(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu, nhất là trong khối nông thôn vẫn chỉ chiếm con số khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên-một vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên: Giải bài toán phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn

Trong những năm qua, số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu, nhất là trong khối nông thôn vẫn chỉ chiếm con số khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên-một vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên: Giải bài toán phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn

Đoàn viên, thanh niên huyện Thọ Xuân tham gia dọn vệ sinh môi trường khu vực nông thôn. Ảnh: Lê Phượng

Nhìn từ thực tiễn

Xu hướng “già hóa” đảng viên trong các tổ chức cơ sở đảng ở khu vực nông thôn hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó một trong những nguyên nhân cốt yếu chính là do chưa làm tốt công tác phát triển đảng viên mới trong thanh niên trên địa bàn dân cư. Dẫn đến, việc giải bài toán tạo nguồn đảng viên đặt ra nhiều thách thức.

Đồng chí Lê Thị Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), cho biết: Từ năm 2015 đến năm 2018, xã kết nạp được 21 đảng viên, trong đó năm 2018 kết nạp được 3 đảng viên trẻ độ tuổi từ 30 trở lên. 3 đảng viên trẻ nông thôn được kết nạp nhìn chung về cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu chỉ tiêu.

Thiếu đảng viên trẻ dẫn đến tình trạng ở nhiều chi bộ hiện nay đảng viên già vẫn phải tham gia cấp ủy, gánh vác các nhiệm vụ của xóm, thôn. Ví như đảng viên Phạm Văn Tiến, xã Hải Hà (Tĩnh Gia) năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng đã hơn 10 năm nay ông vẫn phải giữ chức bí thư chi bộ. Ông thường xuyên quan tâm đến công tác phát triển Đảng, nhưng do hiện nay việc tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, nên việc tìm nguồn bồi dưỡng để kết nạp đảng viên là rất khó.

Theo thống kê của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, nhiệm kỳ 2012-2017, các cấp bộ đoàn đã giới thiệu được 28.450 đoàn viên ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, trong đó 24.771 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu bồi dưỡng kết nạp Đảng chủ yếu là khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tỷ lệ ĐVTN khối nông thôn trong tổng số ĐVTN được giới thiệu kết nạp Đảng còn khá khiêm tốn.

Loay hoay tạo nguồn

Xuất phát từ thực tiễn, dẫn đến bài toán “tạo nguồn” vẫn đang loay hoay tìm lời giải bởi nhiều nguyên nhân.

Những năm gần đây, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều kiện sinh hoạt và tâm lý khoa cử đã tác động nhiều mặt đến thanh niên và hoạt động đoàn ở khu vực nông thôn. Đồng chí Lê Thị Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sao Vàng, khẳng định: Từ nhiều năm nay, nguồn phát triển đảng viên trẻ ở xã vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng ĐVTN trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp... Trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển Đảng rất hiếm, bởi do một số sau khi tốt nghiệp THPT lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường chuyên nghiệp, một số đi học ở các trung tâm dạy nghề; hoặc đi làm xa. Vì vậy, nhiều thôn không còn thanh niên, có lúc tổ chức đoàn thanh niên không hoạt động... làm cho nguồn phát triển đảng viên ở chi bộ nông thôn cũng bị hạn chế. Trong khi đó, các đối tượng là trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn cũng rất khó khăn bởi quần chúng tích cực muốn được phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì tiêu chí về trình độ văn hóa lại chưa đạt chuẩn (phải có trình độ học vấn THPT trở lên), nên số lượng thanh niên chưa học hết THPT rất khó có điều kiện phát triển. Đây là một trong những yếu tố làm cho số lượng thanh niên được kết nạp tại địa phương trong nhiều năm trở lại đây khó và giảm. Vì vậy, dẫn đễn một nghịch lý là trong khi nguồn phát triển bị hạn chế, nhưng yêu cầu công tác phát triển Đảng vẫn phải nâng cao đã đặt các chi bộ nông thôn vào tình thế “loay hoay” tìm nguồn.

Trao đổi về vấn đề này, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhìn nhận: Số lượng thanh niên có mặt ở địa phương ít, một số đoàn cơ sở hoạt động khó khăn, cầm chừng, có nơi chỉ còn bộ khung ban chấp hành do vậy đã dẫn đến tình trạng khó tổ chức phong trào, thanh niên ít có cơ hội để phát hiện, lựa chọn để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Một bộ phận thanh niên do nhận thức chính trị còn hạn chế, ngại tham gia hoạt động đoàn - hội, không có ý chí phấn đấu vào Đảng. Thêm vào đó, đa số các đảng bộ xã, thị trấn đều đưa ra chỉ tiêu kết nạp Đảng hàng năm nhưng chưa xây dựng nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảng viên, chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể đối với thanh niên phấn đấu vào Đảng.

Gỡ những rào cản

Những hạn chế về số lượng cũng như chất lượng của đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn đang cho thấy thực tế, một số cấp ủy đảng cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm công tác đoàn và phong trào thanh niên. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã chưa có những giải pháp mang tính đột phá tạo việc làm, tăng thu nhập giúp thanh niên yên tâm lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương. Các cấp bộ đoàn cũng chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong tập hợp, giáo dục thanh niên bằng các phương thức hiệu quả nên hoạt động hạn chế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Do đó, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng Đảng là ĐVTN chưa chuyển biến, có tình trạng giới thiệu đoàn viên ưu tú xong coi là hết trách nhiệm.

Đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho rằng: Để làm tốt công tác này, trước hết phải có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm từ hai phía: Tổ chức cơ sở đảng (trực tiếp là các chi bộ); tổ chức cơ sở đoàn và bản thân mỗi ĐVTN. Cần thấy rằng sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng; chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn và ý thức tự giác của mỗi ĐVTN là những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả công tác phát triển Đảng trong thanh niên, nhất là thanh niên trực tiếp lao động, sản xuất ở khu vực nông thôn. Ngoài nội dung tổng thể kết hợp chặt chẽ ba mặt công tác: Giáo dục, tổ chức và phong trào hành động của thanh niên để ngày càng có nhiều ĐVTN nông thôn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tổ chức cơ sở đảng và tổ chức cơ sở đoàn cần coi trọng giúp đảng viên trẻ có cơ hội được cống hiến và đóng góp cho phong trào chung ở cơ sở. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đầu tư vào địa bàn, mở rộng ngành, nghề để tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Cấp ủy các cấp cần chú ý đến việc quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên. Cần phải đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên trẻ là thanh niên trực tiếp lao động ở nông thôn vào nghị quyết của các cấp ủy, đồng thời phát huy trách nhiệm cụ thể của cấp ủy, đoàn thể, đảng viên đối với lĩnh vực công tác này.

Phát triển đảng viên trẻ là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác này, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải có nhiều giải pháp. Việc lựa chọn những quần chúng ưu tú cho Đảng cũng cần được các chi bộ quan tâm đúng mức, có những cách làm phù hợp, không vì chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà dễ dãi khi lựa chọn đối tượng kết nạp.

Kính mời độc giả đón đọc "Bài 2: Phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong định hướng, giáo dục, tạo nguồn phát triển đảng viên".

Lê Phượng


Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]