(Baothanhhoa.vn) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của loài người sẽ chưa thể có hồi kết trong một sớm một chiều, khi mà vi-rút SARS-CoV-2 đang có những biến thể mới, lây lan nhanh và nguy hiểm khôn lường. Chính vì lẽ đó, cần tâm thế luôn sẵn sàng, nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt và các cơ chế, chính sách, “hàng rào kỹ thuật” phù hợp, linh hoạt, nhằm tạo ra “phòng tuyến” vững chắc để ứng phó lâu dài với đại dịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng lòng, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19: Bài 1 - Tạo các lớp “phòng tuyến” vững chắc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của loài người sẽ chưa thể có hồi kết trong một sớm một chiều, khi mà vi-rút SARS-CoV-2 đang có những biến thể mới, lây lan nhanh và nguy hiểm khôn lường. Chính vì lẽ đó, cần tâm thế luôn sẵn sàng, nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt và các cơ chế, chính sách, “hàng rào kỹ thuật” phù hợp, linh hoạt, nhằm tạo ra “phòng tuyến” vững chắc để ứng phó lâu dài với đại dịch.

Đồng lòng, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19: Bài 1 - Tạo các lớp “phòng tuyến” vững chắc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho người dân xã Xuân Giang (Thọ Xuân). Ảnh: Khôi Nguyên

“Phòng tuyến” của sự đồng lòng

Có thể khẳng định, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 là chưa từng có tiền lệ, bởi thời gian kéo dài, quy mô ảnh hưởng rộng khắp và sức tàn phá ghê gớm của nó. Bởi vậy, từ khi dịch phát sinh đến nay, từ “chiến thuật” ứng phó trước mắt đến “chiến lược” đương đầu dài hơi, đều phải trải qua quá trình vừa xây dựng, vừa thực hiện, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm, rồi lại tiếp tục áp dụng. Suốt hơn 1 năm rưỡi đại dịch hoành hành, “vòng tuần hoàn” ấy vẫn liên tục chuyển động. Trong đó, nhận thức đúng tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh và nêu cao tinh thần, ý thức, thái độ, đặc biệt là sự đồng lòng trong phòng chống dịch của từng người dân, của cả cộng đồng, vẫn là một trong những giải pháp tiên phong, góp phần tạo tấm lá chắn ngăn chặn và từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Trong công cuộc phòng chống đại dịch, mỗi huyện, mỗi xã, mỗi làng bản, thôn xóm phải trở thành một “pháo đài”, với những cuộc “tổng động viên” nội lực sức người, sức của để chống giặc COVID-19. Thực tế cho thấy, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã và đang đe dọa đến sự bình ổn và phát triển chung; cũng như chạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, trong đó có quyền được sống bình yên, no ấm. Do vậy, không ai và không địa phương nào được phép đặt mình ra ngoài guồng quay chống dịch – phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, để “nối mạch” liên tục công tác phòng chống dịch, cần nhấn mạnh đến vai trò của những con người đang ở tuyến đầu là các cơ sở điều trị, cửa ngõ biên giới... Để rồi, có lẽ chưa khi nào việc đương đầu với dịch bệnh bằng ý thức và trách nhiệm cao lại trở thành một “phương châm sống” của nhiều y, bác sĩ, bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện... như lúc này. Mỗi người trong số họ ví như một tia lửa nhỏ, đã và đang thắp dậy ngọn đuốc lớn của tinh thần đấu tranh không nao núng trước dịch bệnh, vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và vì bình yên cuộc sống.

Cách ly và giãn cách xã hội được xem là những giải pháp ứng phó với dịch bệnh chưa từng có tiền lệ. Tính đến ngày 20-7-2021, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện cách ly tập trung đối với 1.596 người, tại 44 khu cách ly; tổ chức cách ly tại nhà, nơi cư trú đối với 9.516 người. Việc cách ly, đặc biệt là giãn cách xã hội không hề đơn giản, bởi nó buộc guồng quay kinh tế phải tạm dừng và mọi hoạt động đời sống xã hội, không gian sinh hoạt của các cá nhân, gia đình, cộng đồng bị bó buộc trong một phạm vi hẹp. Kéo theo đó là nhiều hệ lụy, mà nhãn tiền là đời sống của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Song, cần nhấn mạnh ở đây là sự nghiêm túc thực hiện cách ly (tự cách ly tại nhà và cách ly tập trung) của một bộ phận người dân và ý thức chấp hành việc giãn cách xã hội của đại đa số người dân. Hiệu quả từ cách ly, giãn cách xã hội đã chứng minh, việc hy sinh một số lợi ích trước mắt để phục vụ công tác phòng chống dịch là tất yếu, phù hợp với yêu cầu khách quan và vì nhiều lợi ích lâu dài. Đặc biệt, điều này còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần cố kết cộng đồng và là sự cụ thể hóa của tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mà chỉ trong bối cảnh đặc thù của thiên tai, địch họa mới được thôi thúc và nhân lên.

Từ khi đại dịch xuất hiện đến nay, đã có rất nhiều sáng kiến ra đời, mà một trong số đó là tổ giám sát dịch bệnh. Đây được ví như một trợ lực quan trọng cho ngành chức năng trong việc giám sát, truy vết, quản lý các đối tượng F1, F2 và đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Các thành viên của “tổ công tác đặc biệt” này đã bám từng nhà, rà từng hộ để nắm bắt thông tin, tránh bỏ sót, bỏ lọt đối tượng. Tính từ ngày 27-4-2021 (bắt đầu đợt bùng phát dịch thứ tư) đến ngày 20-7-2021, toàn tỉnh đã thực hiện giám sát, truy vết 857 F1; 7.702 F2 và các trường hợp nguy cơ khác. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của các tổ giám sát dịch bệnh. Chưa hết, tổ giám sát dịch bệnh còn là một kênh tuyên truyền lưu động hữu hiệu, sinh động, đã và đang góp phần truyền tải sâu rộng “thông điệp 5K” và các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng. Có thể nói, tổ giám sát dịch bệnh là một “sáng kiến” mang tính người thật việc thật – đơn giản và thiết thực - trên trận tuyến không khoan nhượng với đại dịch. Thực tế hoạt động của hàng nghìn tổ giám sát dịch bệnh trải khắp địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thời gian qua, là một minh chứng về sự nhanh nhạy, kịp thời, sâu sát và hiệu quả của mô hình rất đặc biệt này.

Tất nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, ý thức, tinh thần, thái độ và trách nhiệm của mỗi cá nhân hay cộng đồng về phòng chống dịch, đều ví như đang cùng chạy trên một băng chuyền. Bởi vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân thờ ơ với “thông điệp 5K”, mơ hồ về dịch bệnh; thậm chí có trường hợp cố tình khai man lịch trình di chuyển, trốn tránh, chống đối việc cách ly tập trung; hay không thực hiện nghiêm quy định tự cách ly tại nhà... Chính vì vậy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, nhằm gia cố “phòng tuyến” ý thức từ mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội luôn vững chắc.

“Phòng tuyến” của sự quyết tâm

Đợt dịch thứ tư bùng phát hồi cuối tháng 4 vừa qua, với Bắc Ninh, Bắc Giang là tâm điểm. Khi dịch vừa được khống chế tại các địa phương này, thì “tâm chấn” đã nhanh chóng chuyển dịch vào TP Hồ Chí Minh, với con số hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày và sự phức tạp được nâng lên cấp độ mới khó lường, khó kiểm soát và không cho phép bất kỳ địa phương nào được chủ quan, lơ là. Trong bối cảnh ấy, tính đến ngày 20-7-2021, tỉnh Thanh Hóa có 66 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, không có ca diễn biến nặng, nguy kịch và không có ca tử vong. Mặc dù vậy, tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt, vẫn luôn là phương châm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch và được thông suốt từ tỉnh đến các ngành, địa phương, đơn vị.

Quán triệt phương châm này nên ngay sau khi khu cách ly Trung đoàn 762 (Trường Quân sự tỉnh cũ, phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) phát hiện thêm 19 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 (sáng 15-7-2021), đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã trực tiếp đến kiểm tra và yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, đồng chí giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý, vận hành các khung cách ly tập trung trên địa bàn toàn tỉnh; bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu cách ly tập trung; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Cùng với sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo tỉnh và việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch COVID-19; tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí thành lập các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men cần thiết. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã bố trí các khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (Trường Đại học Hồng Đức); Trung đoàn 762 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); Sư đoàn 390 (Quân khu 1); Trung đoàn 266, Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341, Quân khu 4), bảo đảm các điều kiện tiếp nhận, chăm sóc người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, thực hiện cách ly y tế theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 104 khu cách ly sẵn sàng hoạt động, với khả năng thu dung 10.769 người...

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (diễn ra vào ngày 31-5-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của 3 thảm họa, mà một trong số đó là đại dịch COVID-19. Do vậy, để phục hồi, trở lại đà tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVID-19. Đối với Việt Nam, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nước ta quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội.

Từ đường hướng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt ấy, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực “bước qua khe cửa hẹp” để hoàn thành “mục tiêu kép”: vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng khá và nằm trong nhóm các tỉnh/ thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,66%, cao nhất trong số các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, công nghiệp và nông nghiệp tiếp tục là trụ cột tăng trưởng, với tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,47%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,9%. Riêng sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt 13,91%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,93% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tính đến ngày 22-6-2021, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 49 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13.105 tỷ đồng và 42,7 triệu USD...

Đặc biệt, để bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (như gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ năm 2020 và hiện đang tích cực triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ); đồng thời, có chính sách hỗ trợ dành cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bởi đại dịch... Có thể nói, kinh tế tăng trưởng và đời sống người dân ổn định là “tấm khiên” hay “hàng rào kỹ thuật” chắc chắn, giúp Thanh Hóa vững vàng hơn trước “sóng gió” dịch bệnh. Nói cách khác, kinh tế phát triển sẽ là một “phòng tuyến” có khả năng trợ lực mạnh mẽ để tỉnh ta tiếp tục đương đầu với những nguy cơ hiệu hữu mà COVID-19 đã và đang gây ra. Chưa kể, những con số tăng trưởng ấn tượng sẽ là một sự bảo đảm của tỉnh Thanh Hóa đối với các nhà đầu tư, về một điểm đến an toàn, hấp dẫn và đầy tiềm năng phát triển.

...

Từ nhận thức đến hành động; từ nỗ lực vượt khó không ngơi nghỉ đến quyết tâm nối lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội; từ va vấp bước đầu đến phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau trong cơn cuồng phong dịch bệnh... Tất cả đã và đang trở thành những lớp “phòng tuyến” liên kết nhân – quả bền chặt, giúp Thanh Hóa tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn nhiều thách thức.

Bài 2: Ý thức của người dân – “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]