(Baothanhhoa.vn) - Chiều 9-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu dự kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII tiến hành thảo luận tại hội trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Chiều 9-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu dự kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII tiến hành thảo luận tại hội trường.

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường.

Tại phiên thảo luận, thư ký HĐND tỉnh đã báo cáo tổng hợp 45 ý kiến của đại biểu đã thảo luận tại 5 tổ vào buổi sáng cùng ngày. Các ý kiến thảo luận tại các tổ đều thống nhất và đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành, đồng thời tập trung phân tích, làm rõ và kiến nghị một số nội dung.

Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, mức tăng trưởng 22,18% chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, đồng bằng ven biển, trong khi khu vực miền núi chưa được đầu tư nhiều dẫn đến phát triển chưa tương xứng; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở miền núi còn chậm, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu nông sản. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới như cần xác định lại phân vùng quy hoạch; rà soát, bổ sung các danh mục các sản phẩm chủ lực (phát triển cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái; phát triển và khai thác bền vững đối với cây Vầu,…) để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; tập trung đẩy mạnh thực hiện tích tụ đất đai theo Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy; sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp để các địa phương thực hiện; quan tâm phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác, nhất là ở khu vực miền núi; tổ chức đánh giá hiệu quả của cây cao su và có giải pháp để chuyển đổi cây cao su sang cây trồng khác. Về phòng chống dịch tả lợn Châu phi, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cần có chính sách hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn Châu phi; hỗ trợ thuốc, phương tiện, kinh phí cho các huyện để phòng, chống dịch. Cùng với đó, các đại biểu đề nghị rà soát đánh giá tình trạng sử dụng đất nông, lâm trường để bàn giao một phần diện tích cho các hộ còn thiếu đất sản xuất. Có giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển kinh tế biển bền vững. Bố trí dứt điểm vốn xây dựng 43 dự án trụ sở các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Có chính sách tiếp tục hỗ trợ xăng, dầu và lắp đặt định vị vệ tinh cho các tầu đánh bắt xa bờ. Quan tâm nguồn lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng để thu hút đầu tư, nhất là đối với các huyện miền núi. Tập trung đầu tư hạ tầng KKT Nghi Sơn, chuẩn bị sẵn về mặt bằng để thu hút các dự án lan tỏa của nhà máy lọc hóa dầu.

Các đại biểu cũng cho rằng thu ngân sách đạt kết quả cao nhưng còn để thất thoát nguồn thu, đề nghị ngành thuế rà soát các nguồn thu và tăng cường các biện pháp thu, nhất là thu thuế từ các hộ kinh doanh. Đối với các dự án chậm triển khai, cần sớm thu hồi hoặc chấm dứt chấp thuận đầu tư. Về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra phức tạp, đặc biệt là khai thác chế biến đá gây ô nhiễm không khí, nước, hư hỏng đường giao thông, Sở Tài nguyên và môi trường, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về lĩnh vực văn hóa – xã hội, các đại biểu thảo luận về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhất là ở các huyện miền núi; đề nghị bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu theo định mức hoặc cho chủ trương, hỗ trợ kinh phí để UBND các huyện, thị xã, thành phố hợp đồng số giáo viên còn thiếu trong năm học 2019 – 2020. Quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa. Có chính sách hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa thôn sau khi sáp nhập.

Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các đại biểu đề nghị tập trung giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các tệ nạn ma túy, tín dụng đen và nhiều nội dung khác.

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn thống nhất với báo cáo 6 tháng của UBND tỉnh và đồng tình với 7 nhóm giải pháp phát triển 6 tháng cuối năm. Đồng thời cho rằng, Thanh Hóa có tiềm năng về diện tích rừng nhưng hiệu quả chưa cao do thiếu chiến lược tổng thể, chưa có sự liên kết giữa các huyện; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi còn hạn chế nên tiềm năng chưa được khai thác. Thời gian tới, tỉnh nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù, đủ mạnh, tập trung vào nguồn lực, nhằm tạo lợi thế kép khai thác tiềm năng của vùng miền núi.

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thao gia thảo luận về chất lượng giáo dục, đại biểu Phạm Thị Hằng, Tỉnh ủy viên, Giám Đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ thêm một số nội dung quan trọng, đồng thời cho biết, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực, song rất cần sự phối hợp quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành và phụ huynh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đại biểu Phạm Thị Hằng kiến nghị, tỉnh có giải pháp hỗ trợ chính sách cho các trường để các trường hợp đồng nhân lực bảo vệ an ninh nhà trường. Về chất lượng giáo dục miền núi thấp so với miền xuôi về nhiều mặt đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tỉnh đã chỉ đạo Sở rà soát đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và Sở đã xây dựng giải pháp tham mưu tỉnh thu hẹp khoảng cách miền núi và miền xuôi. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường lớp gắn với đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý cơ sơ vật chất và con người; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thảo luận và giải trình một số nội dung về lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm rõ thêm một số ý kiến của đại biểu thảo luận tại các tổ vào buổi sáng thuộc lĩnh vực của ngành (về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi; tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới…). Đại biểu khẳng định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cố gắng trong tham mưu cho tỉnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, tuy nhiên, do yếu tố khách quan và chủ quan nên một số chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực chưa đạt yêu cầu, nhất là trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đại biểu Giang đề nghị tỉnh, các ngành, đơn vị tiếp tục tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu phi; phòng chống cháy rừng; nghiên cứu xây dựng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; phòng chống thiên tai, nhất là các vùng miền núi, vùng ven sông…

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Tỉnh ỷ viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ thêm một số nội dung đại biểu kiến nghị thuộc lĩnh vực ngành, như: vốn xây dựng trự sở 43 xã xây dựng NTM bằng trái phiếu chính phủ, tỉnh đã giao hết, vốn ngân sách huyện khó khăn, huyện đã kiến nghị với tỉnh và tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho tỉnh. Tổng ngân sách huyện đề nghị hỗ trợ 78 tỷ, năm 2019 đã dành hơn 13 tỷ để hỗ trợ 8 xã khó khăn xây 8 trụ sở, còn lại UBND tỉnh giao Sở Tài chính nghiên cứu cân đối các nguồn để tiếp tục hỗ trợ. Về nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia chậm là do Trung ương thông báo và hướng dẫn chậm, năng lực tham mưu cho các chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, một số đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp chưa chặt chẽ. Đối với các dự án gia hạn nhiều lần, Sở đã tham mưu cho tỉnh kiên quyết thu hồi và chỉ gia hạn lần hai. Còn lại những dự án chậm nhưng thẩm định có khả năng triển khai sẽ tiếp tục đôn đốc thực hiện đúng tiến độ.

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN và MT phát biểu thảo luận.

Làm rõ những kiến nghị của các đại biểu về công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, đại biểu Đào Trọng Quy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẳng định: Không phải công tác GPMB chậm là do thể chế mà thể chế của tỉnh ban hành rất đồng bộ và đầy đủ. Khó khăn là do phương pháp tổ chức, cách làm chưa quyết liệt của địa phương, đơn vị. Người đứng đầu phải thực sự công tâm, trách nhiệm, dám làm dám chịu, bám cơ sở, chỉ đạo quyết liệt,kịp thời, các ngành chức năng vào cuộc, đội ngũ cán bộ thực hiện GPMB phải thực sự trung thành thì công tác GPMB mới thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ.

Cũng tại buổi thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến của đại biểu còn tập trung thảo luận về công tác quản lý văn hóa, du lịch…

Ngày mai, 10-7, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn một số vấn đề mà người dân, cử tri quan tâm; thông qua các Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Minh Hiếu và Lê Hà



Từ khóa:HĐND tỉnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]