(Baothanhhoa.vn) - Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết.

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết.

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Về cơ chế chính sách

Cử tri huyện Mường Lát đề nghị tỉnh đề xuất với Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù cho xã Mường Lý được hưởng xã biên giới: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Sau khi đề án được thông qua, căn cứ các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển huyện Mường Lát; đồng thời đề xuất với Trung ương huy động nguồn lực hỗ trợ huyện Mường Lát, trong đó có xã Mường Lý.

Cử tri huyện Quan Sơn đề nghị hỗ trợ phát triển sản xuất đối với 3 bản có đồng bào Mông (Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi): Ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, trong đó 3 bản trên thuộc đối tượng được thực hiện Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.

Cử tri huyện Bá Thước đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho trạm y tế xã, thị trấn: HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025. Theo đó, đối với các chế độ tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao, tiếp tục được ngân sách nhà nước đảm bảo phân bổ, chi trả đầy đủ; định mức chi nghiệp vụ đã tăng so với định mức cũ. Bên cạnh đó, Trạm y tế xã còn có các định mức phân bổ theo tiêu chí bổ sung.

Cử tri huyện Như Xuân đề nghị tỉnh quan tâm có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nước sạch cung cấp cho thị trấn Yên Cát và các xã phụ cận: UBND tỉnh đã xây dựng Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có tiểu dự án cấp nước cho thị trấn Yên Cát và xã Bình Lương, huyện Như Xuân.

Cử tri huyện Triệu Sơn đề nghị HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi gia súc: UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới, như xây dựng chính sách sử dụng phân hưu cơ, phân vi sinh; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết từ sản xuất đến tiêu thị; tăng cường kiểm tra ngăn chặn hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá...

Cử tri huyện Nông Cống đề nghị sớm cho xã Tế Nông được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn NTM theo nghị quyết của HĐND tỉnh: UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu phân bổ ngân sách tỉnh để hỗ trợ (thưởng) đủ định mức trong năm 2022.

Cử tri TP Thanh Hóa đề nghị bổ sung thêm cán bộ y tế cho các trạm y tế phường, xã để đảm bảo phục vụ Nhân dân: Ngày 22-11-2021, UBND tỉnh đã có báo cáo số 157/BC-UBND gửi Bộ Nội vụ đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026 của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, số lượng biên chế cán bộ y tế được Bộ Nội vụ chấp thuận, giao trong năm 2022 là 2.911 biên chế; thấp hơn 844 người so với định mức quy định tại Thông tư số 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, nên không còn biên chế y tế để bổ sung theo đề nghị của cử tri TP Thanh Hóa.

Cử tri huyện Quảng Xương đề nghị tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ, kích cầu cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn: Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Cử tri thị xã Nghi Sơn đề nghị cấp có thẩm quyền sớm công nhận xã Hải Yến tại khu tái định cư là một đơn vị hành chính theo luật định: Hiện nay khu tái định cư xã Hải Yến có quy mô 1.359 hộ, 4.112 người, diện tích 68,68 ha, thuộc địa giới hành chính các xã: Xuân Lâm, Nguyên Bình; chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số để trình cấp có thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính mới tại khu tái định cư.

Cử tri huyện Nông Cống đề nghị nghiên cứu ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, góp phần tăng cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị Quyết số 185/2021/NQ- HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025 tại, gồm 8 chính sách: (1) Hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh, (2) Hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, (3) Hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh, tập trung, (4) Hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản cho các tàu đánh bắt, hậu cần đánh bắt vùng khơi, (5) Hỗ trợ sản xuất cây ăn quả tập trung, (6) Hỗ trợ khi ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, (7) Hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), (8) Chính sách hỗ trợ nông thôn mới. Đề nghị UBND huyện Nông Cống tăng cường tuyên truyền để người dân biết, tổ chức thực hiện.

Về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị

Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị UBND tỉnh quan tâm quy hoạch khu tái định cư xã Thạch Lâm để ổn định cuộc sống cho các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét: Ngày 1-12-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 4845/QĐ-UBND; trong đó, 35 hộ dân tại xã Thạch Lâm được bố trí tái định cư xen ghép (thực hiện từ 2022 - 6-2023). Trong thời gian chờ thực hiện tái định cư theo Đề án, đề nghị UBND huyện Thạch Thành chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND xã Thạch Lâm có phương án đảm bảo an toàn cho 35 hộ dân nêu trên, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Cử tri các huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Như Thanh, Thạch Thành, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Quảng Xương, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn đề nghị đầu tư các công trình cầu, đường thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của huyện: Việc cử tri đề xuất đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình cầu, đường nêu trên là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư các công trình đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong khi điều kiện ngân sách tỉnh, cũng như nguồn ngân sách của các địa phương còn rất hạn chế. Do đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã rà soát, lựa chọn những công trình thực sự cần thiết và cấp bách để chủ động cân đối ngân sách địa phương hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. Trường hợp khó khăn, báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ đầu tư khi có điều kiện về nguồn vốn. Trong khi các tuyến đường, các công trình cầu chưa được đầu tư xây dựng, đề nghị các địa phương tăng cường công tác duy tu, sửa chữa từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông đã được giao để đảm bảo giao thông cho nhân dân đi lại được thuận tiện và an toàn.

Cử tri các huyện Như Thanh, Quảng Xương đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí để làm mới tuyến đường tỉnh lộ 520 từ xã Xuân Du đến xã Thanh Tân và đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quảng Bình - Quảng Yên (đường tỉnh 504) đoạn qua địa phận các xã: Quảng Văn, Quảng Yên: Hiện nay, dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường tỉnh 520 đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tại Nghị Quyết số 98/NQ-HĐND ngày 23-12-/2021 của HĐND huyện Như Thanh; dự án Nâng cấp tuyến đường tỉnh 504 đoạn từ xã Quảng Yên (giao với Quốc lộ 45) đến xã Quảng Ngọc (giao với đường Thắng Phú - Quốc lộ 1A) đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 173/NQ-HĐND ngày 16-12-2021 của HĐND huyện Quảng Xương. Do đó, đề nghị UBND các huyện Như Thanh, Quảng Xương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để dự án sớm được triển khai thực hiện, đồng thời thông tin cho cử tri trên địa bàn huyện về tình hình triển khai thực hiện các dự án.

Cử tri huyện Triệu Sơn phản ánh công tác GPMB các tuyến đường, các dự án còn chậm, kinh phí GPMB còn thiếu quá nhiều gần 900 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm đẩy nhanh công tác GPMB; cử tri huyện Như Thanh đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù GPMB Dự án đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến ĐT.514 qua xã Xuân Du, huyện Như Thanh: Qua kiểm tra, các dự án cử tri phản ảnh công tác GPMB còn chậm do thiếu vốn gồm: (1) Đường nối thành phố Thanh Hóa với Càng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ đường tỉnh 514 đến đường vào Càng hàng không Thọ Xuân; (2) Đường nối thành phố Thanh Hóa với Càng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường tỉnh 514; (3) Đường giao thông nối QL217 với QL45 và QL47. Hiện nay, cả 03 dự án nêu trên đã được giãn tiến độ đến điểm dừng kỹ thuật theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 872-CV/VPTU ngày 18/6/2021 và Công văn số 14415/UBND-CN ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh. Năm 2022, tỉnh đã ưu tiên bố trí 56,9 tỷ cho các huyện: Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Thọ Xuân để hoàn thành GPMB của các dự án đến điểm điểm dừng kỹ thuật. Do đó, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Thọ Xuân tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB và giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 của dự án. Khi có điều kiện về nguồn vốn, tỉnh sẽ cân đối, bố trí để đầu tư hoàn thành các dự án.

Về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tài nguyên, môi trường

Cử tri các huyện: Bá Thước, Yên Định, Thường Xuân, Triệu Sơn; thành phố Sầm Sơn đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho người dân:Để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường uỷ quyền cho Giám đốc VPĐKĐĐ ký Giấy chứng nhận cho 14 huyện, thị xã, thành phố, cắt giảm 03 ngày làm việc so với thời gian quy định; Sau khi hệ thống VPĐKĐĐ đi vào hoạt động ổn định, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo VPĐKĐĐ tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân; thực hiện niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền của người sử dụng đất; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để phục vụ công tác luân chuyển hồ sơ từ các Chi nhánh đến VPĐKĐĐ tỉnh, đảm bảo việc giao nhận xử lý hồ sơ nhanh chóng kịp thời, an toàn, thông suốt trong toàn hệ thống.

Cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty Hoàng Long đã được UBND tỉnh gia hạn thăm dò khai thác mỏ 02 lần nhưng không hoạt động, giao cho xã quản lý: Qua xác minh, cử tri đề nghị thu hồi phần diện tích đất khu vực khai trường mở rộng có diện tích 23.209 m2 đã được UBND tỉnh chấp thuận cho Tổng CTCP ĐTXD Hoàng Long mở rộng khai trường mỏ đá vôi tại Công văn số 15584/UBND-CN ngày 20-12-2017. Đến nay, Tổng CTCP ĐTXD Hoàng Long mới thỏa thuận bồi thường với các hộ dân, chưa thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định. Để giải quyết dứt điểm việc trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại tiến độ thực hiện dự án; nếu có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, tiến độ thực hiện, UBND tỉnh sẽ xem xét chấm dứt hiệu lực Công văn số 15584/UBND-CN ngày 20-12-2017 theo quy định.

Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tỉnh sớm cấp nguồn kinh phí đền bù GPMB cho các hộ dân Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹtại xã Thanh Tân và Thanh Kỳ: UBND tỉnh đã có Văn bản, giao Sở NNPTNT xây dựng và đề xuất phương án tối ưu đối với Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Vì vậy, sau khi Sở NNPTNT đề xuất phương án, UBND tỉnh sẽ có ý kiến chỉ đạo để tổ chức thực hiện, bảo đảm sớm ổn định đời sống người dân khu vực dự án.

Cử tri huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa đề nghị chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn xã Đông Nam đảm bảo tiến độ thi công để đưa vào sử dụng theo đúng cam kết; xem xét cho UBND thành phố đầu tư xây dựng ô chôn lấp số 6 (Khu xử lý rác thải Đông Nam), đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh nghiên cứu xem xét xây dựng khu tái định cư để nhân dân đang sinh sống tại vùng giáp ranh bãi rác được di chuyển nơi ở khác ổn định lâu dài về cuộc sống; về lâu dài, chỉ đạo các sở, ngành chức năng tìm vị trí khác phù hợp (Khu xử lý rác thải Đông Nam) vì khi sáp nhập huyện Đông Sơn với TP Thanh Hóa thì khu xử lý nằm trong lòng thành phố. Hơn nữa, vị trí này liên kề với di tích lịch sử thành Hoàng Nghiêu Sơn: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1851-CV/VPTU ngày 10-11-2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác tại xã Đông Nam; đồng thời, tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của tỉnh tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn để khẩn trương di chuyển nhà máy xử lý chất thải rắn đến địa điểm mới tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thanh Hóa đề xuất phương án xử lý lượng rác thải tồn đọng nêu trên; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Cử tri thị xã Nghi Sơn đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất GPMB từ 1,5 lần lên 3 lần; cử tri TP Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh tăng mức bồi thường di chuyển mồ mả, các mức hỗ trợ thuộc thầm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh: Ngày 4-9-2021, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 13643/UBND-KTTC tạm dừng xem xét việc ban hành quy định mới để thay thế quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3162/2014/QĐ-UBND ngày 26-9-2014 của UBND tỉnh; đến ngày 9-5-2022, tại Thông báo cáo 63/TB-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và Khu kinh tế Nghi Sơn và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành; chậm nhất là cuối năm 2022.

Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Cử tri huyện Quan Sơn, Quan Hoá đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, nhất là tại các điểm trường lẻ; cử tri huyện Thường Xuân đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp xây dựng Trường TH, THCS xã Luận Thành, huyện Thường Xuân; cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà lớp học 3 tầng 18 phòng học cho Trường THPT Vĩnh Lộc và nhà 3 tầng 15 lớp học cho Trường THPT Tống Duy Tân: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp nhu cầu tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học giai đoạn 2021 - 2025 của các huyện, thị xã, thành phố, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch đầu tư xây dựng phòng học cho các cấp học, bậc học đáp ứng quy mô phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, có các trường nêu trên. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh từng bước triển khai các nội dung của Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, có tăng cường đầu tư cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS (Tiểu dự án 1 của Dự án 5).

Cử tri huyện Quan Sơn đề nghị UBND tỉnh sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016, Quyết định số 3465/QĐ-UBND ngày 09-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về quy định định mức bình quân học sinh/lớp và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học công lập trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của Trung ương mới ban hành: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Vì vậy, sau khi có hướng dẫn mới của liên Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Nội vụ, UBND tỉnh sẽ tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh theo đúng quy định.

Cử tri các huyện Thường Xuân và thị xã Bỉm Sơn về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí cho Tổ giám sát cộng đồng tại thôn, bản, khu dân cư thực hiện nhiệm vụ: Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại các Công văn: số 1000-CV/VPTU ngày 19/7/2021 và số 1108-CV/VPTU ngày 20-8-2021, trong năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho các Tổ giám sát thôn, bản, khu phố làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí là 21.965 triệu đồng. Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho các Tổ giám sát thôn, bản, khu phố làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ là 13.071 triệu đồng. Căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, UBNDtỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tổ giám sát thôn, bản, khu phố làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị bổ sung kế hoạch thực hiện giường lưu cho phòng khám đa khoa khu vực Thạch Quảng thuộc bệnh viện đa khoa Thạch Thành: Năm 2021, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Thạch Thành và BVĐK huyện Thạch Thành, Sở Y tế đã xem xét, thành lập hội đồng thẩm định và phê duyệt 16 giường lưu tại phòng khám đa khoa khu vực Thạch Quảng thuộc Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành tại Quyết định số 1159/QĐ-SYT ngày 30-11-2021, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho khu vực.

Cử tri huyện Đông Sơn đề nghị đầu tư, phát huy có hiệu quả di tích lịch sử Thành Hoàng Nghiêu tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn: Ngày 28-1-2022, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 508/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Thành Hoàng Nghiêu - Căn cứ Nguyễn Chích gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2022 - 2032. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan Chủ đầu tư) đang triển khai, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương lập Đồ án Quy hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.

Về lĩnh vực nông nghiệp

Cử tri huyện Thiệu Hóa đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh tế trang trại; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ thành lập và hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp; hỗ trợ vật tư nông nghiệp, phân bón, giống và liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp:UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 3241/QĐ-UBND ngày 23-8-2021; trong đó, tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ HTX, phát triển trang trại, liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp vào các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn như: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao;… Đề nghị UBND huyện Thiệu Hoá đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn để người dân biết và thực hiện.

Cử tri thành phố Sầm Sơn đề nghị có phương án khắc phục hiện tượng xâm thực bờ biển nghiêm trọng tại nơi neo đậu của khoảng 240 chiếc thuyền, bè mủng trên địa bàn phường Quảng Cư:HĐND thành phố Sầm Sơn đã ban hành Nghị Quyết số 135/NQ-HĐND ngày 23-12-2021 về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án Nghiên cứu đánh giá nguyên nhân và cơ chế xói lở bờ biển và đề xuất giải pháp chống xói, tôn tạo bãi tắm biển Sầm Sơn (phạm vi từ chân núi Trường Lệ đến sông Mã). Để đảm bảo an toàn tại nơi neo đậu của thuyền, bè mủng trên địa bàn phường Quảng Cư, giao UBND thành phố Sầm Sơn trước mắt chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và sẵn sàng triển khai phương án PCLB theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra; về lâu dài, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương, bố trí kinh phí để sớm xử lý.

Về lĩnh vực an ninh trật tự và các vấn đề khác

Cử tri các huyện: Thường Xuân, Hà Trung, thành phố Sầm Sơn đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xây dựng Trụ sở làm việc cho công an phường để ổn định tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ và đáp ứng với yêu cầu công tác trong tình hình mới: Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 100 tỷ đồng để kết hợp với nguồn NSTW hỗ trợ thực hiện Dự án Đầu tư trụ sở làm việc của công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 197/NQ-HĐND ngày 10/12/2021. Hiện nay, căn cứ khả năng huy động vốn từ nguồn NSTW, chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đối với các xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng đầu tư của dự án và chưa có trụ sở độc lập thì đề nghị các địa phương chủ động sắp xếp nơi làm việc của Công an xã ghép chung trong trụ sở cơ quan UBND xã nhưng bố trí phòng làm việc riêng; đồng thời, cân đối ngân sách địa phương để xây dựng trụ sở công an xã, bảo đảm điều kiện làm việc theo quy định, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí khi cân đối được nguồn vốn.

Cử tri TP Thanh Hoá đề nghị tăng số lượng biên chế cho Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố, nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao: Năm 2022, UBND tỉnh đã giao biên chế cho các sở, cơ quan ngang sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố bằng đúng số biên chế của Bộ Nội vụ thẩm định, không còn biên chế để giao bổ sung. Vì vậy, để đảm bảo công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với UBND Thành phố Thanh Hoá nghiên cứu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trong kế hoạch biên chế năm 2023.

Đối với các kiến nghị khác của cử tri gửi đến Kỳ họp Thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương để được giải quyết; sau khi có ý kiến của Trung ương, UBND tỉnh sẽ thông báo đến cử tri và nhân dân theo quy định.

Nhóm Phóng viên (lược ghi)


Nhóm Phóng viên (lược ghi)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]