(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, 27 chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đều đạt. Trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) trước 1 năm so với mục tiêu đại hội đề ra..., tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển trong giai đoạn tới. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện vĩnh lộc lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Huyện Vĩnh Lộc phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của tỉnh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, 27 chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đều đạt. Trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) trước 1 năm so với mục tiêu đại hội đề ra..., tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển trong giai đoạn tới.

Huyện Vĩnh Lộc phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của tỉnh

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao Bằng của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Vĩnh Lộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Có được kết quả trên là do nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 chương trình trọng tâm, đó là: Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, đô thị văn minh; phát triển du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngay sau đại hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết của đại hội thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của từng ngành, từng địa phương, đơn vị với những mục tiêu, bước đi, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện rõ ràng, phù hợp.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của huyện trong 5 năm qua nổi lên nhiều gam màu tươi sáng với những thành tựu quan trọng đạt được toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 15,2%, vượt mục tiêu đại hội 0,2%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 46,6 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015, vượt 6,6 triệu đồng so với mục tiêu đại hội đề ra. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Giá trị sản xuất bình quân hằng năm dự kiến tăng 4,3%; giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.771 tỷ đồng, gấp 1,4 lần năm 2015.

Nét nổi bật là huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy, trong đó chuyển đổi 861 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển mô hình trang trại trồng cây có múi; từng bước nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất mới; hình thành vùng liên kết và bao tiêu sản phẩm với 2.606 ha, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6,9 ha nhà màng, nhà lưới và vùng rau an toàn; khôi phục và phát triển 3 ha cây Sâm Báo; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất các loại cây trồng chính đều tăng, sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 68 nghìn tấn, vượt mục tiêu đại hội đề ra. Chăn nuôi phát triển tương đối toàn diện theo mô hình trang trại tập trung gắn với bảo vệ môi trường; quy mô, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 43,5% giá trị sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 154 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015 và chiếm 5,5% giá trị ngành nông, lâm, thủy sản; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 25,3%, vượt 4,7% so với mục tiêu đại hội. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 620 ha, tăng 204 ha so với năm 2015, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 81 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, chiếm 2,9% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Mô hình lúa - cá, lúa - sen - vịt, được nhân rộng và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân hằng năm tăng 22,9%, vượt mục tiêu đại hội đề ra; năm 2020 ước đạt 3.434 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2015. Huyện đã lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Vĩnh Minh diện tích 30 ha; Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa diện tích 42,83 ha, nhằm thu hút và đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có 1.047 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm. Giá trị sản xuất ngành xây dựng bình quân hằng năm tăng 16,5%, vượt mục tiêu đại hội đề ra; năm 2020 ước đạt 1.445 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015. Các dịch vụ phát triển khá cả về quy mô và loại hình. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 ước đạt 1.970 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015; xuất khẩu có bước tăng trưởng khá, năm 2020 ước đạt 65 triệu USD, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, 100% chợ đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Năm 2020 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ tăng lên 3.117 cơ sở; các loại hình dịch vụ du lịch gắn với Di sản Thành Nhà Hồ và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển.

Huyện Vĩnh Lộc phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của tỉnh

Một góc thị trấn Vĩnh Lộc hôm nay.

Chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh đạt kết quả vượt bậc và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Toàn huyện đã huy động được gần 4.000 tỷ đồng để xây dựng NTM; Nhân dân tự nguyện hiến 13,6 ha đất để mở rộng nhà văn hóa, đường giao thông. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn toàn huyện lên 100%, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2019 huyện đạt chuẩn NTM, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đại hội. Năm 2019, thị trấn Vĩnh Lộc đã được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.

Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa - xã hội - du lịch. Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được giữ vững. Tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học hàng năm đạt trên 55%, vượt mục tiêu đại hội đề ra. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 98,7%; có 42/47 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 89,4% (tăng 15 trường so với nhiệm kỳ trước và vượt 14,4% mục tiêu nghị quyết). Chất lượng hoạt động văn hóa - thông tin được nâng lên đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được quan tâm và có chuyển biến tích cực, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Công tác y tế dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, không xảy ra dịch bệnh lớn; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; đến năm 2019 có 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch 1 năm.

Về phát triển du lịch theo Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy, đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể Khu du lịch thắng tích núi Kim Sơn với diện tích 173,5 ha, đề án du lịch cộng đồng, kế hoạch khai thác, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư xây dựng; công tác bảo tồn di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn được đẩy mạnh; hoàn thành dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ du lịch, phát huy giá trị cụm di tích xã Vĩnh Hùng. Các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương được khai thác, phục vụ du lịch như: Chè lam Phủ Quảng, rượu Sâm Báo (sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP), rau má Tây Đô, dê núi. Một số tour du lịch nội huyện được hình thành như: Thành Nhà Hồ - chùa Giáng - đền Trần Khát Chân - chùa Du Anh - động Hồ Công; Thành Nhà Hồ - Phủ Trịnh - chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân- Thắng tích Kim Sơn. Các loại hình văn hóa phi vật thể từng bước được khôi phục, duy trì gắn với hoạt động phục vụ du khách như: tuồng cổ, chèo, ca trù... tạo sự phong phú, đa dạng, bản sắc riêng cho du lịch của huyện. Lượng khách đến tham quan du lịch ngày càng tăng, ước có 679 ngàn lượt khách, trong đó trên 10 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu ước đạt 16 tỷ đồng, gấp 2 lần so với nhiệm kỳ 2010-2015.

Công tác an sinh xã hội luôn được bảo đảm, đời sống của Nhân dân được nâng lên; các chỉ tiêu về giảm nghèo, bảo hiểm y tế, giải quyết việc làm đều vượt mục tiêu đại hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 12,1% năm 2015, đến năm 2020 ước còn 0,76%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm, trong nhiệm kỳ có gần 13.000 lao động được tạo việc làm mới, trong đó có trên 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%...

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ có nhiều đổi mới, triển khai thực hiện đồng bộ. Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Trong đó, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, trong đó huyện đã tập trung chỉ đạo việc sáp nhập 41 thôn thành 21 thôn; 6 xã, thị trấn thành 3 xã, thị trấn; sáp nhập 14 đơn vị sự nghiệp công lập, trường học thành 6 đơn vị; bố trí Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên cũng đã được Đảng bộ huyện quan tâm, đặc biệt là phát triển đảng viên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Cụ thể, huyện đã thành lập 1 chi bộ đảng trong doanh nghiệp FDI; không còn chi bộ sinh hoạt ghép; số đảng viên kết nạp trong nhiệm kỳ là 576 đồng chí, vượt kế hoạch đề ra; công tác đánh giá xếp loại đảng viên thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ đảng bộ, chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng cao.

Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc đã tiến hành bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử 42 đồng chí; điều động luân chuyển 31 đồng chí; bố trí 8 đơn vị xã, thị trấn có cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương; 11/13 xã, thị trấn bố trí bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện được kiện toàn cơ bản bảo đảm số lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công...

Có thể khẳng định, những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là sự kết tinh của ý chí và quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng thuận, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc. Thành tựu ấy đang và sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng – an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của tỉnh.

Mai Xuân Bình

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc


Mai Xuân Bình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]