(Baothanhhoa.vn) - Trong diễn trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhà sử học Lê Văn Hưu được mệnh danh là “ông tổ của nền sử học Việt Nam”, bằng sự tinh anh trí tuệ mẫn tiệp, trọng dân và vì dân đã soạn nên “Đại Việt sử ký”, làm rạng ngời sử sách non sông, lưu truyền mãi muôn đời. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng tới kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu (1322 - 2022)

Lê Văn Hưu trong tâm thức người dân xứ Thanh

Trong diễn trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhà sử học Lê Văn Hưu được mệnh danh là “ông tổ của nền sử học Việt Nam”, bằng sự tinh anh trí tuệ mẫn tiệp, trọng dân và vì dân đã soạn nên “Đại Việt sử ký”, làm rạng ngời sử sách non sông, lưu truyền mãi muôn đời.

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu, Phủ Lý - huyện Đông Sơn; nay là thôn Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo gia phả họ Lê Lương và truyền thuyết làng Kẻ Rỵ, thì thân phụ Lê Văn Hưu bị ốm và mất từ khi thân mẫu mới mang thai ông được bốn tháng. Sống trong cảnh góa bụa và son trẻ, bà Đỗ Thị ước ao con mình sẽ là con trai nối dõi gia đình họ Lê, làm rạng rỡ tổ tông, đáp ứng lòng mong mỏi của tổ tiên: “phật đạo hư vô, nhà ta nhiều đời chuyên coi trọng đạo Phật, được nhà vua tôn sùng và ban lộc hiển vinh. Con cháu nên tu nhân tích đức; học đạo giảng kinh; nhất thiết dùng đạo đức, văn chương làm phúc, ngõ hầu được lưu danh ngàn đời”.

Được ở nhà học với ông ngoại, đến năm lên chín tuổi thì cậu bé Hưu được đưa đến học với ông đồ ở Cổ Bôn. Lê Văn Hưu học rất sáng dạ, thầy đồ họ Nguyễn thường khen cậu trước các học trò trong lớp. Tiếng tăm “Thần đồng Hưu” càng ngày càng nổi. Tiếng tăm học giỏi và có chí chiếm bảng Khôi nguyên của Lê Văn Hưu nổi tiếng khắp vùng.

Sách vở, ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Văn Hưu còn rất ít, song trong tâm thức Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân xứ Thanh, Lê Văn Hưu lại được người dân nơi đây ghi nhớ và kể lại rất nhiều.

Lê Văn Hưu trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của huyện Đông Sơn và xứ Thanh, làm rạng rỡ quê hương gia đình. Trong “nhà thờ ông Hưu” còn ghi trên câu đối:

Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam Bắc Đông Tây Sơn Đẩu vọng.

Vĩnh Thanh Hoa địa, y quan chương phú lý dư hương”.

Nghĩa là:

Đặt nền Thiệu Hóa, khắp Nam Bắc Đông Tây trông về Thái Sơn Sao Đẩu.

Vững đất Thanh Hoa, văn chương áo mũ thơm làng xóm quê hương.

Và đôi câu đối trước treo ở gian giữa đền thờ:

Vân như khí tật vi Thượng công chi phong

Viễn tổ nghi thị ư Tố vương chi tước.

Nghĩa là:

Con cháu bỏ được điều xấu xa cho họ hàng mà làm đến Thượng công

Ông cha xưa làm đẹp cho cả dòng họ bởi được tước Tố Vương.

Đôi câu đối mãi là niềm vinh dự, tự hào vì: Lê Văn Hưu sinh ra là niềm vui lớn cho họ hàng, làm vinh hạnh cho tổ tiên, con cháu. Có được điều đó bởi cha ông xưa có người đã đạt tước Tố Vương làm đẹp cho dòng họ(1).

Lê Văn Hưu được Vua Trần Thái tông chọn làm thầy dạy học của các Hoàng tử: Trần Hoảng, Trần Quang Khải, Trần Ích Tắc, Trần Nhật Duật. Các Hoàng tử được thầy Hưu dạy bảo kinh sách, là những người có học vấn sâu sắc, trở thành những trụ cột của triều Trần.

Năm 24 tuổi (1253), Lê Văn Hưu được giữ chức Hàn lâm viện thị độc, giữ việc giảng kinh sách cho vua. Vào năm Tân Mùi niên hiệu Thiệu Long thứ 14 (1271) Lê Văn Hưu được cử làm Phó quan giúp việc Thái úy. Không lâu, được thăng chức Kiểm pháp quan của Viện Đăng Văn. Đến năm 1274 (45 tuổi), Lê Văn Hưu được thăng lên chức Thượng thư bộ Binh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay). Trước đó, ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử giám tu - chức quan đứng đầu Viện Quốc sử. Trong thời gian này, ông được giao soạn Quốc sử. Mùa xuân năm Nhâm Thân - 1272, ông dâng lên Vua Trần Thánh tông bộ “Đại Việt Sử ký” gồm 30 quyển, ghi chép lịch sử nước ta từ thời Triệu Vũ đế (207 - 136 TCN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), được Vua Trần xuống chiếu ban khen. Đây là bộ Quốc sử đầu tiên của nước nhà.

Đánh giá công lao to lớn của Lê Văn Hưu hoàn thành bộ Quốc sử “Đại Việt sử ký”, ông được các sử quan đời sau trân trọng, đánh giá cao. Sử gia Ngô Sĩ Liên khẳng định: “Sách Đại Việt sử ký chép chính sự của đế vương đời trước. Trước sau truyền nối, từ khi mới mở nước Nam; địa vị ngang nhau, chẳng chịu kém thua triều Bắc. Dòng mối ức muôn năm truyền mãi, sánh trời không cùng; vua giỏi sáu bảy vị sinh ra, từ xưa rạng tỏ. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt đời nào cũng có. Thử xem thời trước, có thể xét tra. Nhà Ngô trở lên, đại khái loạn nhiều mà trị ít; nhà Lý trở xuống, dần dần đời biến mà tục đời. Phàm trị đến tột thì loạn tất sinh, giẫm thấy sương thì nước sẽ giá. Bề tôi giặc nhân đó mà tiến; nước thù địch thấy thế đến xâm. Giáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cuồng bạo; sách vở cả nước, đều trở thành một đống tro tàn. Muốn tìm sự tích sót lại trong than trong tro, khó tránh thị phi về lầm chữ Hợi, chữ Thỉ...”. Với giá trị to lớn của trước tác “Đại Việt sử ký” đối với nền sử học dân tộc, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ca ngợi “Văn Hưu là đại thủ bút của đời Trần”. Ông được đề cao như những nhà sử học lớn: “Lê Văn Hưu là Hêrôđốt (485 - 425 TCN) của Việt Nam”; hoặc ví: “Lê Văn Hưu là Tư Mã Thiên của Việt Nam”...

Lê Văn Hưu luôn có tư tưởng trọng dân, thân dân và yêu thương dân, quan điểm đó của nhà sử học thể hiện rõ trong chính sử, khi ghi sự kiện Lý Thái tổ cho xây chùa, trùng tu chùa quán vào năm 1010: “... của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng?”. Theo suy nghĩ của nhà sử học: “Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua”. Ông còn phê phán Vua Lý Thần tông: “xuống chiếu cho con cái các quan phải đợi xong việc tuyển vào cung mới được lấy chồng, thế là để cung phụng riêng cho mình, đâu phải là lòng làm cha mẹ của dân”(2). Khi viết ra những dòng sử chính trực đó, ta như thấy ngọn bút rung lên niềm xúc động, mắt ông rưng. Đoạn chính sử được chép ra từ gan ruột, thấu hiểu lẽ đời, toát lên tư tưởng nhân văn, thấm đượm lòng thương yêu Nhân dân của người soạn “Đại Việt sử ký”.

Với tài năng, nhân cách và cống hiến lớn, Lê Văn Hưu được dân chúng bao đời nay rất mực yêu mến, chàng trai Kẻ Rỵ, từ con người thực đã được dân gian ngợi ca, truyền tụng và nhân hóa, vừa thực, vừa đượm màu lung linh huyền thoại. Những câu chuyện về Lê Văn Hưu như: Giấc mộng hoa lan; Bốn đám mây che; Câu đối ông thợ rèn; Đứng cửa khôi nguyên; Cô lớn hái hoa, cô bé hái hoa; Giang trường phong lộng; Hoa thiên lý thơm ngàn dặm; Bên quán học; cây đèn hình rồng; Xin học thầy Hưu... chính là sự “nhân hóa”, “thiêng hóa” người trai làng Kẻ Rỵ của người dân đối với thần đồng, nhà sử học Lê Văn Hưu.

Những câu chuyện kể về ông, về người thân và quê hương Kẻ Rỵ, thể hiện vùng đất “địa linh nhân kiệt và sự kính trọng nhà sử học kiệt xuất với những “lời có cánh”, thiêng liêng, kỳ lạ, cao siêu:

Cha Lê Văn Hưu mất sớm, khi mẹ ông mới mang thai ông được bốn tháng. Một đêm bà nằm mộng thấy có một ông lão hiền hậu, râu tóc bạc phơ đưa bà đến xứ Mã Hỗn, gióng hướng vạch đất rồi cắm một cành ngọc lan xuống đánh dấu và dặn: hãy đem thi hài chồng mai táng vào chỗ này thì về sau con nàng sẽ đỗ đại khoa”. Ống lão nói dứt lời thì cành ngọc lan vươn lên xanh tốt và nở một đóa hoa trắng muốt, tỏa hương thơm lừng. Rồi ông lão từ từ bay lên trời. Hôm sau bà đem giấc mộng kỳ lạ đó nói với cha đẻ của mình. Cụ Đỗ Tất Bình vốn là nhà Nho uyên thâm, tinh tường thuật phong thủy, ngẫm nghĩ về giấc mộng của con gái, rồi đi tìm đất và thuyết phục họ Lê chuyển mộ con rể đến đất phát đại khoa ở xứ Mã Hỗn. Lúc cậu bé Hưu chào đời, khắp nhà mùi hoa lan sực nức... và đến năm tròn 17 tuổi thì giật giải Bảng nhãn, rồi trở thành vị quan văn của nhà Trần.

Truyền thuyết vùng Nhuệ Sơn (núi Nhồi) huyện Đông Sơn kể rằng, trước khi ra kinh đô ứng thí, chàng trai Lê Văn Hưu đến chùa Báo Ân ở núi An Hoạch (nay thuộc phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) để đọc sách cho yên tĩnh. Thấy có chàng trai chăm chỉ sách đèn, một ông Tiên trên núi xuống trò chuyện rồi thành bạn tri kỷ. Một hôm nhìn cây thiên tuế trước chùa, ông Tiên liền đọc vế đối: “Cây thiên tuế sống ngàn năm” với ý sống thanh bạch nơi cửa chùa không bụi bặm mà sống đến nghìn năm. Lê Văn Hưu chỉ giàn hoa thiên lý gần đó mà đọc: “Hoa thiên lý thơm vạn dặm”. Ý rằng hoa thiên lý tỏa mùi thơm có ích cho đời, đem tinh túy của trời đất đến vạn dặm chứ không chịu yên phận sống lặng lẽ.

Chuyện thầy đồ họ Nguyễn ở Cổ Bôn gả con gái mình cho trò Hưu thật là ý vị. Chuyện rằng, một hôm đang học ở nhà thầy, nhìn thấy ngoài sân có hai cô gái đang phơi đậu, chàng Hưu thẫn thờ không còn nghe thầy giảng sách nữa. Thấy thế, thầy đồ Nguyễn bèn gọi cậu đứng dậy và đọc vế đối bảo chàng đối lại:

Sân trước phơi đậu, sân sau phơi đậu, ngươi muốn đậu ta cho đậu.

Chàng lễ phép đối lại:

Cô lớn hái hoa, cô bé hái hoa, ông thám hoa, tôi thám hoa.

(Thám hoa có nghĩa là thăm hoa, xem hoa nhưng còn ẩn ý đậu Thám hoa là bậc thứ ba trong hàng Tam khôi!).

Thầy Nguyễn rất bằng lòng và sau đó gả người con gái lớn là Nguyễn Thị Thanh cho Lê Văn Hưu.

Khi nghỉ việc chốn quan trường về quê dạy học trò, ông Hưu được sống hạnh phúc trong cảnh “chồng đọc sách, vợ bện thừng” với người vợ hiền từ thuở hàn sinh đến khi trăm tuổi. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt, trong đó có người mãi 30 tuổi mới theo học ông. Chuyện kể rằng, chàng là con nhà nghèo, nhưng được phú ông trong làng gả cho người con gái nhan sắc. Một hôm, nàng đến lạy Cụ Thượng Lê Văn Hưu mà hỏi rằng:

- Thưa cụ, cháu có một loại thóc cũ đã 30 năm không biết có trồng được không?

Cụ Thượng tuy chưa rõ ý của người con gái nhưng vẫn trả lời:

- Nếu được giống tốt thì làm sao mà chẳng trồng được!

Mấy hôm sau cô gái ấy dẫn chồng tới và nói rõ nguyên do rồi xin học cho chồng. Ông Hưu vui vẻ nhận lời. Sau mấy năm chăm chỉ học hành với thầy Hưu, chàng đã đậu Tiến sĩ.

Vinh danh, tri ân tiền nhân, sau khi ông Hưu qua đời, lăng miếu, nhà thờ của nhà sử học đã được triều đình và dân chúng lập nên để hương khói phụng thờ. Trải qua thời gian, chiến tranh, khu di tích lưu dấu nhà sử học Lê Văn Hưu bị xuống cấp, chỉ còn vết tích và nền móng. Với lòng kính trọng và lan tỏa gương sáng của tiền nhân, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa và huyện Thiệu Hóa đã trùng tu, tôn tạo lại khu di tích, lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu khang trang, tương xứng với công lao và sự nghiệp của ông. Với lòng thành kính người con làm rạng danh cho quê hương Kẻ Rỵ, nhiều hộ gia đình đã chuyển đến khu ở mới, dành khu đất lâu nay làm nhà cửa để tôn tạo và mở rộng “nhà thờ ông Hưu”, các công trình phụ trợ và sân vườn.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Xuân Hùng, công tác tại Bảo tàng Thanh Hóa đã phác thảo tượng đài nhà sử học Lê Văn Hưu và trưng bày tại Hội chợ Triển lãm kinh tế kỹ thuật tỉnh tại gian trưng bày của Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa. Cuối năm 2021, tượng đồng nhà sử học Lê Văn Hưu được đúc và rước vào đền, đáp ứng niềm mong ước của người dân Thiệu Trung, xứ Thanh và Nhân dân cả nước về chiêm bái, tri ân người soạn bộ sử đầu tiên của dân tộc.

Lê Văn Hưu - thần đồng xuất chúng, người con làm rạng danh dòng dõi Lê Lương, được Nhân dân Kẻ Rỵ, xứ Thanh bao đời nay kính trọng, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi quen thân như hạt lúa, củ khoai đồng làng nuôi sống họ. Chính vì vậy mà sinh từ, đền thờ và chùa làng được Nhân dân gọi với các tên nôm na mà rất đỗi gần gũi thân thương, mến yêu, nể trọng: “mộ ông Hưu”, “nhà thờ ông Hưu”, “chùa ông Hưu”... ông Hưu đã hóa thân thành non sông, xứ sở.

Lê Văn Hưu là tấm gương sáng được Nhân dân xứ Thanh và Nhân dân cả nước, muôn đời noi theo. Hiện nay ở Thiệu Hóa, quê hương của nhà sử học, tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn trên cả nước có nhiều tuyến đường và phố mang tên Lê Văn Hưu, một số trường học trên địa bàn tỉnh và Trường THPT huyện Thiệu Hóa mang tên nhà sử học, tưởng nhớ, tri ân và noi gương sáng nhà sử học đầu tiên của quốc gia Đại Việt.

Trong tâm thức của người dân xứ Thanh nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung, nhà sử học Lê Văn Hưu, người đã có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là nhân tài lỗi lạc của kỷ nguyên độc lập và hưng thịnh Lý - Trần, người viết sử khởi đầu của Đại Việt, danh nhân văn hóa dân tộc, người con ưu tú, tiến sĩ khai khoa của tỉnh Thanh Hóa. Lê Văn Hưu chính là: Cây thiên tuế sống ngàn năm/ Hoa thiên lý thơm vạn dặm. Tỏa ngát hương bay ngàn vạn dặm, tiếng thơm lưu mãi, truyền đến muôn sau.

  1. Lê Huy Trâm, “Tìm hiểu về dòng dõi và các mối quan hệ gia đình - xã hội của Lê Văn Hưu”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân Thanh Hóa, Lê Văn Hưu và chương trình nghiên cứu danh nhân văn hóa, Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa - 1990.

  2. Hà Văn Tấn, “Hệ thống giá trị của Lê Văn Hưu và bối cảnh văn hóa - xã hội”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân Thanh Hóa, Lê Văn Hưu và chương trình nghiên cứu danh nhân văn hóa, Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa - 1990.

  3. Hoàng Minh Tường

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa)


Hoàng Minh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]