(Baothanhhoa.vn) - Huyện Thạch Thành có 49.508,8 ha đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp và phần lớn đất ở đây thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cũng như các loại cây trồng hàng năm khác. Bên cạnh đó, địa hình của Thạch Thành cũng rất đa dạng, được hình thành bởi các lòng máng lớn kề nhau xuôi theo hướng Bắc – Tây Bắc và thấp dần về phía Nam, hệ thống di tích lịch sử phong phú, đa dạng... Những năm qua, huyện Thạch Thành đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chiến khu Du kích Ngọc Trạo (19-9-1941 – 19-9-2021)

Huyện Thạch Thành khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển

Huyện Thạch Thành có 49.508,8 ha đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp và phần lớn đất ở đây thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cũng như các loại cây trồng hàng năm khác. Bên cạnh đó, địa hình của Thạch Thành cũng rất đa dạng, được hình thành bởi các lòng máng lớn kề nhau xuôi theo hướng Bắc – Tây Bắc và thấp dần về phía Nam, hệ thống di tích lịch sử phong phú, đa dạng... Những năm qua, huyện Thạch Thành đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho Nhân dân.

Huyện Thạch Thành khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển

Điểm du lịch thác Đẹn, xã Thành Minh (Thạch Thành). Ảnh: Xuân Hùng

Từ tiềm năng, thế mạnh, huyện Thạch Thành đã và đang tập trung tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao. Quy hoạch vùng xây dựng chợ đầu mối để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tiêu biểu. Điều đáng chú ý là hiện nay, vùng trồng cây ăn quả công nghệ cao tại thị trấn Vân Du, nằm giáp ranh Khu di tích thắng cảnh Phố Cát, dọc theo tuyến Quốc lộ 45, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, giao thông thuận lợi, thuận tiện kết nối với các Khu du lịch Cúc Phương, Bái Đính, Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh đó, Thạch Thành là địa phương có hệ thống di tích lịch sử phong phú, với 46 di tích và địa điểm di tích đã được kiểm kê, 14 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có những di tích lớn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về kiến trúc nghệ thuật, như: Di chỉ khảo cổ học Hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Đây là di tích có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng ghi lại dấu vết của người tiền sử sinh sống tại đây liên tục cách ngày nay khoảng 60.000 năm, hiện nay, đang được Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Khu di tích Chiến khu Du kích Ngọc Trạo được xếp hạng Di tích quốc gia - nơi ra đời và đóng quân của Đội du kích Ngọc Trạo, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa. Di tích thắng cảnh Phố Cát, một trong 3 trung tâm lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một tín ngưỡng lớn ở nước ta... Ngoài ra, Thạch Thành còn có những ngôi làng bảo tồn được hàng trăm ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời hàng trăm năm, với kiến trúc Mường xưa độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, ở các thôn Nội Thành, thôn Đăng Thượng, thôn Đồi, xã Thạch Lâm.

Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của huyện Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng của 2 dân tộc Kinh, Mường anh em; với 78 di sản đã được kiểm kê, tiêu biểu, như: lễ xóa tội vong nhân, lễ hội đền Phố Cát, lễ hội đình Tam Thánh, lễ hội đình Mường Đòn, lễ dựng cây nêu, lễ mừng cơm mới... Các làng nghề và nghề truyền thống cũng được bảo tồn, góp phần tạo ra những sản phẩm đặc sắc, như: làng nghề nấu mật mía, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường, nghề làm mây giang xiên, nghề làm nõ điếu, nghề làm bánh răng bừa... Gần đây, một số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, khai thác các nguồn nguyên liệu phong phú để làm tinh dầu sả, tinh bột nghệ, rượu dứa, rượu nghệ, mật mía, mật ong...; đã tạo thuận lợi cho Thạch Thành phát huy nền văn hóa độc đáo, gắn với phát triển du lịch và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, tiến tới xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với du lịch sinh thái.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh, huyện Thạch Thành đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, phát triển các sản phẩm tiêu biểu. Thế mạnh về đất đai, lao động, lợi thế về địa lý, giao thông từng bước được khai thác hiệu quả. Vùng kinh tế hàng hóa được hình thành, cây công nghiệp mũi nhọn (cây mía, cây ăn quả...) được xác định và đầu tư phát triển. Huyện đã quy hoạch và phát triển vùng cây ăn quả tập trung theo quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, với diện tích hơn 1.000 ha, hiện nay đã trồng gần 500 ha các loại cây ăn quả. Đi đôi với đó, huyện tiến hành phục tráng cây đầu dòng giống cam Vân Du và hiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, để xây dựng thương hiệu, xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh, nhân giống cung cấp cho sản xuất cây ăn quả trên địa bàn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích các hộ dân cải tạo vườn tạp, tận dụng đất ven đồi để trồng mía tím; đồng thời, thực hiện phục tráng và đề nghị cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu mía tím Kim Tân. Huyện tiếp tục phát triển cây nghệ vàng và một số cây dược liệu, như: diêm mạch, hy thiêm, ích mẫu... Trong đó, tổng diện tích thâm canh cây nghệ vàng trên địa bàn huyện đạt hơn 100 ha; tập trung chủ yếu tại Nông trường Thạch Quảng, sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 2.000 tấn nghệ tươi và cung cấp cho thị trường các sản phẩm tinh bột nghệ, rượu nghệ. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất vùng lúa nếp hạt cau tại các xã Thạch Bình, Thạch Đồng, với diện tích 100 ha, năng suất bình quân đạt 44 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 3 đến 4 lần so với sản xuất lúa đại trà và đây là cơ sở để xây dựng, đề nghị cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Thực hiện sản xuất rau an toàn tập trung, với các loại rau có giá trị kinh tế cao, như: cà chua, bí xanh, dưa chuột và rau các loại gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao, huyện cũng đẩy mạnh liên kết và xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, nhất là mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần tạo ra các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch Thạch Thành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về du lịch, hiện trên địa bàn Thạch Thành có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, đó là: Khu di tích Chiến khu Du kích Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo; đền Phố Cát, xã Thành Vân; thác Mây, xã Thạch Lâm; đây là điều kiện thuận lợi để huyện mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và phát triển các tour, tuyến du lịch quan trọng trong, ngoài tỉnh... Ngoài ra, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thời gian qua, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và sản phẩm tiêu biểu. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên... Huyện cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có chất lượng cao. Ưu tiên đầu tư kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, các loại hình dịch vụ để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Tập trung nghiên cứu, lập mới một số quy hoạch các điểm, khu du lịch làm cơ sở cho việc hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, như: du lịch sinh thái gắn với cộng đồng (khu vực thác Mây, xã Thạch Lâm; khu vực thác Voi, xã Thành Vân); du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh (Chiến khu Du kích Ngọc Trạo, đền Phố Cát, đình Mường Đòn, đình Tam Thánh, đền Mẫu, chùa Cảnh Yên...); du lịch khám phá (hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Diêm, hang và Mái đá Mộc Long). Kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí, các loại hình dịch vụ tại địa bàn du lịch trọng điểm. Khuyến khích các dự án đầu tư khách sạn từ 2 – 3 sao, hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch. Tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào phát triển du lịch của huyện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, huyện Thạch Thành xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách, như: nghề dệt thổ cẩm tại các xã Thạch Lâm, Thành Yên; nghề làm mật mía tại các xã Thạch Sơn, Thạch Bình, Thành Kim; tranh đính hạt cườm, sản xuất hàng mây, tre đan tại các xã Thành Vân, Thành Thọ và thị trấn Vân Du. Xây dựng thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng, như: mía tím Kim Tân, cam Vân Du, gạo nếp hạt cau Thạch Bình, tinh bột nghệ Cucumin Thạch Quảng, mật mía, mật ong, dê núi... Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển cây cam, bưởi công nghệ cao xã Thành Vân và khu vực phụ cận, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, từ đó hình thành điểm du lịch tham quan vùng cam Vân Du.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Thạch Thành thành một huyện vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, để luôn là một trong những huyện dẫn đầu các huyện miền núi và sớm trở thành huyện tiên tiến trong tỉnh.

Bài 2: Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Xuân Hùng


Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]