(Baothanhhoa.vn) - Trong mỗi bước đường xây dựng và phát triển Báo Thanh Hóa (BTH) luôn ghi đậm dấu ấn, nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ người làm báo. Ở chiều ngược lại, đối với những “cây viết” đã và đang làm việc tại BTH thì mỗi chuyến đi cơ sở, mỗi bài báo được viết ra, mỗi con người từng gặp gỡ, mỗi câu chuyện được lắng nghe,... sẽ mãi là ký ức, kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí.

Nghề báo chúng tôi

Trong mỗi bước đường xây dựng và phát triển Báo Thanh Hóa (BTH) luôn ghi đậm dấu ấn, nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ người làm báo. Ở chiều ngược lại, đối với những “cây viết” đã và đang làm việc tại BTH thì mỗi chuyến đi cơ sở, mỗi bài báo được viết ra, mỗi con người từng gặp gỡ, mỗi câu chuyện được lắng nghe,... sẽ mãi là ký ức, kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí.

Nghề báo chúng tôi

Bà Nguyễn Thị Tấn - một trong những nữ phóng viên đầu tiên của Báo Thanh Hóa. Ảnh: Thảo Linh

Những bài báo bị kiện

Hơn 30 năm gắn bó cùng BTH, cho đến hôm nay, những câu chuyện xoay quanh trang báo vẫn mãi là ký ức, kỷ niệm không bao giờ phai nhạt với nhà báo Nguyễn Thị Tấn (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa). Từ vai trò tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Đại đội 214 thanh niên xung phong, năm 1967, bà Tấn về công tác tại BTH, bắt đầu tháng ngày làm báo. Lúc bấy giờ, bà Tấn là một trong những nữ phóng viên đầu tiên và là 1 trong 9 người đầu tiên của BTH được kết nạp vào Chi hội Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhiều bài báo được viết ra từ cách đây hàng chục năm nhưng mỗi lần nhắc lại vẫn khiến bà Tấn đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Bà gọi đó là “câu chuyện về những bài báo bị kiện”. “Báo chí là một nghề danh giá nhưng cũng đầy rẫy gian khó, hiểm nguy và không tránh khỏi thị phi nữa. Nhưng nếu mình làm việc bằng cái tâm trong sáng, lương thiện, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì khó khăn nào cũng vượt qua, thử thách nào cũng không ngại” – bà Tấn thân tình chia sẻ.

Bà Tấn nhớ lại kỷ niệm khi thực hiện bài viết với tiêu đề: “82 con lợn chết, chẳng chết ai”. Bài viết đề cập đến sự việc lợn chết hàng loạt tại trại chăn nuôi của một HTX trên địa bàn xã Đông Hương (nay là phường Đông Hương, TP Thanh Hóa). Điều quan trọng là thái độ hời hợt, thờ ơ của chính quyền địa phương trước sự việc này. Qua tìm hiểu thực tế từ nhiều phía, bà Tấn ghi nhận được: Với những con lợn chết ấy, trại chăn nuôi chỉ ghi lại ngày, tháng rồi cứ thế mang đi tiêu hủy chứ không thấy người có thẩm quyền hay cơ quan chức năng nào đến lập biên bản, tìm hiểu, xác định nguyên nhân, đề ra phương án giải quyết.

Sau khi bài viết được đăng tải trên BTH (vào khoảng cuối những năm 70), đại diện lãnh đạo xã Đông Hương đã trực tiếp mang đơn kiện lên phòng bạn đọc của tòa soạn vì cho rằng nhà báo phản ánh không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến xã. Bà Tấn cười vui vẻ, hào hứng kể tiếp: “Lúc bấy giờ, tình cờ thế nào, tôi lại có mặt ở phòng bạn đọc đúng lúc đó”. Bình tĩnh lắng nghe ý kiến của đại diện xã Đông Hương, bà Tấn đáp lời: “Những gì được phản ánh trong bài báo chính là sự thật diễn ra ở địa phương. Tôi có đầy đủ ý kiến của người dân, đại diện HTX cùng những giấy tờ chứng minh được điều đó. Bởi vậy, thay vì đi kiện tôi thì các anh nên có ý kiến tiếp thu để cho thấy tinh thần, thái độ cầu thị, trách nhiệm của mình”. Quả thực, ít lâu sau buổi làm việc hôm ấy, lãnh đạo xã Đông Hương đã viết ý kiến tiếp thu và đăng tải trên BTH.

Cũng trên địa bàn xã Đông Hương, vào khoảng những năm 85, 86, khi đang là phóng viên phòng nông nghiệp, bà Tấn đã từng thẳng thắn đặt ra câu hỏi với chính quyền nơi đây: “400 mẫu ruộng của xã Đông Hương chưa cày cấy được vì sao?”. Sau nhiều nỗ lực tìm hiểu ghi nhận thông tin, thu thập tư liệu, hình ảnh, lắng nghe ý kiến của các đội sản xuất, người dân địa phương, bà được biết: Vì xã chưa hoàn thành việc đóng thủy lợi phí dẫn đến việc đồng ruộng chưa được cấp nước để tiến hành các hoạt động sản xuất. Đi đến tận cùng câu chuyện mới nảy sinh mâu thuẫn: Do nhiều cán bộ, đảng viên trong xã chưa đóng nên bà con Nhân dân chúng tôi cũng chưa đóng – một người dân địa phương trả lời bà Tấn. Từ thực tế ghi nhận được, bà Tấn thực hiện bài viết: “400 mẫu ruộng của xã Đông Hương chưa cày cấy được vì sao?”. Trong đó, bà Tấn nêu rõ quan điểm: “Cái gốc là công tác tổ chức, cán bộ”, nhấn mạnh tinh thần nêu gương của đảng viên.

Bài viết này đã tạo được hiệu ứng với cả chính quyền địa phương và các cấp, các ngành có liên quan. Bà Tấn cho biết: Sau khi bài báo đăng tải, khoảng 10 đảng viên cao tuổi của xã Đông Hương đã tìm đến tòa soạn để khiếu nại vì cho rằng tác giả phản ánh chung chung, gây ảnh hưởng đến đảng viên của toàn xã”. Tuy nhiên, sau khi nghe bà Tấn giải thích và xem xét một số ý kiến có chữ ký đi kèm của người dân trao đổi với bà Tấn thì các cụ nói: “Vậy là chúng tôi hiểu rồi. Bài báo không hề có ác ý mà rất mang tính xây dựng, là đang giúp Đông Hương chúng tôi hoàn thiện hơn đấy”.

Từ sau bài viết này, Thị ủy thị xã Thanh Hóa (nay là Thành ủy TP Thanh Hóa) đã thành lập một tổ công tác chấn chỉnh lại công tác tổ chức cán bộ ở Đông Hương, đẩy mạnh công tác thu thủy lợi phí và đấu mối với đơn vị cung cấp dịch vụ linh động cấp nước vào đồng ruộng để bà con kịp thời tổ chức sản xuất. “Điều bất ngờ nhất là vụ mùa đó, Đông Hương đi sau nhưng lại thắng lớn. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân vui mừng, phấn khởi. Các đảng viên cao tuổi của xã lại một lần nữa lại đến tòa soạn, tìm gặp bà Tấn để gửi lời cảm ơn vì đã giúp Đông Hương kịp thời khắc phục thiếu sót, khó khăn, sản xuất hiệu quả.

Đi... để trưởng thành hơn với nghề

Phóng viên Minh Hiếu (Phòng Xây dựng Đảng – Nội chính, BTH) dường như đã là gương mặt quá đỗi quen thuộc tại các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Từ những ngày chập chững xách máy ảnh chụp bằng phim theo các chú, các anh học làm tin thời sự, đến nay, anh đã gắn bó với Phòng Xây dựng Đảng – Nội chính một quãng thời gian khá dài với nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Nghề báo chúng tôi

Phóng viên Báo Thanh Hóa cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: PV

Có lẽ trong sự nghiệp làm báo của mình, anh Hiếu sẽ không bao giờ quên được kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp về chuyến công tác thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân vùng lũ tại huyện Mường Lát vào tháng 9-2018 của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (nay là Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam).

Thời điểm ấy, Mường Lát đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận lũ lớn. Khi đoàn công tác vượt qua được địa phận Cổng trời đến bản Táo, xã Trung Lý thì xe không thể di chuyển được do đất đá từ trên đồi sạt lở chắn ngang Quốc lộ 15C - con đường độc đạo lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát. Lúc này, cả đoàn xuống đi bộ và phải vượt qua quãng đường hàng chục km với nhiều điểm sạt lở mới có thể vào đến bản Poọng, xã Tam Chung - nơi chỉ còn lại hoang tàn, mất mát sau cơn lũ dữ. Đoàn xuất phát từ sáng sớm và khi vào đến bản Poọng đã là 5 giờ chiều.

Để có thông tin nhanh về hoạt động của đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại vùng lũ, phóng viên phải tranh thủ từng phút, ở mọi địa bàn, ở mọi hoàn cảnh để cung cấp thông tin cho độc giả. Anh Hiếu cho biết: “Khi ấy, tôi đã phối hợp với đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Báo điện tử để thực hiện tác nghiệp bằng cách sử dụng điện thoại để thông báo nội dung và sử dụng máy ảnh có kết nối wifi để truyền dữ liệu ảnh về qua ứng dụng tin nhắn của facebook để thông tin hình ảnh ban đầu về hoạt động của đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và cảnh hoang tàn sau cơn lũ đi qua, cùng sự nỗ lực của các lực lượng quân đội, công an, biên phòng khắc phục hậu quả cho người dân”.

Khi rời bản Poọng trở về trung tâm huyện Mường Lát, trời bắt đầu tối, đồng chí Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh và huyện Mường Lát nhằm tìm ra phương án nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con người đây. Kết thúc buổi làm việc, đoàn tức tốc di chuyển sau một quãng đường dài đi bộ, vượt đèo dốc. Khi về đến trung tâm huyện Quan Hóa, đồng hồ đã điểm 11 giờ 30 phút.

Làm phóng viên thời sự vốn đã có nhiều áp lực, nhưng với người thường xuyên được giao nhiệm vụ đảm nhận việc đưa tin trong các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh thì áp lực càng tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, với anh Hiếu, những áp lực, thử thách ấy chính là cơ hội để anh rèn luyện, trưởng thành hơn trong nghề. “Mỗi một chuyến đi là một trải nghiệm đắt giá, kỷ niệm đẹp trong tôi” – anh Hiếu bộc bạch.

Nhà báo Nguyễn Thị Tấn, phóng viên Minh Hiếu và các thế hệ người làm báo đã cùng nhau viết nên hành trình 60 năm xây dựng, phát triển của BTH. Từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian nan, thiếu khó cho đến nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ, các thế hệ người làm báo BTH vẫn luôn giữ vững niềm tin, nhiệt huyết, đam mê, hăng hái lên đường, bám sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân để có thể viết được những bài viết hay, hấp dẫn. Những bài viết ấy đã phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan thực tiễn đời sống, sự phát triển sôi động của tỉnh góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tờ báo Đảng địa phương, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]