(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn một năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giao Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa, trình Quốc hội xem xét, ban hành, ngày 13-11-2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Sự thể chế hóa này nhằm đưa chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cơ chế đặc thù - “đòn bẩy” để Thanh Hóa tăng tốc bứt phá

Sau hơn một năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giao Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa, trình Quốc hội xem xét, ban hành, ngày 13-11-2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Sự thể chế hóa này nhằm đưa chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Cơ chế đặc thù - “đòn bẩy” để Thanh Hóa tăng tốc bứt phá

Một góc thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Phạm Nam

Cơ chế, chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng của Trung ương đối với Thanh Hóa, để từ đó Thanh Hóa sẽ tạo ra sự lan tỏa phát triển vùng kinh tế trọng điểm và dẫn dắt các địa phương khác trong vùng. Hơn 10 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã vươn lên đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như: thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường bán lẻ, thu hút khách du lịch, phát triển doanh nghiệp... Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước nhiều tỉnh, thành phố đang chật vật vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thì năm 2021 Thanh Hóa đã cố gắng duy trì ổn định, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, tốc độ tăng GRDP ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Trong năm qua, dòng vốn từ các nhà đầu tư vẫn ào ạt đổ về Thanh Hóa. Hàng loạt dự án “khủng” đã được khởi công xây dựng dồn dập như: Dự án Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group; Dự án Flamingo Hải Tiến tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.350 tỷ đồng của Công ty CP Flamingo Holding Group; Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn, với tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng của Tập đoàn T&T...

Nhiều dự án lớn đã và đang triển khai có tính động lực, có tác động lan tỏa đến quy mô, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa cũng như của khu vực, sự hiện diện ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong nước và xuyên quốc gia tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây đã cho thấy những cơ hội to lớn và lực hút hấp dẫn từ Thanh Hóa. Không chỉ hình thành trung tâm lọc hóa dầu và sản xuất sản phẩm hóa dầu lớn của cả nước tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa đã được các chuyên gia đầu ngành trong nước đánh giá hiện tiềm lực về phát triển công nghiệp của tỉnh mạnh hơn so với một số địa phương khác trong cả nước; các ngành then chốt như lọc hóa dầu, du lịch, y tế, dịch vụ logistics là những thế mạnh và trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới.

Thanh Hóa được thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù bởi Thanh Hóa hiện sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa, du lịch, tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực, vị trí địa lý và đang trở thành vùng kinh tế năng động, đầy tiềm năng của đất nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp cho Thanh Hóa gỡ được các “điểm nghẽn” lâu nay làm hạn chế khả năng chủ động của địa phương trong quá trình huy động các nguồn lực thu hút các dự án lớn vào Thanh Hóa.

Nghị quyết số 37/2021/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm. Theo đó, Thanh Hóa được ưu tiên thí điểm thực hiện 8 chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (chính sách về mức dư nợ vay, chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, chính sách về thu từ xử lý nhà, đất, chính sách về phí, lệ phí, chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên) và phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp, trong đó HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định...

Theo ông Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Với việc nâng mức dư nợ vay từ 20% lên 60% sẽ giúp tỉnh đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, đồng thời tạo dư địa để tỉnh huy động các nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Còn ông Cao Mạnh Linh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: “Với quy định như Điều 4, Nghị quyết số 37 của Quốc hội, tỉnh sẽ chủ động quyết định mà không cần phải xin ý kiến các bộ, báo cáo Thủ tướng. Việc áp dụng chính sách này sẽ giúp tăng cường phân cấp, đảm bảo sự chủ động cho địa phương và rút ngắn thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ so với quy định hiện hành. Đây là giải pháp tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực”.

Dù được kỳ vọng là “đòn bẩy”, sẽ tạo nên xung lực mới cho Thanh Hóa tăng tốc đột phá, nhưng để nghị quyết của Quốc hội đi vào thực tiễn cuộc sống và các cơ chế, chính sách thực sự phát huy hiệu quả, thì điều quan trọng nhất vẫn là cần có sự chung sức, đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị đến người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; song cũng đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn, nỗ lực lớn hơn đối với tỉnh ta. Trong 8 chính sách đặc thù, có tới 7 chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa, không tự thân mang lại hiệu quả, mà phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nếu chúng ta thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ thì mới được hưởng những thành quả từ chính sách mang lại, qua đó tăng thêm nguồn lực, động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển”.

Để đưa các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, ngày 6-12-2021 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện, xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện. Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 37/2021/QH15, làm cơ sở để tổ chức thực hiện; đồng thời, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp với các cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản cụ thể hóa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thực hiện đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất, tạo xung lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

75 năm - hành trình xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (1947–2022), tầm vóc mới của Thanh Hóa ngày càng hiện hữu.

Hạnh Linh


Hạnh Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]