(Baothanhhoa.vn) - Có rất nhiều con đường đi đến Điện Biên Phủ, nơi mà cách đây 65 năm đã diễn ra chiến dịch cuối cùng, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chúng tôi, những người thực hiện Ký sự “Đường lên Điện Biên” chọn cách đi theo con đường tải lương phục vụ chiến dịch, con đường từ Thanh Hóa lên Điện Biên. Chúng tôi muốn phần nào đó được trải nghiệm để hiểu thêm về một chiến thắng phải trả bằng biết bao máu xương của thế hệ cha ông trong quá khứ mới có được, để thấm thía về giá trị của độc lập - tự do - hạnh phúc ngày hôm nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2019): Đường lên Điện Biên

Có rất nhiều con đường đi đến Điện Biên Phủ, nơi mà cách đây 65 năm đã diễn ra chiến dịch cuối cùng, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chúng tôi, những người thực hiện Ký sự “Đường lên Điện Biên” chọn cách đi theo con đường tải lương phục vụ chiến dịch, con đường từ Thanh Hóa lên Điện Biên. Chúng tôi muốn phần nào đó được trải nghiệm để hiểu thêm về một chiến thắng phải trả bằng biết bao máu xương của thế hệ cha ông trong quá khứ mới có được, để thấm thía về giá trị của độc lập - tự do - hạnh phúc ngày hôm nay.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2019): Đường lên Điện Biên

Đèo Pha Đin huyền thoại.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (diễn ra từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954), nhân dân Thanh Hóa đã huy động cao nhất nguồn lương thực và lực lượng dân công phục vụ chiến trường. Trong 3 đợt vận chuyển lương thực, Thanh Hóa đã huy động hơn 178 ngàn dân công tuyến lửa, hơn 3.500 xe đạp thồ, 31 xe ô tô, 180 xe bò và rất nhiều phương tiện khác để tải lương lên Điện Biên. Lịch sử đã ghi nhận Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954 có sự góp công rất lớn của “đội xe thồ và nữ dân quân gánh bộ” tỉnh Thanh Hóa. Bằng chiếc xe đạp cùng đôi quang gánh thô sơ, họ đã vượt hàng trăm cây số đường rừng, giữa mưa bom bão đạn, dốc cao vực sâu, để đưa hàng ngàn tấn lương thực – thực phẩm, vũ khí, thuốc men... vào chiến trường Điện Biên Phủ.

Lần theo những tư liệu lịch sử, chúng tôi tìm đến một địa điểm quan trọng, trước kia là nơi tập trung lương thực để vận chuyển lên Điện Biên, đó là Kho Lược, nay thuộc thôn Yên Lược, xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân. Ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch HĐND xã Thọ Minh cho chúng tôi biết: “Trước kia, đình làng Yên Lược là một trong những địa điểm cất giấu lương thực, vũ khí. Hàng chục gia đình của xã Thọ Minh đã tình nguyện nhường các gian nhà cho Nhà nước làm kho chứa. Để đảm bảo bí mật, an toàn về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân trong xã đã thực hiện “ba không”: Không nói, không biết, không chỉ. Nhờ đó trong suốt 4 năm từ 1951 đến 1954, hệ thống Kho Lược được bảo vệ an toàn, không bị máy bay ném bom bắn phá”.

Từ Yên Lược, Thọ Minh, Thọ Xuân, chúng tôi tiếp tục đi theo con đường tải lương tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ điểm tập kết Kho Lược, con đường tải lương tiếp tục được chuyển bằng nhiều hướng với nhiều cung đường khác nhau. Đường thứ nhất, từ Thọ Xuân lên Lang Chánh rồi đến Hồi Xuân (Quan Hóa). Đường thứ hai từ Thọ Xuân qua Cẩm Thủy, lên Cành Nàng (Bá Thước), qua Eo Mân, Na Sài rồi đưa về Hồi Xuân. Chặng xa hơn, hàng từ Hồi Xuân đi Phú Lệ, qua đường 15 ngày nay, ra Quốc lộ 6, đến Suối Rút (Mai Châu - Hòa Bình). Từ đây, hàng tiếp tục được chuyển qua Ngã ba Cò Nòi (Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên.

Ngày ấy những cung đường đèo dốc hiểm nguy này là một thử thách lớn đối với ý chí của những “binh đoàn” vận tải bằng sức người. Cụ Trần Khôi - cựu dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ hiện ở tại số nhà 20 phố Ngô Văn Sở, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa vẫn nhớ rất rõ không khí cả dân tộc hướng về mặt trận Điện Biên Phủ ngày ấy. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, từng đoàn xe thô sơ, gánh bộ nườm nượp nối đuôi nhau vượt qua núi cao, đèo sâu để vào chiến dịch. Ngày đi, đêm nghỉ đông vui như trẩy hội. Trong gian khó, tinh thần thi đua sáng tạo đã góp phần đưa năng suất vận tải tăng vọt, góp phần đảm bảo quân lương, vũ khí, khí tài cho cả 3 đợt diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.

Con đường tải lương trở thành tuyến lửa ác liệt ngay sau khi thực dân Pháp phát hiện ra. Trên suốt dọc tuyến đường từ Suối Rút qua Mộc Châu, Cò Nòi rồi lên tới đèo Pha Đin, có những ngày có tới hàng trăm tấn bom các loại thả xuống, trong đó có cả bom Na Pan, với mục tiêu phá hủy rừng cây, đường sá, cầu cống, nhằm cắt đứt con đường tiếp viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Tại cầu Tà Vài nay thuộc xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chúng tôi gặp cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thái Hữu Hoành, thuộc Đại đội 292, đội TNXP 34, ông là người đã từng tham gia làm và sửa đường từ khu vực Suối Rút lên tới đèo Pha Đin. Ông nhớ rất rõ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, trung bình mỗi ngày nơi đây hứng chịu ít nhất 1 trận bom, cây cầu bị sập ngay khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng lực lượng TNXP đội 34, 40 vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ giữ cho đường thông suốt.

Để chi viện cho chiến dịch, cả 3 tuyến tiếp vận chính hướng từ Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 lên Điện Biên Phủ đều phải qua Ngã ba Cò Nòi. Nơi đây được chọn là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đã 65 năm trôi qua, trở lại thăm Ngã ba Cò Nòi, cựu TNXP Nguyễn Văn Ký - Đại đội 294, đội TNXP 34 vẫn còn nhớ như in không khí ác liệt tại đây, nơi từng được mệnh danh là “túi bom”, “chảo lửa”, “cửa tử”... Có đợt chúng đánh phá 2-3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận, nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2019): Đường lên Điện Biên

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi - nơi được gọi là “túi bom”, “chảo lửa”, “cửa tử”... trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngã ba Cò Nòi quả thật là một chiến trường, một cửa ải đối với tất cả các lực lượng, đặc biệt đối với lực lượng TNXP. Với khẩu hiệu “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “Không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”, dưới làn mưa bom bão đạn, các TNXP vẫn ngày đêm chiến đấu, giành giật với quân địch từng giờ, từng phút, vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục mặt đường để mạch máu giao thông luôn thông suốt. Tại ngã ba lịch sử này, biết bao máu xương của TNXP đã tô thắm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng TNXP Việt Nam. Trong tổng số gần 300 liệt sĩ TNXP hy sinh dọc tuyến lửa, thì tại trọng điểm Cò Nòi đã có hơn 100 người đã ngã xuống...

Chúng tôi theo cựu TNXP Thái Hữu Hoành leo lên ngọn đồi cao, ông đi chậm rãi và khá xúc động khi hồi tưởng về những mất mát, hy sinh của đồng đội. Đây chính là nơi mà ông đã từng thu gom di hài của đồng đội trong khói lửa năm xưa. Ngày nay, tại địa danh Ngã ba Cò Nòi lịch sử đã dựng lên Tượng đài TNXP chống Pháp - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Ngã ba Cò Nòi trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc.

Từ Ngã ba Cò Nòi, ông Nguyễn Văn Ký, cựu TNXP thời chống Pháp tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường đèo dốc lên đỉnh Pha Đin. Ông nhớ rất rõ đèo Pha Đin và Ngã ba Cò Nòi là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Dưới làn mưa bom, bão đạn, bằng ý chí quyết tâm, mồ hôi, xương máu của hơn 8.000 TNXP đã bạt núi, xuyên rừng mở đường cho từng đoàn quân, từng đoàn xe thồ băng lên đưa hàng ra tiền tuyến.

“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.

Con đường tải lương tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ được xây đắp bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của quân và dân ta nay đã trở thành tuyến đường huyết mạch nối liến các tỉnh Tây Bắc với vùng đồng bằng. Con đường huyền thoại ấy vẫn đẹp như bài thơ giữa đại ngàn Tây Bắc hôm nay.

Mai Ngọc và Minh Thúy (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]