(Baothanhhoa.vn) - Chiều 6-6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự thảo Luật: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức tòa án nhân dân. Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tập trung thảo luận sâu về các quy định trong dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Chiều 6-6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự thảo Luật: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức tòa án nhân dân. Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tập trung thảo luận sâu về các quy định trong dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Phát biểu tại tổ, các ĐBQH đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào dự thảo Luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật này. Tuy nhiên, đi sâu phân tích dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ băn khoăn về một số quy định, cụ thể: Điều 5 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của dân quân tự vệ, đại biểu Đỗ Trọng Hưng cho rằng, dự thảo Luật đặt ra bổn phận cho lực lượng này rất lớn, vinh dự nhưng “có cái quá lớn, liệu lực lượng này có thực hiện được không”? Khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật quy định: Lực lượng dân quân tự vệ tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền. Vậy, tham gia biện pháp, thì “biện pháp” ở đây là gì? Dự thảo Luật đặt ra nhiệm vụ cho lực lượng không chính quy như vậy có lớn quá không, đưa ra nhiệm vụ mà như “hiệu triệu” thì có nên không? Đại biểu Đỗ Trọng Hưng đặt hàng loạt câu hỏi.

Bên cạnh đó, khi phân tích Điều 32 của dự thảo luật về Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ, trong đó quy định: Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động dân quân tự vệ biển sau khi thống nhất với Tư lệnh Quân khu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có dân quân tự vệ biển được điều động, đại biểu Đỗ Trọng Hưng cho rằng “rất băn khoăn” với quy định này. Bởi theo đại biểu, nếu tư lệnh quân khu muốn điều quân trong địa bàn quân khu chỉ thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng Tư lệnh quân chủng muốn điều dân quân tự vệ là phải qua 3 “cửa ải” đó là: tư lệnh quân khu, Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu cơ quan tổ chức nơi có dân quân tự vệ biển được điều động. Liệu quy định như dự thảo Luật có bảo đảm cải cách hành chính không? Điều này cơ quan soạn thảo cần phải hết sức cân nhắc, đại biểu Đỗ Trọng Hưng lưu ý.

Một trong những nội dung khác của dự thảo Luật cũng được nhiều ý kiến thảo luận đó là: Thành lập tự vệ trong doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp như dự thảo Luật là khó khả thi, vì theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nên việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo Luật về quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho biết, Khoản 2 Điều 19 của Luật Dân quân tự vệ hiện hành quy định, doanh nghiệp chưa tổ chức được lực lượng tự vệ thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức cho người lao động trong doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của Luật Dân quân tự vệ. Tuy vậy, theo đại biểu, 10 năm qua việc thực hiện quy định gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Cũng theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, báo cáo của quân khu cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần như không tổ chức được lực lượng tự vệ. Các địa phương gần như đang làm điểm. Do đó, Khoản 2 Điều 17 quy định 4 điều kiện để doanh nghiệp tổ chức tự vệ là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm của Đảng để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, do đó không thể không tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp. Đồng thời, đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này là cần thiết, trên cơ sở đó sẽ quy định các chế tài để bảo đảm các doanh nghiệp bắt buộc tổ chức thực hiện. Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là khó nhưng khó vẫn phải thực hiện, đại biểu Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Cho ý kiến về chỉ huy trưởng của ban chỉ huy quân sự cấp xã, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Luật Công an Nhân dân thì lực lượng công an cấp xã đang được xây dựng chính quy (trưởng công an xã có cấp bậc hàm cao nhất là trung tá). Do đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan quân đội đảm nhiệm ngay từ thời bình để cụ thể hóa chính sách của Đảng “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, có đủ khả năng, trình độ kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra theo lộ trình nhưng không làm tăng biên chế (rà soát, điều chuyển) như công an đang làm. Tuy vậy, theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, nếu quy định xã đội trưởng như công an nhân dân thực hiện thì không đúng với tinh thần của nghị quyết Trung ương, làm phát sinh biên chế. Bởi toàn quốc hiện nay có 11.162 xã, phường, thị trấn, nếu chính quy lực lượng này sẽ tăng biên chế là hơn 11.000 người, kinh phí tăng trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho lực lượng này, chế độ, chính sách cũng sẽ gặp khó khăn. Để bảo đảm yêu cầu về tổ chức bộ máy như tinh thần nghị quyết Trung ương, cũng như yêu cầu của địa phương thì nên có chỉnh lý Điểm a, Khoản 1 Điều 20 theo hướng: Chỉ huy trưởng là công chức cấp xã, sĩ quan dự bị trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, trong tình trạng chiến tranh được gọi vào tại ngũ, đảm nhiệm chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã, đại biểu Vũ Xuân Hùng đề nghị.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Đồng quan điểm này, Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng, “không nên quan niệm công an như vậy thì quân đội cũng phải tương xứng”. Thời gian qua, thực hiện chính quy hóa lực lượng công an xã là thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, không làm tăng biên chế mà do sắp xếp lại. Nhưng nếu trong dự thảo Luật đặt vấn đề này thì sẽ tăng biên chế, vấn đề chế độ, chính sách cho xã đội trưởng sẽ được giải quyết như thế nào? Đại biểu Đỗ Trọng Hưng nêu vấn đề.

Hà An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]