thể hiện tình cảm của mỗi người con Thanh Hóa đối với Bác mà còn góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử, giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.


Bài và ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]