(Baothanhhoa.vn) - Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ là một quyết định chưa từng có trong tiền lệ, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ

Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ là một quyết định chưa từng có trong tiền lệ, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ

Nhân viên bưu điện phát số thứ tự cho các đối tượng đến nhận tiền hỗ trợ tại UBND xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa). Ảnh: T.L

“Phao cứu sinh” cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID–19

Đã bao lần thay đứa con gái bị mắc bệnh tim bẩm sinh đi nhận tiền trợ cấp xã hội nhưng chưa bao giờ trong lòng chị Trần Thị Hằng (35 tuổi, thôn Đồng Cao, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa) lại ngổn ngang, bộn bề cảm xúc như lần này. Với mức thu nhập từ công việc thợ xây của chồng và lương công nhân của chị, hai vợ chồng cố gắng co kéo, chắt bóp lo cho ba đứa con nhỏ ăn học xem chừng đã nhọc nhằn, vất vả. Con gái đầu của gia đình chị đau ốm liên miên, nhiều lần mang con đi viện, chị phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.

Ấy vậy mà, do ảnh hưởng của dịch COVID–19, chị Hiền phải ngậm ngùi nhận thông báo của công ty về việc tạm thời nghỉ việc 3 tháng không lương. Cuộc sống mưu sinh vốn đã khó khăn nay càng thêm nặng gánh. Chị tâm sự: “Do áp lực về mặt kinh tế, bệnh tật của con cái, trong thời gian nghỉ việc, hai vợ chồng cũng có những lúc mệt mỏi, âu lo sinh ra cãi vã, nặng nhẹ với nhau khiến chị cảm thấy rất buồn”. Bởi vậy, khi hay tin con gái chị có tên trong danh sách được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, chị phấn khởi và cảm kích rất nhiều. Chị thành thật chia sẻ: “Giữa lúc Chính phủ đang phải nỗ lực ứng phó với nhiều khó khăn do đại dịch COVID–19 gây ra mà vẫn lo cho dân thế này, thật đáng quý. Có được bao nhiêu, nhân dân chúng tôi cũng hết sức trân trọng. Chứ bây giờ lòng dân mà đòi hỏi thì vô vàn lắm!”.

Cùng chung những trăn trở, lo toan như chị Hiền, chị Trần Thị Liên (46 tuổi, xã Quảng Đức, Quảng Xương) vẫn phải vật lộn hằng ngày để mưu sinh. Cả cuộc đời chị Liên mang nhiều nỗi thiệt thòi. Tuổi xuân lỡ dở, một thân một mình chị Liên quần quật với đồng ruộng nuôi hai đứa con thơ khôn lớn. Thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, hai đứa trẻ lớn lên trong sự nỗ lực của người mẹ nghèo và sự yêu thương, đùm bọc của bà con lối xóm. Do hoàn cảnh gia đình không cho phép, hai bé chấp nhận nghỉ học từ sớm, xin làm công nhân để phụ giúp kinh tế cho mẹ bớt đi phần nào vất vả.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID–19, tình hình sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn nên hai đứa con của chị Liên buộc phải tạm nghỉ việc không lương. Bản thân chị Liên, ngoài công việc đồng áng, tranh thủ lúc nông nhàn, chị vẫn lặn lội trên chiếc xe đạp cà tàng lên phố thu mua sắt vụn. Nhưng cũng vì “bóng ma chập chờn” mang tên COVID–19 mà đã mấy tháng nay, chị Liên phải nghỉ làm. Chiếc xe đạp thôi không còn phải gồng gánh trên lưng đủ thứ phế liệu, xem chừng có vẻ nhẹ nhõm, thảnh thơi nhưng đâu biết trong lòng chủ nhân của nó thấp thỏm không yên, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng. Nắm chặt trong tay số tiền vừa được nhân viên bưu điện chi trả theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ, chị Liên rôm rả trò chuyện với những người xung quanh, niềm vui lấp lánh trong nét cười: “Có thể, số tiền mà Chính phủ hỗ trợ chẳng thể giúp tôi sống an nhàn nhưng giá trị về mặt tinh thần mà nó mang lại thì không gì sánh nổi. Nó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới những người yếu thế trong xã hội, khiến chúng tôi cảm thấy mình không bị bỏ rơi lại phía sau”.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, đảm bảo chi trả kịp thời

Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ là một quyết định chưa từng có trong tiền lệ, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch. Xác định được vai trò, ý nghĩa to lớn ấy; ngay từ khi tiếp nhận chủ trương từ Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng, khẩn trương, kịp thời ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra phương thức chi trả hỗ trợ phân theo nhóm đối tượng, giao nhiệm vụ cho từng cấp, ban, ngành chịu trách nhiệm thực hiện quản lý, giám sát, chi trả theo quy định. Và tiến độ thực hiện cũng được đẩy nhanh theo từng ngày với từng phần việc cụ thể. Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Mặc dù thời gian từ khi ban hành Nghị quyết 42 đến lúc triển khai thực hiện diễn ra trong thời gian ngắn nhưng tỉnh Thanh Hóa đã huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị; được các cấp, các ngành triển khai bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm cao nhất với tinh thần: Quyết liệt, nhanh chóng, đồng bộ và đảm bảo tính công khai minh bạch. Việc đảm bảo nguyên tắc rà soát kỹ đối tượng, không để trùng lắp đối tượng được hỗ trợ, công khai, minh bạch; tăng cường sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) được đặt lên hàng đầu”.

Để đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch, nỗ lực không để sót, lọt, trùng lặp đối tượng thụ hưởng; thực hiện theo Kế hoạch 99/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 30-4-2020, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên thông báo trên loa phát thanh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện đăng ký nhận hỗ trợ đến người dân và đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; đồng thời đề nghị người dân thuộc các đối tượng theo hướng dẫn đến trụ sở để khai báo, đăng ký. Cùng với đó, chính quyền địa phương cử các tổ công tác xuống địa bàn để rà soát theo đúng tinh thần: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; từ đó tổng hợp, báo cáo số đối tượng bị ảnh hưởng theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan; thực hiện niêm yết công khai danh sách các đối tượng đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch UBND huyện phê duyệt hỗ trợ tại trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa khu phố, thôn, bản để nhân dân theo dõi giám sát thực hiện. Sau khi rà soát, có số liệu chính thức từ các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo trình UBND tỉnh duyệt để chi trả hỗ trợ kịp thời cho 3 nhóm đối tượng: Người có công, bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, qua quá trình rà soát, toàn tỉnh có: 72.225 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 200.862 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: 539.161 (hộ nghèo: 112.527 người; hộ cận nghèo: 426.634 người). Tổng kinh phí dự kiến chi trả cho 3 nhóm đối tượng hơn 800 tỷ đồng.

Thực hiện theo Kế hoạch 99/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 30-4-2020; bám sát chức năng, nhiệm vụ, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, tích cực “nhập cuộc”, chuẩn bị tốt cả về nguồn nhân lực, vật lực phục vụ công tác chi trả hỗ trợ cho 3 đối tượng: Người có công; bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Trịnh Phương Nam, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Mặc dù bưu điện có nhiều kinh nghiệm chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội nhưng chúng tôi xác định đợt chi trả này có nhiều điểm khác biệt cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt”. Để đảm bảo công tác chi trả nhanh, kịp thời, hiệu quả gắn với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bưu điện đã bố trí trên 800 điểm chi trả và hơn 1.100 nhân viên thực hiện.

Ghi nhận tại xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa), công tác tổ chức, tiến hành chi trả diễn ra trong niềm vui mừng, phấn khởi của nhân dân. Mặc dù xã Đông Vinh là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc chi trả cho các đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo theo Nghị quyết 42 của Chính phủ nhưng quá trình chi trả được sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, tinh thần trách nhiệm cao. Từ trước ngày chi trả, Bưu điện TP Thanh Hóa đã đấu mối với chính quyền địa phương để thông báo, hướng dẫn cụ thể về địa điểm, ngày giờ, thủ tục chi trả đến các đối tượng thụ hưởng. Điểm chi trả đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch COVID-19 như: Thực hiện giãn cách, chuẩn bị nước sát khuẩn, đeo khẩu trang; cơ sở vật chất (hội trường, ghế ngồi chờ, quạt, nước...) phục vụ tận tình, chu đáo cho người dân trong quá trình chờ tới lượt chi trả. Khi các đối tượng đến điểm chi trả, Bưu điện TP Thanh Hóa phân công nhân viên phân luồng, phát số thứ tự và lần lượt gọi tên theo số thứ tự đã phát. Theo danh sách niêm yết công khai, xã Đông Vinh có 71 người có công, 181 đối tượng bảo trợ xã hội và 87 hộ nghèo, cận nghèo được nhận tiền hỗ trợ trong đợt này. Để thuận lợi cho người dân và hạn chế sai sót, tại đây, Bưu điện TP Thanh Hóa đã bố trí 3 bàn chi trả cho 3 đối tượng khác nhau. Với những người già cả neo đơn, khuyết tật, ốm nặng không thể trực tiếp đến điểm chi trả hoặc không ủy quyền cho người lấy hộ được thì bưu điện sẽ bố trí nhân viên chi trả tận nhà. Trong quá trình chi trả, nhân viên bưu điện sẵn sàng, nhiệt tình giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân về các vấn đề liên quan đến việc chi trả hỗ trợ. Bà Đỗ Thị Mai Lan, Giám đốc Bưu điện TP Thanh Hóa cho biết: “Nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của mình, bưu điện thành phố phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là thực hiện chi trả nhanh, kịp thời nhưng đảm bảo tính chính xác, minh bạch”.

Do làm tốt công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thông tin kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng; đặc biệt nêu cao vai trò giám sát của MTTQ tỉnh nên công tác chi trả trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tính đến ngày 16-5, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác chi trả với tổng số là: 409.932 người thuộc các đối tượng: Người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Tổng kinh phí đã chi trả là: 627.301.000.000 đồng. Các đối tượng còn lại, các địa phương đang tổ chức rà soát, tổng hợp số liệu, lên danh sách và sẽ có báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]