(Baothanhhoa.vn) - Thông qua đối thoại giúp cho người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Để hoạt động đối thoại mang lại hiệu quả nhiều mặt

Thông qua đối thoại giúp cho người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Nhân dân thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung) đồng lòng xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Phan Nga

Đối thoại trực tiếp là cầu nối quan trọng để cấp ủy, chính quyền gần dân, sát dân hơn. Qua tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời giải đáp, giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, nổi cộm. Đối thoại cũng là một kênh tuyên truyền, vận động quần chúng hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Song để hoạt động đối thoại mang lại hiệu quả nhiều mặt, có nhiều điều cần quan tâm.

Tránh hình thức

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh, tuy mới triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cấp xã với người dân đã tạo được làn gió mới ở cơ sở, không khí đối thoại mang tính xây dựng cao, gắn với thực tiễn địa phương và thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền cấp xã. Việc tổ chức hội nghị đối thoại đã thật sự phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền. Đây là dịp để người đứng đầu UBND cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Đồng thời, giúp cho các cấp, các ngành rà soát lại, bổ sung nhiệm vụ công tác điều hành, quản lý hành chính ngày càng sát hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Thông qua đối thoại, vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân của MTTQ cũng được nâng lên, vai trò giám sát và phản biện xã hội, việc thực hiện dân chủ cơ sở và vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được phát huy.

Tuy nhiên, qua lần đầu tiên tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân (năm 2017) nên công tác chuẩn bị, quy trình, cách thức tổ chức đối thoại trực tiếp ở mỗi địa phương, cơ sở còn khác nhau; nhiều nơi công tác điều hành của chủ tịch ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn còn lúng túng chưa định hướng được trọng tâm nội dung đối thoại, thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo phối hợp với văn phòng UBND xã, phường, thị trấn trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội nghị. Nhiều nơi chưa dành nhiều thời gian cho đối thoại với nhân dân, còn nặng về báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội. Còn một số đồng chí chủ tịch UBND xã chưa nắm chắc các chủ trương nên lúng túng khi trả lời, chưa đi vào nội dung cụ thể vấn đề nhân dân có ý kiến đối thoại, còn biểu hiện né tránh...

Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, một số nơi người dân còn lẫn lộn giữa đối thoại với tiếp xúc cử tri, chất vấn cả những nội dung không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND xã, các ý kiến đối thoại còn quá tập trung vào các vấn đề liên quan đến giải quyết quyền lợi của người dân (điện, đường, trường, trạm, chế độ chính sách), chưa nêu được những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành chung của chính quyền địa phương, cũng như ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Trong khi mục đích của cuộc đối thoại, ngoài giải quyết các vấn đề bức xúc còn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Đánh giá rút kinh nghiệm sau các cuộc đối thoại, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cơ sở trong việc tổ chức, điều hành hội nghị đáp ứng đúng tinh thần đối thoại, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề nghị chính quyền một số địa phương trong trả lời cần ngắn gọn, đi vào cụ thể, trọng tâm từng vấn đề mà nhân dân nêu; cái gì thuộc thẩm quyền trách nhiệm của cơ sở, cái gì làm được, cái gì không và yêu cầu phải xác định rõ thời gian giải quyết, không né tránh vấn đề hoặc trả lời chung chung.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng: Do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ chưa đầy đủ về chủ trương tổ chức hội nghị đối thoại, còn có tư tưởng sợ hội nghị đối thoại làm phức tạp tình hình cơ sở, do vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ theo kế hoạch. Năng lực của một số đồng chí chủ tịch MTTQ còn hạn chế nên việc chủ trì, điều hành hội nghị chưa linh hoạt; chủ tịch UBND một số xã đôi khi còn trả lời vòng vo, né tránh, chưa thỏa mãn nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí của nhân dân tham gia các hội nghị đối thoại không đồng đều, nên đặt ra nhiều câu hỏi không đúng trọng tâm, vượt xa thẩm quyền của người đối thoại. Ở một số nơi sự phối hợp giữa MTTQ với chính quyền còn hạn chế dẫn tới triển khai chậm, cán bộ còn tâm lý ngại đối thoại nên việc xây dựng kế hoạch chưa bảo đảm, thành phần tham gia đối thoại chủ yếu là cán bộ khối xóm, trưởng các chi hội đoàn thể, cán bộ, công chức, chưa có nhiều đại biểu là người dân tham gia. Việc đối thoại giữa lãnh đạo xã với người dân một số nơi còn nặng tính phản ánh, tiếp xúc, chưa rõ tính đối thoại, chưa gợi mở được cho người dân tham gia chất vấn về những vấn đề liên quan đến cơ sở và trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Thuyết thì vấn đề quan trọng là sau đối thoại MTTQ các cấp phải làm tốt vai trò giám sát việc thực hiện “lời hứa” trước dân của chính quyền địa phương, hướng tới mục tiêu chung là kịp thời giải quyết bức xúc, nảy sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.

Đưa hoạt động đối thoại đi vào nền nếp

Khi nói về việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền và người dân, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa cho biết: Khác với tiếp xúc cử tri, hội nghị đối thoại là dân hỏi, chính quyền trả lời, những vấn đề thuộc thẩm quyền được giải đáp ngay tại hội nghị, những vấn đề không thuộc thẩm quyền hoặc cần kiểm tra, làm rõ, chủ tịch UBND phường, xã phải trả lời ngay sau hội nghị cho người dân được biết. Qua thực tiễn cho thấy nếu thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, đây sẽ là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, giúp hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gần dân, do dân, vì dân.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Sơn, bày tỏ: Việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền cấp xã với người dân là cần thiết, việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận giải quyết vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo chính quyền trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân.

Là người trong cuộc, đồng chí Hà Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) ví von mỗi cuộc đối thoại là một kỳ sát hạch, người dân đánh giá cán bộ có “thuộc bài”, “trả bài” đầy đủ không, có nghĩa là anh có nắm chắc tình hình, công tác chỉ đạo, điều hành đã đúng, trúng với những vấn đề, yêu cầu thực tiễn địa phương chưa. Qua đối thoại, không chỉ người đứng đầu mà mỗi cán bộ, công chức đã có những đổi mới trong lề lối, tác phong làm việc khoa học hơn, sắp xếp công việc hợp lý hơn.

Để tăng hiệu quả đối thoại, theo đồng chí Hoàng Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa: Việc thực hiện lời hứa hay không thực hiện lời hứa thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân tại các hội nghị đối thoại cần được xem xét khi đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm, phải coi đó là thước đo về năng lực, trình độ, thái độ, trách nhiệm, khả năng hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được giao.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, đưa hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đi vào nền nếp, ngày 17-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 2543–QĐ/TU về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quy chế quy định đối tượng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức và chế độ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện kết luận sau hội nghị đối thoại.

Theo quy chế người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đối thoại định kỳ với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã đối thoại định kỳ với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân định kỳ ít nhất 2 lần/năm vào thời điểm cuối tháng 6 và tháng 12 hằng năm. Việc đối thoại đột xuất được thực hiện trong trường hợp phát sinh các vấn đề cần được giải quyết. Thông qua đối thoại giúp cho người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp chính đáng của nhân dân. Qua việc đối thoại, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân...

Quy định cũng nêu cụ thể: Chậm nhất sau 20 ngày làm việc sau khi có thông báo kết luận của người chủ trì đối thoại, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả tiếp thu, giải quyết đến người có ý kiến tại hội nghị đối thoại, báo cáo với bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, UBND cùng cấp để theo dõi chỉ đạo, đồng thời gửi cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát.

Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 2543–QĐ/TU được kỳ vọng hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân sẽ đi vào nền nếp, với chất lượng, hiệu quả của mỗi cuộc đối thoại ngày càng được nâng cao.


Phan Nga và Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]