(Baothanhhoa.vn) - Sáng 21-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Sáng 21-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng. Tham dự hội nghị còn có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ tham mưu những vấn đề vĩ mô như kịp thời thể chế hoá các chủ trương của Đảng tại văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các kết luận chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật và tư pháp, nhận diện những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật để đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trước tác động của đại dịch COVID-19, đến trực tiếp quản lý, tổ chức thi hành những phần việc vi mô cụ thể như: công chứng, đăng ký giao dịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý…

Trong năm 2021, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp thời gian qua cũng còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Vì thế, hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022 là dịp để ngành Tư pháp kịp thời đánh giá các kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tiếp theo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được xem phóng sự tổng kết và nghiên cứu dự thảo báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022. Theo đó, năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp đã tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của Đảng, Quốc hội; quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”; gắn chặt với sự chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Số liệu VBQPPL do bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc trình ban hành.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Năm 2021, Bộ Tư pháp đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo, nổi bật là “chùm” hơn 30 nghị định về xử lý vi phạm hành chính và “chùm” 30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành; đặc biệt, có một số văn bản thẩm định phải tập trung khẩn trương hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ để kịp thời ban hành các quy định ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Số liệu kết quả thi hành án dân sự.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp: thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao.

Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như số liệu về kết quả hoạt động khá nhiều lĩnh vực giảm so với năm 2020; tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng đến nay số văn bản chậm ban hành vẫn còn; chất lượng một số VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương còn thấp; công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để; hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản còn xảy ra sai phạm…

Trên cơ sở những kết quả và hạn chế nêu trên, báo cáo xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực công tác cùng một số giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hoá.

Ngoài ra, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đã trình bày báo cáo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tư pháp ở địa phương, như: chuyên đề về kinh nghiệm triển khai một số lĩnh vực công tác tư pháp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh; chuyên đề về việc tham mưu, đề xuất của cơ quan tư pháp đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 của TP Đà Nẵng.

Đại biểu tại các điểm cầu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số nội dung về tình hình, xây dựng, ban hành VBQPPL; tham mưu ý kiến pháp lý đối với các văn bản, vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thực tiễn quản lý nhà nước về luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng ngành trong thời gian tới...

Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021. Trong đó, nổi bật là đã tích cực cụ thể hoá đường lối Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện, nhất là trong công tác phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế để thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh; tham gia phòng, chống tham nhũng tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao uy tín của Việt Nam, nâng hạng chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật.

Những kết quả trên theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, xuất phát từ việc ngành Tư pháp đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ để cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần tháo gỡ khó khăn về thể chế; sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực vươn lên của toàn ngành, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả với các bộ, ngành địa phương, cơ quan, Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, chất lượng xây dựng văn bản vẫn còn mặt hạn chế, cần tiếp tục khắc phục về tiến độ, đầu tư về nguồn lực tương xứng với yêu cầu đột phá, bao gồm nguồn lực về con người và cơ sở vật chất. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng thể chế.

Nhận định năm 2022 là năm khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp, các địa phương, đơn vị cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là: Nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế. Đây là một trong những khâu đột phá đã được Đảng ta đã xác định từ Đại hội XI, để có môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp, góp phần giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn. Từ nhận thức đó, phát huy giá trị con nguời Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng pháp luật.

Bám sát các đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng để thể chế hoá nhanh chóng, phù hợp với thực tiễn và đặc biệt phải tháo gỡ được những nút thắt về mặt thể chế.

Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và thực thi của các cấp chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, phát huy sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh của tập thể trong xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và thực thi, giám sát pháp luật.

Đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển; trước hết là đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất; đầu tư về tài chính.

Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên trong hệ thống Bộ, ngành Tư pháp, xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân; tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động đẩy mạnh hơn nữa phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngay từ xây dựng thể chế, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự là của dân, do dân, vì dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã phát động phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”.

NGUYỄN MAI


NGUYỄN MAI

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]