(Baothanhhoa.vn) - Cầu Hàm Rồng buổi sớm mai ẩn mình dưới màn mưa xuân bàng bạc. Dưới chân cầu, dòng sông lặng lẽ chảy trôi như vẫn đắm chìm trong sắc xuân, hương xuân nồng nàn phong vị hoài cổ. Đứng trên cây cầu mà lịch sử từng khắc những nét chênh chao và nóng cháy ấy; rồi thả tầm mắt trên dòng sông như chảy về từ cội nguồn sử thi, huyền tích vùng đất cổ xứ Thanh này, cõi lòng vốn xao động bỗng bình yên đến lạ. Có lẽ, bởi sự quyến rũ của lịch sử và những bài học bí ẩn mà nó mang lại cho con người ta như “tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Vậy nên, từ điểm nhìn của hội tụ và tỏa sáng của truyền thống lịch sử và văn hóa, của tinh thần yêu nước và cách mạng, ta như được tiếp thêm sức mạnh từ điểm tựa cội rễ nghìn năm, để sải những bước dài tự tin về phía tương lai rạng rỡ!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng Thanh Hóa - Khát vọng thịnh vượng

Cầu Hàm Rồng buổi sớm mai ẩn mình dưới màn mưa xuân bàng bạc. Dưới chân cầu, dòng sông lặng lẽ chảy trôi như vẫn đắm chìm trong sắc xuân, hương xuân nồng nàn phong vị hoài cổ. Đứng trên cây cầu mà lịch sử từng khắc những nét chênh chao và nóng cháy ấy; rồi thả tầm mắt trên dòng sông như chảy về từ cội nguồn sử thi, huyền tích vùng đất cổ xứ Thanh này, cõi lòng vốn xao động bỗng bình yên đến lạ. Có lẽ, bởi sự quyến rũ của lịch sử và những bài học bí ẩn mà nó mang lại cho con người ta như “tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Vậy nên, từ điểm nhìn của hội tụ và tỏa sáng của truyền thống lịch sử và văn hóa, của tinh thần yêu nước và cách mạng, ta như được tiếp thêm sức mạnh từ điểm tựa cội rễ nghìn năm, để sải những bước dài tự tin về phía tương lai rạng rỡ!

Khát vọng Thanh Hóa - Khát vọng thịnh vượng

Thanh Hóa mang theo tinh thần và khát vọng hướng về phía mặt trời của cánh chim hạc.

Nếu các nền văn minh đều khởi nguồn từ những dòng sông, thì sông Mã là cái nôi của nhiều nền hóa - văn minh rạng rỡ bậc nhất. Đó là di chỉ Núi Đọ - nơi “chứng kiến cuộc đấu tranh gay go, ác liệt của tổ tiên chúng ta với mọi trở lực của thiên nhiên; cũng là nơi “chứng kiến những mầm mống đầu tiên của tài năng và sự sáng tạo của con người”. Đó là văn hóa Đông Sơn – một trong những đỉnh cao rực rỡ của văn hóa Đại Việt, cũng là minh chứng sống động về khả năng làm chủ đồng bằng của người Việt cổ ở Thanh Hóa... Và ngày nay, TP Thanh Hóa – vốn khởi phát từ Thành Hạc hay Trấn Thành mà tương truyền vốn được xây dựng trên lưng chim Hạc – cũng đang trở thành nơi tinh hoa hội tụ. Thành phố bên bờ sông Mã đan cài hài hòa, vừa sống động vừa trầm mặc của nét hiện đại và vẻ cổ kính.

Nằm trong lòng thành phố, Hàm Rồng từ xa xưa đã là cái tên của văn hóa, khi mà mỗi địa danh đều gắn với những huyền tích về Rồng. Phải chăng, bởi “núi do rồng thiêng là thành, sông do thần mã mà nên”; hay bởi, rồng là biểu tượng của vẻ đẹp và của sức mạnh thiên tạo và cao hơn nữa là khát vọng vươn lên, bay cao đầy lãng mạn của mảnh đất và con người cần lao vùng ven sông Mã này? Nhưng Hàm Rồng cũng là cái tên của lịch sử, khi nơi đây từng là “đấu trường sinh tử” giữa một bên là kẻ thù mang dã tâm đánh “gãy xương sống” quân đội Việt Nam bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu then chốt có tên Hàm Rồng; và một bên phải giữ bằng mọi giá “quyết chiến điểm” Hàm Rồng để thông suốt mạch máu giao thông tiếp viện cho chiến trường miền Nam. “Cuộc đụng đầu lịch sử” đã rạch toang bầu trời Hàm Rồng, biến Thanh Hóa thành chiến trường quyết liệt giành sự sống, tự do, hòa bình của cả dân tộc.

Nếu phù sa của dòng sông chảy từ sơ khai mà đắp bồi nên những xóm làng trù mật đôi bờ; thì phù sa lịch sử vốn được bồi lắng từ vô vàn thăng trầm vùng đất mà kết tinh thành văn hóa, thành giá trị tinh hoa được cộng đồng đề cao, coi trọng, gìn giữ. Đồng thời, có một triết lý nhân văn sâu thẳm, đã ngấm rất sâu từ quá khứ, để truyền lửa cho lớp lớp kế cận. Triết lý ấy chỉ có thể được chiết ra từ máu tim, khối óc của những anh hùng hào kiệt và của cả những cư dân vùng sông Mã. Để khi “Tổ quốc gọi tên mình”, ta sẵn sàng vùng lên, tràn đầy nghĩa khí và chưa hề run sợ trước bất kỳ thế lực bạo ngược nào. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh, để lý giải cho sức sống, vị thế và đặc trưng của vùng đất xứ Thanh này.

Ngẫm lại để càng thêm tự hào. Bởi “Thanh Hóa thắng địa là đây/ Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”. Rồng và Hạc vốn mang biểu tượng của “tính thiêng”, hay ví như một loại “ngôn ngữ thành hình” của tâm linh, là chìa khóa của sự liên tưởng có khả năng giúp trí tuệ con người mở ra và khám phá những tầng sâu ý nghĩa còn chìm trong bản thể. Đó là những biểu tượng dạt dào sức gợi, bởi cái giá trị được biểu đạt phía sau biểu tượng ấy đã “giải mã” ra một “kiểu lựa chọn” của cha ông ta: hướng về sự cao quý, linh thiêng cũng chính là khát vọng về sự vững bền, trường tồn. Song, cơ sở cho niềm tự hào ấy là bởi đây là đất địa linh sinh nhân kiệt, như cách sử gia Phan Huy Chú đã từng cảm thán: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa họp tụ lại nảy ra nhiều văn nho”.

Lấy điểm tựa từ nghìn năm lịch sử để tiếp dẫn đến tương lai. Đây là một lẽ tất yếu. Bởi, như có người đã nói, cách hữu hiệu nhất để hủy diệt một dân tộc là phủ nhận và phá hủy sự thấu hiểu của họ về lịch sử của chính họ. Và cũng bởi, chỉ khi nhìn vào lịch sử ta mới thấu triệt cái khao khát hòa bình, độc lập cho dân tộc mãnh liệt đến nỗi, bản thân sự khát vọng ấy đã trở thành cội nguồn sức mạnh đưa dân tộc ta đi qua ngàn năm đằng đẳng, với vô vàn cuộc tranh đấu với thiên nhiên và ngoại bang. Đồng thời, nó cũng hun đúc và dưỡng nuôi trong trái tim, khối óc ta một chân lý minh triết rằng, nếu khát vọng được củng cố bằng niềm tin và lòng nhiệt huyết được chuyển hóa thành hành động thì không có mục tiêu nào là bất khả thi. Cũng chính vì lẽ đó mà bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa hay cũng chính là “trầm tích” của tình cảm, lương tri, ý thức, trách nhiệm của người dân xứ Thanh trong quá khứ gắn kết cùng tinh thần thời đại mới, sẽ là điểm tựa sức mạnh giúp Thanh Hóa một lần nữa “xông vào đại cuộc”: cuộc chiến chống lại sự trì trệ, lạc hậu để từng bước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Có một tác gia của những câu nói truyền cảm hứng, cũng đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại của thế kỷ XX đã nhấn mạnh rằng, một lượng nhỏ tinh thần quyết tâm được nung nấu bởi niềm tin son sắt vào sứ mệnh của mình, cũng có thể làm thay đổi dòng lịch sử. Sứ mệnh của vùng đất “quý hương”, đất “căn bản” trong dặm dài lịch sử dân tộc đã được khẳng định để hậu thế tự hào, ngưỡng vọng. Vậy, sứ mệnh của chúng ta – thế hệ đang thụ hưởng hòa bình, độc lập vốn được đắp đổi bằng vô vàn xương máu cha ông – sẽ là gì nếu không phải là “nắn” dòng thủy lưu bí bách của đói nghèo, lạc hậu thành dòng hải lưu cuồn cuộn của sự sống căng tràn, của sự đổi mới và phát triển cường thịnh?!

Cách đây tròn 75 năm, giữa bối cảnh cả nước đang dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa đã vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Với nhiều tình cảm mến yêu dành cho mảnh đất “có tiếng là văn vật”, Bác cũng đồng thời đặt nhiều kỳ vọng về “một tỉnh mô phạm” – một “Thanh Hóa kiểu mẫu”: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước”. Muốn vậy, Người chỉ rõ: “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân”; “Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn” và “Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được”. Khắc sâu và thấm nhuần lời Người căn dặn, suốt mấy chục năm qua, Thanh Hóa đã và luôn chú trọng việc “điều khiển, sắp đặt”, để từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh từ vị thế địa – chính trị, địa – kinh tế. Đồng thời, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, sự quyết tâm, quyết liệt trong hành động... Từ đó, nắm bắt thời cơ, vận hội để vươn mình mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu phát triển chưa từng có.

Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân hằng năm đạt 11,2%, đưa Thanh Hóa vào nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ; thu ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm tăng 19%, năm 2020 đạt 31.418 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng thứ 11 cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nhờ đó, toàn tỉnh đã thu hút được 1.205 dự án đầu tư trực tiếp (79 dự án FDI), gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2015, với tổng vốn đăng ký đạt 147.360 tỷ đồng và 3.778 triệu USD... Đặc biệt, năm 2021 vừa qua, dù phải đối diện với nhiều thách thức khắc nghiệt, nhất là tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, song tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,85%, tiếp tục đưa Thanh Hóa vào top những tỉnh/thành có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đây cũng chính là cơ sở, là tiền đề để Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Với cái “thế” đặc biệt nên từ rất sớm, Thanh Hóa đã trở thành sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại trong lịch sử nước An Nam – như nhận định của một học giả phương Tây. Ngày nay, cái “thế” mà Thanh Hóa đang quyết tâm tạo dựng là thế bay lên của “Hồng hạc hướng thanh thiên”. Để cho tiếng vọng từ quá khứ sẽ “thẩm thấu” qua không gian - thời gian mà in vào dáng dấp của tương lai, mang theo tinh thần và khát vọng hướng về phía mặt trời của cánh chim Lạc.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]