(Baothanhhoa.vn) - 75 năm đã đi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh thông qua hàng nghìn hình ảnh, hiện vật lịch sử quý giá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn Cách mạng Tháng Tám qua những hiện vật lịch sử

75 năm đã đi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh thông qua hàng nghìn hình ảnh, hiện vật lịch sử quý giá.

Dấu ấn Cách mạng Tháng Tám qua những hiện vật lịch sử

Nhiều hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Trong kho tàng hình ảnh, hiện vật về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, phần hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 trên đất Thanh Hóa khá phong phú, đa dạng, đặc sắc và tiêu biểu, được sưu tầm ở mọi miền đất nước. Từ văn bản, nghị quyết đến hiện vật chiến tranh, kỷ vật chiến sĩ..., tất cả thể hiện sinh động, trọn vẹn từng sự kiện, từng chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa. Nổi bật tại phòng trưng bày “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa” là những kỷ vật liên quan tới hoạt động vận động cho sự ra đời của Đảng và lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng của các vị tiền bối như Nguyễn Doãn Chấp, Lê Thế Long, Ngô Đức Mậu... Là bộ sưu tập báo chí cách mạng như Tiến lên, Hồn lao động, Tia sáng, Tự do, Đuổi giặc nước, Gái ra trận...; bộ sưu tập truyền đơn cách mạng như truyền đơn kỷ niệm ngày 1-5, khẩu hiệu của thợ thuyền, của học sinh, phụ nữ, của người lính, các nhà trí thức Việt Nam cùng các ấn phẩm, như: Vấn đề dân cày, Điều lệ nông hội làng, Con đường sống, nguyệt san Hồn lao động... Đó là những chứng cứ quan trọng của quá trình tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho Nhân dân về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tập hợp quần chúng thành khối sức mạnh theo Đảng làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Được lưu giữ cẩn thận tại phòng trưng bày còn có hình ảnh đình làng Ngô Xá Hạ (Thiệu Hóa), nơi Ủy ban cách mạng lâm thời chuẩn bị tiến về thị xã ra mắt đồng bào; là chiếc mâm xà dùng làm bàn in báo “Tiến lên” gắn với quá trình hoạt động của đồng chí Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam); là ngôi nhà mẹ Tơm (Hậu Lộc), cơ sở hoạt động bí mật của Đảng đồng thời là cơ sở in báo “Đuổi giặc nước”, hay chiếc tráp cắt tóc của con trai mẹ Tơm dùng để cất giấu tài liệu và cắt tóc lấy tiền nuôi đồng chí Tố Hữu và các chiến sĩ cách mạng. Nổi bật và ý nghĩa nhất là tấm ảnh lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945.

Tại Bảo tàng tỉnh, những hình ảnh, hiện vật được lưu giữ và trưng bày đã tái hiện lại toàn bộ quá trình từ bối cảnh, chủ trương của Đảng, quá trình chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh đến thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đó là vật chứng của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước đem trí tuệ, sức lực, xương máu góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang. Mỗi hình ảnh, mỗi hiện vật chứa đựng những câu chuyện xúc động, đầy tính nhân văn và cách mạng. Trong không gian trưng bày, chiếc “Trống lệnh” của quân và dân Hoằng Hóa được đặt ở vị trí trang trọng, giúp người xem hồi tưởng lại toàn bộ quá trình đấu tranh giành chính quyền tại huyện Hoằng Hóa. Ngày 24-7-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là chi bộ đảng và ban Việt Minh huyện, các tầng lớp Nhân dân Hoằng Hóa đã kề vai sát cánh chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Đây là cuộc khởi nghĩa ít đổ máu và là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền, thúc đẩy các địa phương trong tỉnh đồng loạt đứng lên khởi nghĩa, đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những kỷ vật của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được lựa chọn trưng bày đã phản ánh trọn vẹn sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng để dân tộc tận dụng thời cơ đánh Pháp đuổi Nhật. Minh chứng cho những giá trị đó là chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, là Nghị quyết Quốc dân Đại hội Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa với việc thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, là Hiệu triệu của Việt Minh, là lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, là việc tổ chức quần chúng và đưa quần chúng ra đấu tranh trực diện với quân thù từ hình thức thấp đến hình thức cao...

Những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được lưu giữ, trưng bày không chỉ góp phần soi sáng lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đối với các thế hệ cha anh đi trước. Để âm vang Cách mạng Tháng Tám mãi trường tồn, lan xa, khắc ghi trong trái tim mỗi người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, việc giáo dục truyền thống qua các hình ảnh, kỷ vật sẽ giúp mỗi người dân nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy “thiên sử vàng” chói lọi trong thời đại mới.

Bài và ảnh: Tố Phương


Bài Và Ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]