(Baothanhhoa.vn) - Không quản ngày đêm, mưa gió, hiểm nguy, hễ dân cần là trưởng thôn có mặt, hễ có phong trào là trưởng thôn tiên phong đi đầu. Dù chế độ đãi ngộ còn rất khiêm tốn, song họ vẫn ngày đêm miệt mài “vác tù và hàng tổng”, cùng với Nhân dân xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về những “công bộc” của dân

Không quản ngày đêm, mưa gió, hiểm nguy, hễ dân cần là trưởng thôn có mặt, hễ có phong trào là trưởng thôn tiên phong đi đầu. Dù chế độ đãi ngộ còn rất khiêm tốn, song họ vẫn ngày đêm miệt mài “vác tù và hàng tổng”, cùng với Nhân dân xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chuyện về những “công bộc” của dânTrưởng thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) Lê Văn Phượng (người đội mũ cối) chia sẻ về sự đổi thay của làng quê với phóng viên. Ảnh: Ngân Hà

Từ trưởng thôn “gạo cội”

Đến thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí đón Tết Nguyên đán Tân Sửu như rộn ràng, vui tươi hơn. Đón xuân năm nay khác hẳn so với những xuân trước, bởi đây là mùa xuân đầu tiên huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

20 năm làm trưởng thôn, anh Lê Văn Phượng, trưởng thôn Quang Trung song hành cùng sự phát triển của địa phương. Trước năm 2017, khi chưa sáp nhập thôn, anh làm trưởng thôn 8, công việc lúc đó “nhẹ nhàng”, bởi số hộ, số khẩu ít. Từ khi sáp nhập 3 thôn (6, 7, 8) lại thành thôn Quang Trung số lượng công việc tăng lên. Địa bàn thôn rộng, toàn thôn có 359 hộ, với 1.350 khẩu nên công việc của cán bộ thôn khá vất vả. Nhất là từ cuối năm 2019 đến nay, xã Hoằng Đồng phấn đấu về đích NTM nâng cao nên xã phát động nhiều phong trào thi đua, như: trồng cây xanh, bóng mát; xây dựng đường hoa, đường tranh bích họa, đường điện sáng, quét vôi ve tường rào, đặt tên ngõ, đánh số nhà... “Để thực hiện tốt nhiệm vụ xã giao, tôi cùng các đồng chí cán bộ thôn phải tiên phong đi đầu thực hiện mọi việc. Từ việc tự tay trồng hoa, cây bóng mát, quét vôi ve tường rào đến chăm sóc hoa, cây bóng mát hàng ngày. Do vậy, tôi phải thu xếp việc gia đình, tranh thủ mọi lúc mọi nơi mới hoàn thành được công việc. Đến nay, toàn thôn làm được hơn 100 bóng đèn và cột điện cao áp, chiếu sáng khắp đường làng, ngõ xóm; trồng được 800m đường hoa, hàng trăm gốc cây bóng mát, tường rào trong thôn được quét vôi ve, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sáng, xanh, sạch đẹp...” - anh Phượng cho biết.

Dọc đường đi anh say sưa kể về những tháng ngày vất vả chăm sóc, cắt tỉa cây để đến hôm nay thành quả là 100 gốc cây vú sữa, nhãn thẳng tắp, rợp bóng mát, dưới các gốc cây là những bồn hoa mười giờ khoe sắc thắm, người già bắc ghế ngồi thảnh thơi trò chuyện, chơi cờ, dạo bộ; tiếp nối bên kia đường là dãy bồn cây Mắt Ngọc 800m xanh mướt mắt tạo nên bức tranh vùng quê thanh bình.

Cuộc trò chuyện của tôi và anh Phượng trên đường hoa thỉnh thoảng lại bị tiếng chuông điện thoại của anh ngắt quãng bởi anh phải trả lời với khách hàng của mình về giá thức ăn chăn nuôi, cho ăn thế nào là hợp lý... Anh Phượng quay sang nhìn tôi cười và nói vui vẻ: “Vừa làm trưởng thôn nhưng cũng vừa phải kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi. Nguồn thu nhập này là điều kiện để tôi gắn bó được với “nghề” trưởng thôn gần 20 năm nay. Nói thật lòng là phụ cấp của trưởng thôn không đủ để đi đám hiếu, hỉ đâu chị nhà báo ạ...”.

Chia tay anh Phượng, trên đường về tôi nhớ đến lời nhận xét của anh Hoàng Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đồng về người trưởng thôn của mình: “Anh Phượng là một trong những trưởng thôn có năng lực, uy tín, gần dân, nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Đặc biệt, anh luôn hy sinh lợi ích của bản thân, gia đình để cống hiến cho tập thể. Nếu không có những người năng động, nhiệt huyết như anh Phượng thì chúng tôi rất khó khăn trong triển khai các chính sách về cơ sở...”.

Đến trưởng thôn ít “tuổi nghề”

Năng động, trẻ trung, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm - đó là hình ảnh của bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Vân Hòa, xã Cát Vân (Như Xuân) Nguyễn Duy Hạnh, sinh năm 1984.

Tôi tìm đến nhà khi Hạnh đang giúp mẹ và vợ bán hàng thực phẩm ngay ở nhà. Thấy tôi đến, Hạnh ngừng tay, niềm nở mời vào nhà uống nước. Qua trò chuyện, Hạnh cho biết: Năm 2010, Hạnh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, về địa phương tham gia làm bí thư đoàn thôn Vân Thương (cũ), kiêm y tế thôn, bản. Năm 2015, Hạnh kiêm thêm chức trưởng ban công tác mặt trận thôn. Đến năm 2017, sáp nhập nửa thôn Vân Thương thành thôn Vân Hòa, Hạnh được bà con tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Vân Hòa cho đến nay.

Là một trưởng thôn còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề lại gánh trên vai 2 trọng trách bí thư kiêm trưởng thôn nên ban đầu khi tiếp nhận công việc, Hạnh gặp không ít khó khăn. Được cán bộ xã và những cán bộ đi trước chỉ dẫn kinh nghiệm, Hạnh lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể của thôn trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Dần công việc cũng đi vào nền nếp. Cuối năm 2019 thôn đạt thôn NTM.

“Chị cùng em đi tham quan một vòng trong xã đi” - Hạnh nói rồi đứng dậy dắt chiếc xe máy trong sân ra chở tôi. Vừa đi Hạnh vừa giới thiệu cặn kẽ với tôi về từng gia đình trong thôn, nhà anh này trồng mấy ha cây ăn quả, nhà anh kia trồng mấy ha đồi rừng, nhà nọ hàng tháng xuất xưởng bao nhiêu viên gạch, cả thôn có mấy cơ sở sản xuất... tất cả đều được Hạnh nắm bắt cụ thể. Hạnh cho biết: Hiện nay, thôn Vân Hòa có 116 hộ, với 500 khẩu, có 4 dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh cùng sinh sống. Chi bộ thôn có 33 đảng viên. Công việc bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở miền xuôi đã vất vả thì trưởng thôn ở miền núi lại càng vất vả hơn. Đường sá đi lại khó khăn, hộ dân sống thưa thớt, bà con đi làm ăn trên đồi cả ngày nên tuyên truyền, vận động việc gì cũng phải tốn nhiều thời gian, công sức hơn. “Công việc lớn nhỏ trong thôn đều phải xắn tay vào làm chị ạ. Cán bộ mà không làm thì dân cũng không làm đâu” - Hạnh thẳng thắn.

Dừng chân bên vườn cam xanh mướt, Hạnh cho biết, trong thôn có nhiều hộ năng động trong phát triển kinh tế đồi rừng, trồng cam, mắc ca cho thu nhập cao. Vì vậy, bình quân thu nhập của người dân trong thôn đạt 46,2 triệu đồng/người/năm. Trong thôn còn 1 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo.

- Chị có nhìn thấy đồi keo bên kia không, của gia đình em đấy. Hạnh thổ lộ: Hiện tại, gia đình em đang trồng 5 ha keo, được hơn 4 năm rồi. Khi keo còn nhỏ, em trồng sắn xen vào nên cũng có thu nhập. Sang năm thu hoạch, sẽ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha.

“Không làm thêm thì không “nuôi” nổi chức bí thư kiêm trưởng thôn đâu chị. Cũng phải làm đủ thứ nghề, từ chạy xe, buôn bán, làm đồi rừng.. mới có thu nhập xây sửa nhà cửa, chăm sóc con cái. Chứ phụ cấp từ cả 2 chức vụ trên của em chỉ được gần 2,7 triệu đồng thôi. Không đủ để em đổ xăng chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Nhưng vì đam mê, vì muốn làm cái gì đó cho thôn, cho bà con nên em không quản nhọc nhằn” - Nguyễn Duy Hạnh bộc bạch.

Chiều mùa đông sập tối rất nhanh, chia tay Hạnh chúng tôi trở về thành phố, sương mù phủ kín đường đi, cái lạnh tê tái, xuyên thấu xương thịt, chúng tôi lại nghĩ đến những đêm hôm rét mướt, khi trong thôn có việc, những người “vác tù và hàng tổng” như Hạnh, anh Phượng lại phải lặn lội “thân cò” đi trong đêm. Nhất là khi tết đến xuân về mọi nhà sum họp bên mâm cơm đủ đầy, còn các anh lại bắt đầu “một hành trình mới” - hành trình bảo vệ bình yên cho Nhân dân đón xuân, vui tết.

Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]