(Baothanhhoa.vn) - Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc khó, việc phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xứ Thanh

Bài 3: “Dân vận khéo” trong giải quyết vụ việc nảy sinh từ cơ sở

Bài 3: “Dân vận khéo” trong giải quyết vụ việc nảy sinh từ cơ sở

Nhờ làm tốt công tác dân vận, tuyến đường từ Quốc lộ 1A vào Nhà thờ xứ Thanh Thủy (phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn) dài 400m, trị giá gần 1 tỷ đồng được nhựa hóa phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Phan Nga

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc khó, việc phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Tập trung vào việc khó, việc phức tạp

Những năm qua, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Để bảo đảm tiến độ công tác GPMB, tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, thực hiện “dân vận khéo” nhằm thông suốt tư tưởng của các hộ dân bị ảnh hưởng.

Phường Trúc Lâm (thị xã Nghi Sơn) là địa phương bị ảnh hưởng của nhiều dự án đang triển khai trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, vì vậy, khi triển khai Dự án đường Đông Tây 1 kéo dài có chiều dài 1,8 km qua địa bàn phường với 257 hộ dân bị ảnh hưởng, cấp ủy, chính quyền phường đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, vận động, đối thoại với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng chí Nguyễn Quốc Đạt, bí thư đảng ủy phường, cho biết: Công tác bồi thường GPMB tưởng chừng sẽ gặp khó khăn, khi các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn còn những kiến nghị về đơn giá bồi thường và khối lượng vật kiến trúc, tài sản trên đất cần kiểm tra lại. Trước những thắc mắc của các hộ dân, chính quyền phường đã phối hợp với Hội đồng GPMB thị xã đến từng hộ dân tiến hành kiểm kê lại vật kiến trúc, tài sản trên đất và bổ sung vào dự toán áp giá bồi thường. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ làm công tác dân vận đã gặp gỡ, đối thoại giải thích cho người dân những lợi ích lâu dài cho quê hương khi dự án hoàn thành. Nhờ làm tốt công tác dân vận, đến nay, các hộ dân đã cơ bản đồng thuận, tự tháo dỡ công trình và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, chỉ còn 8 hộ có vướng mắc về đất đai đã chuyển thanh tra thị xã giải quyết theo đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, các dự án khác cũng được Đảng ủy, UBND phường Trúc Lâm, hệ thống dân vận cơ sở tập trung triển khai khá bài bản và thành công, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Nói về vai trò của công tác dân vận tại cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Nga Bạch (huyện Nga Sơn) Mai Văn Hà đánh giá, nếu không có “cánh tay nối dài” tại các khu dân cư, sẽ khó thực hiện tốt được các nhiệm vụ chính trị. Năm 2019, tình trạng chợ cóc, chợ tạm, xả rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường tại địa phương đang là vấn đề nóng do người dân nơi đây không có thói quen thu gom rác thải. Trước tình hình trên, cùng với việc xây dựng kế hoạch, đề án thu gom rác thải; ký hợp đồng với Công ty TNHH Vệ sinh môi trường Nga Sơn thu gom rác thải 2 lần/tuần, các cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ, các đoàn thể của xã đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia dọn vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật của tuần cuối tháng; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người, chỉ từng việc”, chỉ trong vòng 3 tháng, các vi phạm trong lĩnh vực môi trường được giải quyết ổn thỏa, chấm dứt tình trạng họp chợ bừa bãi, lòng tin của Nhân dân được nâng lên, xã đã đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Bài 3: “Dân vận khéo” trong giải quyết vụ việc nảy sinh từ cơ sở

Một buổi tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình khu dân cư “sáng - xanh - sạch - đẹp” tại bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh).

Không chỉ tập trung vào những việc mới, việc khó, thực tế tại các địa phương cho thấy phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, rộng khắp. Toàn tỉnh đã xây dựng được 8.419 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đề ra. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các mô hình với nhiều cách làm sáng tạo như: Mô hình “Trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “Cánh đồng, dòng sông không rác thải”, “Sản xuất rau an toàn”, “Cấy lúa thông minh”... Toàn tỉnh có 148 xã, 1.635 thôn đã được công nhận đơn vị “Dân vận khéo”, 96 xã, 220 thôn được tỉnh công nhận và tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.

Bớt hành chính, gần dân hơn

Chính quyền và công tác dân vận của chính quyền có vai trò hết sức quan trọng trong công tác dân vận của hệ thống chính trị, có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận của chính quyền, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Một trong những nét nổi bật của công tác dân vận của chính quyền ở Thanh Hóa đó là: Chính quyền ngày càng gần dân hơn, hiểu dân hơn, nghe dân nói nhiều hơn; người dân tin tưởng, đồng thuận hơn với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Có được kết quả đó là cả một quá trình từ nhận thức đến hành động, đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 2543-QĐ/TU về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quyết định số 2916-QĐ/TU về ban hành Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân định kỳ; tăng cường việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, những vấn đề bất cập, bức xúc phát sinh ở cơ sở. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu chính quyền với người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Điển hình trong năm 2018 và năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm như: Tiếp xúc đối thoại với Nhân dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) về việc thực hiện công tác GPMB dự án Cảng container Long Sơn; đối thoại với các hộ kinh doanh xe điện ở TP Sầm Sơn; đối thoại với các hộ dân xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa về việc di dời bến neo đậu bè, mảng để thực hiện Dự án du lịch sinh thái biển Hải Tiến; đối thoại với Nhân dân xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa về vấn đề quản lý đất đai của chính quyền cơ sở; đối thoại với công nhân Xí nghiệp gạch Đông Văn, huyện Đông Sơn về việc giải quyết quyền lợi cho công nhân; đối thoại với các hộ dân thôn Hồng Thắng, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn về bồi thường GPMB...

Điều nhận thấy, sau những cuộc đối thoại trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, các vụ việc bức xúc, nổi cộm được hòa giải, không phát sinh thành điểm nóng, phức tạp. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nhiều nơi đã thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân ở địa phương mình như: TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa; các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Như Thanh... Thông qua đối thoại trực tiếp các vấn đề bức xúc, phát sinh được giải quyết kịp thời, giảm đơn thư, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân với chính quyền địa phương.

Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh Thanh Hóa được cải thiện qua các năm. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa xếp thứ 24 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2018; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, dù chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, song Thanh Hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm (GRDP) ước đạt 3,7%. Các chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; thu ngân sách Nhà nước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công,... đều đạt từ 50% kế hoạch trở lên và tăng so với cùng kỳ. Tỉnh vừa tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay cả về số dự án và số vốn ghi nhớ, đăng ký đầu tư, với 34 dự án, tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, trong đó có 19 dự án với tổng vốn 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư.

Để có được những kết quả trên, theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy, công tác dân vận của tỉnh đang từng bước được đổi mới, khắc phục tình trạng hành chính hóa, đi vào cụ thể hơn. Trong công tác dân vận của chính quyền, bên cạnh việc chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đẩy mạnh giám sát thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, trong đó tập trung giám sát chuyên đề những vấn đề, nội dung “nóng” dễ phát sinh tiêu cực như: GPMB, quản lý đất đai, chế độ, chính sách... để có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống dân vận từ tỉnh đến 5.950 tổ dân vận ở cơ sở cũng chủ động vào cuộc theo đúng tinh thần “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Khi các đối tượng từ vùng dịch trở về địa phương phải thực hiện cách ly, cán bộ dân vận vừa nắm bắt tâm tư, động viên Nhân dân, vừa huy động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ cả về vật chất, tinh thần. Chính sự vào cuộc này đã góp phần quan trọng giúp tỉnh đang khống chế tốt dịch bệnh và tạo niềm tin lớn trong Nhân dân.

Thanh Hóa đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn để phát triển. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra với hệ thống dân vận các cấp càng thêm nặng nề. Vì thế, mới đây (tháng 3-2020), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã có phát biểu chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận trong tỉnh phải không ngừng đổi mới, bám sát những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn để triển khai nhiệm vụ thực sự linh hoạt, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, công tác dân vận ở cơ sở phải công khai, minh bạch theo đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng, không để dân chủ cơ sở chỉ là hình thức; các cán bộ làm công tác dân vận phải tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; gần dân, sát dân, hiểu dân. Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp cần có nhiều kế hoạch, đề án và nhiều mô hình “Dân vận khéo” hơn, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, để công tác dân vận thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận từ cơ sở.

Phan Nga

Bài 4: Nâng cao chất lượng công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]