(Baothanhhoa.vn) - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong đã trở lại Điện Biên, trong đó có rất nhiều người Thanh Hóa đã đóng góp công sức, trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu kinh tế động lực của vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2019): Những người ở lại Điện Biên

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong đã trở lại Điện Biên, trong đó có rất nhiều người Thanh Hóa đã đóng góp công sức, trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu kinh tế động lực của vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2019): Những người ở lại Điện Biên

Các cựu cán bộ, chiến sĩ Nông trường Quân đội Điện Biên thăm lại cánh đồng Mường Thanh.

Đúng như lời hứa lần lên Điện Biên cách đây 5 năm, chúng tôi trở lại thăm thế hệ những người Thanh Hóa đầu tiên ở lại xây dựng Điện Biên sau giải phóng 1954. Chúng tôi vẫn nhớ như in con đường nhỏ dẫn vào nhà Ông Lê Đăng Điệng - chiến sĩ thuộc Trung đoàn 176, Sư đoàn 316, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Nông trường Quốc doanh Điện Biên- một người con quê Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc.

Ông Điệng vẫn còn giữ cuốn sổ vàng truyền thống ghi lại những dấu mốc quan trọng của Nông trường Quân đội Điện Biên, sau này là Nông trường Quốc doanh Điện Biên. 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 3-1958 Trung đoàn 176 thuộc Sư đoàn 316 - đơn vị đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - nhận lệnh từ Chủ tịch Hồ Chí Minh quay trở lại chiến trường xưa. Nhiệm vụ của trung đoàn là thu dọn chiến trường, rà phá bom mìn, phát triển kinh tế, xây dựng căn cứ địa Tây Bắc để cùng cả miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ông Điệng nhớ lại: Ngay sau một tháng trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, giữa bộn bề gian lao và thử thách trên mặt trận mới, tháng 4-1958 Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 nhận được thư động viên của Bác Hồ, những người lính đã gác lại nỗi niềm riêng bước vào cuộc chiến đấu mới. Ngày 8-5-1958, Nông trường Quân đội Điện Biên được thành lập, những người lính vừa hạ súng đã tay cày tay cuốc, lao vào cuộc chiến mới với thiên nhiên, với gian lao để làm sống lại mảnh đất Điện Biên đã thấm bao nhiêu máu của đồng đội mình.

Sau chiến tranh, đồng ruộng thành chiến địa nên công cuộc cải tạo chiến địa trở thành đồng ruộng của những người lính Trung đoàn 176 phải đổ nhiều mồ hôi, có khi cả nước mắt và xương máu. Chỉ trong năm đầu tiên bắt tay vào công việc tháo gỡ bom mìn, thu dọn chiến trường để khôi phục sản xuất, 8 chiến sĩ của Sư đoàn 316 đã hy sinh, nhiều người mang thương tật vĩnh viễn. Máu đã đổ, để hồi sinh những mùa vàng trên cánh đồng Điện Biên. Trở lại Điện Biên tháng 3 - 1958 đến tháng 10 - 1958, những chiến sĩ Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên ở cánh đồng Mường Thanh. Nhìn cách đồng xanh mướt này, ít ai có thể hình dung được rằng hơn 60 năm trước, đây từng là mảnh đất hoang vu, đầy rẫy bom mìn, bị xé rách bởi hầm hào, dây thép gai, gió lào và nắng cháy. Những người lính tuy không còn “khoét núi, ngủ hầm” nhưng vẫn “gan không núng chí không sờn”, chiến đấu với thiên nhiên, đổ mồ hôi, công sức và cả máu để hồi sinh vùng đất đã từng ghi dấu chiến thắng vinh quang của cả dân tộc.

Ông Phạm Văn Bảy - nguyên cán bộ Nông trường Quốc doanh Điện Biên cho biết: Ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ nông trường lao động trong điều kiện nguy hiểm không kém gì ra chiến trường, cán bộ công binh đi trước dò bom mìn, chúng tôi đi sau cày cuốc, chỉ cần sai sót một chút thôi thì mất chân, mất tay luôn nên anh em rất cẩn trọng. Sau này khi Đảng và Nhà nước đưa đội nữ thanh niên xung phong lên đây lập nghiệp cùng bộ đội thì không khí thi đua lao động sôi nổi chưa từng có. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lập gia đình nên yên tâm gắn bó lâu dài với vùng đất này.

Trong số 2.000 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Nông trường Quốc doanh Điện Biên có khoảng một phần ba người Thanh Hóa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ: “Lấy nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương”, những thanh niên xung phong, rồi những người phụ nữ Thanh Hóa cũng theo chồng đến với Điện Biên.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hùng và bà Lê Thị Oanh quê ở Đông Sơn hiện sinh sống tại phường Thanh Trường, TP Điện Biên. Ông bà năm nay đều đã ngoài tuổi 90 nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Theo như lời kể của ông bà, chúng tôi có thể hình dung được những năm tháng gian khổ, thiếu thốn trăm bề ở Nông trường Quân đội Điện Biên lúc bấy giờ và đức tính cần cù, chịu đựng gian khổ, hăng say lao động để biến vùng đất chiến trường xưa đầy bom đạn thành một vùng đất của hoa thơm và trái ngọt.

Trong các phong trào lúc bấy giờ ở Nông trường Điện Biên, những người Thanh Hóa luôn nhận được các danh hiệu kiện tướng thi đua do có thành tích tốt trong lao động sản xuất. Sự hồi sinh của Điện Biên đã là đề tài, là nguồn cảm hứng dạt dào cho các văn nghệ sĩ. Một loạt đề tài lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động ở Nông trường Điện Biên đã ra đời.

Suốt cuộc đời cống hiến, hy sinh và gắn bó với Điện Biên, những người Thanh Hóa ở đây còn tự hào vì lớp con cháu của họ. Thế hệ người Thanh Hóa thứ 2, thứ 3 ở Điện Biên, mỗi người một nghề nghiệp, một công việc nhưng điểm chung của họ là đều có ý chí tiếp nối truyền thống của quê hương, của cha ông, đóng góp sức lực và trí tuệ góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Ðiện Biên Phủ ngày càng phồn vinh.

Trong hành trang vào đời của những người Thanh Hóa sinh ra, lớn lên ở Điện Biên, không chỉ có niềm tự hào về quê hương thứ 2 mà còn có những ký ức đẹp về quê cha đất tổ Thanh Hóa, một hậu phương lớn đã không tiếc sức người sức của, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa.

65 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đường lên Tây Bắc hôm nay đẹp như thơ uốn lượn giữa những rừng đào, rừng mận. Tiếp nối thế hệ đi trước, những người con xứ Thanh hôm nay bằng đôi bàn tay, khối óc đã và đang góp phần viết tiếp bản hùng ca năm xưa để xây dựng Điện Biên thành một thành phố giàu đẹp - điểm sáng nơi núi rừng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Mai Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]