(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa đang trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ở những địa phương tâm dịch, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng chức năng, đội ngũ cán bộ phố, thôn đã không quản nguy nan, sẵn sàng đến những nơi nguy hiểm nhất để truy vết F1, F2, nhằm kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Hơn thế, tại các phường, xã, phố, thôn bị phong tỏa, họ còn ngày đêm bám chốt, tuần tra khu dân cư và chăm lo đời sống hàng ngày, việc sản xuất của Nhân dân... Họ thực sự là “công bộc” của dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “công bộc” của dân trong tâm dịch

Thanh Hóa đang trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ở những địa phương tâm dịch, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng chức năng, đội ngũ cán bộ phố, thôn đã không quản nguy nan, sẵn sàng đến những nơi nguy hiểm nhất để truy vết F1, F2, nhằm kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Hơn thế, tại các phường, xã, phố, thôn bị phong tỏa, họ còn ngày đêm bám chốt, tuần tra khu dân cư và chăm lo đời sống hàng ngày, việc sản xuất của Nhân dân... Họ thực sự là “công bộc” của dân.

Những “công bộc” của dân trong tâm dịch

Cán bộ phố Phan Bội Châu 2, phường Tân Sơn hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Trần Thanh

Không quản sự nguy nan

Người dân phố 8, phường Ngọc Trạo hầu như ai cũng thuộc lòng và ghi nhớ cụm từ “một người lơ là cả nhà cách ly”, “trên địa bàn có F0 cả cộng đồng vất vả” mà ông Lê Quý Liêm, tổ trưởng tổ dân phố thường ngày vẫn đọc trên loa truyền thanh. Đêm 31-8, những điều ông Liêm luôn nhắc nhở bà con lại xảy ra tại phố. Vi-rút SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào địa bàn, sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xác định được ca F0, có địa chỉ tại số nhà 47 đường Thôi Hữu. Đêm hôm ấy với người dân phố 8 thật dài. Còn với ông Liêm và các thành viên trong tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, đó cũng là một “đêm trắng”. Với mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người dân, các biện pháp phòng, chống dịch được TP Thanh Hóa và phường Ngọc Trạo triển khai khẩn trương. Gạt đi nỗi sợ bản năng của con người, không có thiết bị phòng hộ, chỉ có chiếc khẩu trang, chiếc loa cầm tay, cuốn sổ ghi chép, ông Lê Quý Liêm đã cùng với cán bộ phường Ngọc Trạo đến từng hộ gia đình dò hỏi, vận động người dân cung cấp thông tin những trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, nhằm truy vết “thần tốc” các trường hợp F1 và F2.

Trời vừa hửng sáng, mặc dù đang cùng với các lực lượng công an, dân quân, đoàn thanh niên thực hiện nhiệm vụ trực gác ở chốt phong tỏa đầu phố, nhưng ông Liêm vẫn không quên nhiệm vụ hàng ngày quá đỗi quen thuộc của mình là tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong bài tuyên truyền của ông vào sáng 1-9, không còn cụm từ đã ăn sâu trong tâm trí của người dân phố 8 “một người lơ là cả nhà cách ly”, “trên địa bàn có F0 cả cộng đồng vất vả”, mà thay vào đó là những lời động viên mọi người, mọi nhà không hoang mang, lo lắng và tuân thủ nghiêm lệnh phong tỏa của TP Thanh Hóa, cùng các quy định phòng, chống dịch “ai ở đâu ở đó”. Cuối nội dung tuyên truyền ông Liêm không quên “đọc đi, đọc lại” số điện thoại di động của mình và chốt trưởng để các hộ gia đình trong phố nếu có nhu cầu mua bán các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu thì liên lạc. Ông Lê Quý Liêm cho biết: “Do thực hiện lệnh phong tỏa nên mọi công việc thường ngày của người dân trong phố đều tạm thời ngưng lại. Vì vậy, việc đi chợ mua nhu yếu phẩm cho gia đình là không thể. Để người dân an lòng, phường Ngọc Trạo đã chỉ đạo hội LHPN phân công cán bộ, hội viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ “đi chợ hộ” cho người dân trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa. Qua điện thoại, các hộ dân trong phố đăng ký những nhu yếu phẩm cần mua, tôi lập danh sách và ứng tiền của mình ra đưa cho các đồng chí cán bộ, hội viên phụ nữ để đi chợ hộ người dân”. Sau khi các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm được bọc gói cẩn thận, chuyển về chốt phong tỏa, ông Liêm cùng với các thành viên trực chốt luân phiên vận chuyển đưa đến các hộ sử dụng. Ông Liêm chia sẻ thêm: “Hơn 8 năm trong vai trò “người vác tù và hàng tổng” nhưng có lẽ những ngày chiến đấu với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2 là quãng thời gian vất vả nhất. Tôi tin với sự đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực của Nhân dân, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19”.

Những ngày này, thôn Đông Hưng, xã Tế Nông (Nông Cống) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ. Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất của 234 hộ dân, với 7.502 nhân khẩu của thôn. Trong cơn mưa như trút nước, ông Lê Văn Ngãi, Trưởng thôn Đông Hưng vẫn cùng các cán bộ, chiến sĩ công an và dân quân đứng gác tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đầu thôn. Nghe tin có bão Conson, ông vội vàng quàng chiếc áo mưa lên người, rồi lên xe đi vào phía trong thôn để thăm lúa giúp bà con. Khoảng 30 phút sau, tiếng loa truyền thanh từ phía nhà văn hóa thôn vang lên: “Bão Conson hiện nay cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía Đông Đông Nam, hướng vào Bắc miền Trung, vì vậy, bà con trong thôn ai có nhu cầu mua nhu yếu phẩm thiết yếu gọi điện qua số điện thoại của tổ phòng, chống COVID-19 thôn và chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Toàn thôn ta có khoảng 60 ha lúa thu mùa. Trong vòng 1 tuần nữa lúa sẽ chín rộ, vì vậy, đề nghị bà con thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ “ai ở đâu ở đó”, chung sức cấp ủy, chính quyền xã và huyện đẩy lùi dịch bệnh COVID-19”. Để thôn Đông Hưng nhanh chóng trở thành “vùng xanh”, thì chung sức, đồng lòng của mỗi người dân là yếu tố then chốt đẩy lùi dịch bệnh. Xác định được điều đó, hàng ngày, ông Ngãi luôn dành thời gian để phổ biến các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Trung ương, tỉnh, huyện và xã đến Nhân dân. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, trong những ngày thôn Đông Hưng “căng mình” chống dịch, ông Ngãi còn luôn có mặt trong các buổi lấy mẫu xét nghiệm để hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, sắp xếp và hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách, khai báo thông tin, tuân thủ các nguyên tắc “5K” nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh. Ông Ngãi phấn khởi: “Nhiều ngày qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc xét nghiệm tầm soát COVID-19 nên thôn Đông Hưng đã kịp thời bóc tách những trường hợp nghi nhiễm ra ngoài cộng đồng. Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong thôn cơ bản được kiểm soát, người dân tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội. Với phương châm “không để bất kỳ người dân khó khăn nào không được chăm lo”, ông đã cùng với cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng cần chăm lo. Ông Ngãi cho biết: “Gia đình bà Trịnh Thị Tâm có 2 người con thuộc diện F1 phải cách ly tập trung. Các con đi cách ly để lại 2 cháu nhỏ cho bà ở nhà chăm sóc. Thấy hoàn cảnh như vậy, thôn thường xuyên thăm hỏi, trợ giúp gia đình bà. Mới đây, khi xã Tế Nông triển khai việc hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, gia đình bà Tâm được ưu tiên hỗ trợ trước”.

Chung tay lo việc sản xuất hộ người dân

Vào ngày 1-9 vừa qua, huyện Hậu Lộc ghi nhận 2 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng có địa chỉ ở đường Bà Triệu, khu Trung Đức, thuộc thị trấn Hậu Lộc có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Ngay trong đêm 1-9, các lực lượng chức năng từ huyện đến khu phố “căng mình” tập trung, truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến 2 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2. Vợ chồng anh Trương Văn Tính và chị Hà Thị Huyên, ở khu Trung Thắng, thị trấn Hậu Lộc là một trong những trường hợp F1 có tiếp xúc với các bệnh nhân trên địa bàn. Vốn là điển hình trong sản xuất của thị trấn Hậu Lộc, nên ngày vợ chồng anh bắt buộc phải cách ly y tế tập trung cũng đồng nghĩa với việc sản xuất ngưng trệ. Đáng nói hơn, trong những ngày thị trấn Hậu Lộc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gia đình anh có gần 5 sào rau màu đang vào độ thu hoạch nhưng không có nhân lực và thị trường tiêu thụ. Bà Trương Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hậu Lộc, cho biết: “Trên cơ sở rà soát các gia đình hội viên phụ nữ thị trấn gặp khó khăn trong đời sống, sản xuất chúng tôi nắm được chị Hà Thị Huyên, ở khu Trung Thắng có nhiều diện tích rau màu vào vụ thu hoạch nhưng cả 2 vợ chồng lại thuộc diện F1 phải cách ly y tế tập trung. 5 sào rau màu không thu hoạch sớm sẽ bị hỏng và có nguy cơ mất trắng”. Để vợ chồng anh Tính, chị Huyên yên tâm trong những ngày cách ly y tế, hội LHPN thị trấn đã tổ chức, kêu gọi hội viên các chi hội tham gia hỗ trợ thu hoạch. Đồng thời, kêu gọi hội viên, các cá nhân đăng, chia sẻ tin, bài để giới thiệu tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ như: facebook, zalo... để lan tỏa tới mọi người, mọi nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, những tình cảm ấm áp, sự chia sẻ kịp thời của hội viên phụ nữ, các bạn trẻ cũng như người dân đã giúp người vợ chồng anh Tính, chị Huyên tiêu thụ hết 5 sào rau màu.

Trong bộ bảo hộ xanh và chiếc loa cầm tay, hàng ngày ông Vũ Chí Hiền, Trưởng thôn 4, xã Nga Trung (Nga Sơn) vẫn thầm lặng đi “từng ngõ, gõ từng nhà” để nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “ai ở đâu ở đó”. Toàn thôn có 210 hộ dân, với hơn 700 nhân khẩu. Là vùng quê thuần nông nên đa số người dân trong thôn gắn bó với nông nghiệp. Cùng với cây lúa, cây ngô, bà con thôn 4 cũng đẩy mạnh phát triển đàn lợn. Hiện nay, thôn 4 có 5 gia trại chăn nuôi lợn, với quy mô từ 100 đến 150 con/gia trại và khoảng 2.000 con lợn được nuôi trong các hộ gia đình. Nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò, đàn lợn, ông Hiền đã trực tiếp đấu mối với các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi trên địa bàn để cung ứng cho bà con. Cùng với việc thông báo để các hộ dân đăng ký khối lượng thức ăn chăn nuôi cần mua qua số điện thoại di động, ông cũng quán triệt tinh thần “bà con không phải ra lấy, thôn có trách nhiệm chở đến tận cổng, ngõ”. Trong 6 ngày giãn cách xã hội vừa qua, ông Hiền đã mua giúp và cùng với đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ vận chuyển đến tận hộ dân 10 tấn thức ăn chăn nuôi.

Trong đại dịch, dường như tình cảm, sự sẻ chia, lòng yêu thương giữa các cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được khơi dậy và lan tỏa. Cuộc chiến đấu với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2 sẽ còn nhiều cam go, thách thức. Cùng với các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nhiều cán bộ phường, xã và phố, thôn dù phải đối diện nguy cơ có thể bị lây nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng. Tin tưởng rằng, với phương châm “mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, tỉnh Thanh Hóa sẽ ngăn chặn được dịch bệnh, bảo đảm an toàn địa bàn và sức khỏe cho Nhân dân.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]