(Baothanhhoa.vn) - Về Cán Khê - xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Như Thanh cán đích nông thôn mới, trong ráng chiều, các công trình trường, trạm, công sở xã hiện ra khang trang, bề thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng bộ xã Cán Khê lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế

Về Cán Khê - xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Như Thanh cán đích nông thôn mới, trong ráng chiều, các công trình trường, trạm, công sở xã hiện ra khang trang, bề thế.

Cây riềng đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Cán Khê.

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, xã Cán Khê còn có những đồng bãi bằng phẳng, màu mỡ, chạy dọc dưới các chân núi, thuận lợi cho phát triển cây trồng hàng hóa. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nhất là những vùng đất bãi thường xuyên thiếu nước tưới và giúp người dân trong xã có “của ăn, của để”, đảng ủy xã Cán Khê đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu”. Đồng thời, giao cho chính quyền xã thực hiện rà soát, quy hoạch lại đồng đất, tạo thuận lợi cho việc hình thành những vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa. Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đảng ủy xã đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn đưa các loại cây hàng hóa vào trồng trên đất lúa kém hiệu quả.

Với người dân thôn 6, hình ảnh về cánh đồng Hom Trừ thuở nào giờ chỉ còn trong kí ức. Do diễn biến bất thường của thời tiết nên cánh đồng Hom Trừ luôn trong tình trạng thiếu nước tưới, vì thế, việc trồng lúa của người dân địa phương rơi vào cảnh “mùa được, mùa không”. Kể từ khi nghị quyết về “Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu” được dân đồng thuận, hưởng ứng, cánh đồng Hom Trừ đã phủ một màu xanh tít tắp của cây riềng. Cách đây gần 3 năm, gia đình chị Hà Thị Thơm đã chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây riềng. Chị Thơm phấn khởi nói: “Khoảng 3 năm trước, trên đồng đất này gia đình tôi chỉ độc canh cây lúa, vì thiếu nước tưới nên vụ được, vụ mất, vất vả lắm! Được cán bộ xã, thôn vận động, gia đình tôi đã đưa cây riềng vào trồng. Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 3 đến 4 đợt, năng suất khoảng gần 4 tấn/sào. Với giá bán hiện nay 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi sào riềng gia đình tôi có thu nhập khoảng 20 triệu đồng, cao hơn trồng lúa nhiều”. Qua số liệu thống kê mới thấy, ở xã Cán Khê bắt đầu hình thành những vùng chuyên canh cây trồng khác nhau. Trong đó, phải kể đến 60 ha cây riềng, tập trung ở 2 thôn 5 và 6 với khoảng 200 hộ dân tham gia trồng; 30 ha cây ăn quả; 5 ha cây nghệ vàng; 3 ha đào tết. Có thể khẳng định, nghị quyết chuyên về “Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu” đã và đang tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở xã Cán Khê, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, đảng ủy xã Cán Khê còn có chủ trương đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hàng năm, đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu. Đồng thời, giao cho MTTQ, chi bộ các thôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XKLĐ để giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về XKLĐ. Hiện nay, toàn xã có khoảng 230 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hơn 500 lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có những gia đình như hộ bà Quách Thị Nương, ở thôn 4, có 6 người con tham gia XKLĐ. Đồng chí Vi Văn Năm, bí thư đảng ủy xã, cho biết: Song song với việc thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đảng ủy xã luôn quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn, XKLĐ. Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, cho thấy kinh tế của Cán Khê tiếp tục có bước tăng trưởng, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,6%. Những kết quả trên chính là nền tảng, động lực để cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân xã bước vào chặng đường xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]