(Baothanhhoa.vn) - “Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”. Đó là nhận định của học giả nước ngoài về chiến thắng Điện Biên Phủ - một đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc bất diệt!

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

“Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”. Đó là nhận định của học giả nước ngoài về chiến thắng Điện Biên Phủ - một đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc bất diệt!

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộcMô hình tập đoàn cứ điểm được thực dân Pháp xây dựng tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Khôi Nguyên

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Do vậy, Điện Biên Phủ là một địa bàn hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ ở vùng Đông Nam châu Á. Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc, tổng số binh lực là 16.200 tên. Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm họp thành ba phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ. Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Trước ý đồ của địch, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ - một chiến dịch lớn có tầm chiến lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng là “tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”, công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953. Trong đó, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí... cho chiến dịch là nhiệm vụ to lớn, nặng nề và hết sức gian khổ. Chiến trường ở xa hậu phương tới 500 - 600km, trên địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới đã hư hỏng, không có đường thủy, thời tiết khí hậu lại thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu...

Đứng trước những khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hậu phương cả nước sôi nổi trong phong trào chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt là cuộc ra quân hùng hậu của hậu phương miền Bắc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ vào đầu năm 1954. Sức người, sức của từ mọi nẻo hậu phương đổ vào chiến trường. Hàng chục vạn chiến sĩ nông dân, chân trèo, vai vác, vượt qua bom đạn, bệnh tật hiểm nghèo, vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men cho mặt trận. Với hơn 18 triệu ngày công, 25.000 tấn gạo được huy động từ những xóm thôn của đồng bào Bắc bộ ngược lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng vạn thanh niên xung phong, hầu hết là thanh niên nông dân phối hợp cùng công binh anh dũng mở hàng nghìn cây số đường vận tải, 11.800 thuyền bè, trên 20.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ và hàng nghìn xe trâu bò đã được huy động phục vụ chiến dịch...

Đến đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua nhiều cuộc đối đầu hết sức cam go, ác liệt nhưng vô cùng hào hùng, đến ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cáttơri và Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Do vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, góp phần cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy cao độ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, đồng thời, ghi mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam - một dân tộc nhược tiểu đã làm nên kỳ tích lịch sử - khiến nhiều học giả nước ngoài phải thốt lên “Điện Biên Phủ là trận Vanmy của các dân tộc da màu”; hay “trên thế giới, trận Oatéclô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”!. Còn Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong bài viết “Tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, thì khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của một loạt nhân tố dân tộc và thời đại; là đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam”, tập III.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]