(Baothanhhoa.vn) - Tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ đến ngày sinh nhật Bác. Và, tháng 5 cũng là dịp kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam. Thế nên những cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân càng nhớ hơn những lời căn dặn của Bác dành cho họ. Bác nói “Đồng bằng là nhà mà biển là cửa”, vì vậy canh giữ biển, đảo cũng chính là “canh cửa cho Tổ quốc”. Và những người đang làm nhiệm vụ ấy là đồng bào miền biển và đặc biệt là những lực lượng bảo vệ biển đảo, trong đó có hải ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Hồ và những người “canh cửa cho Tổ quốc”

Tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ đến ngày sinh nhật Bác. Và, tháng 5 cũng là dịp kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam. Thế nên những cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân càng nhớ hơn những lời căn dặn của Bác dành cho họ. Bác nói “Đồng bằng là nhà mà biển là cửa”, vì vậy canh giữ biển, đảo cũng chính là “canh cửa cho Tổ quốc”. Và những người đang làm nhiệm vụ ấy là đồng bào miền biển và đặc biệt là những lực lượng bảo vệ biển đảo, trong đó có hải quân.

Các CCB hải quân Thanh Hóa dưới chân tượng đài Bác.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vừa tròn 1 năm, ngày 7 - 5 - 1955, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Với sự ra đời của đơn vị tiền thân là Cục Phòng thủ bờ biển, ngày 7-5-1955 đã được lấy làm ngày thành lập lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để nâng cao tinh thần cảnh giác và tinh thần chiến đấu của hải quân và nhân dân miền biển, vào ngày 10-4-1956, tại hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chủ tịch đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Năm 1961, khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Tôi đã tìm gặp những người lính quân phục trắng năm xưa đã từng gặp Bác Hồ để được nghe kể những câu chuyện xúc động về Bác, về tình cảm của Bác dành cho hải quân nhân dân Việt Nam.

Tại xã Hoằng Lương (Hoằng Hóa), tôi được gặp cựu chiến binh (CCB) Hoàng Tiến Lực, một “cây đa, cây đề” của lực lượng CCB hải quân ở Thanh Hóa. Ông có cơ duyên được gặp Bác Hồ vào ngày 13-11-1962, khi đang làm phân đội trưởng phân đội 1 tàu phóng lôi T313 Tiểu đoàn 135, đóng quân trên đảo Vạn Hoa (tỉnh Quảng Ninh). Ông Lực kể, sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, sinh hoạt của đơn vị, Bác rút từ túi áo ngực ra một chiếc đồng hồ quả quýt, giơ lên và hỏi: “Các chú thấy cái mặt đồng hồ này có những gì nào?” Mọi người trả lời: “Thưa Bác có chữ số, kim giờ, kim phút ạ” Bác lại hỏi: “Chữ số đứng hay chạy?” “Dạ thưa chữ số đứng yên ạ!” “Kim thì thế nào?” “Kim thì chạy ạ!” Bác bảo: “Đúng rồi. Vậy đơn vị của các chú cũng giống như cái đồng hồ. Người thì làm việc này, người thì làm việc khác, người thì phụ trách máy, người làm công tác thông tin, người thì pháo, người ở trên bờ, người ở dưới tàu. Nếu bây giờ cứ đòi hỏi phải chuyển vị trí công việc, tôi ở dưới tàu lâu rồi giờ phải cho tôi lên bờ để đỡ say sóng, hay tôi ở trên bờ lâu rồi cho tôi xuống tàu để đi đây đi đó, thì hỏi rằng đơn vị có mạnh hay không? Nếu chữ số muốn chạy, kim muốn đứng thì có làm được không? Cho nên bất cứ công việc gì, nếu các chú làm tốt, làm tròn nhiệm vụ của mình thì đều là vẻ vang cả”. Gần trưa, ông Lực cùng 2 đồng chí được đơn vị giao nhiệm vụ làm cơm cho Bác, nhưng hóa ra Bác đã cho chuẩn bị bữa ăn từ trước. Nhìn suất ăn của Bác, một vị Chủ tịch nước mà dùng bữa chỉ có cá kho, mắm tép, tô canh với mấy quả cà, ông Lực rất xúc động. Lúc Bác ra về, ai cũng muốn theo sau để được gần Bác. Một đồng chí bám sát quá, lúng túng thế nào dẫm trật cả quai dép của Bác. Bác cúi xuống tự sửa dép và vui vẻ bảo: “Chú nào sửa hộ dép cho Bác nào!” Đồng chí chủ nhiệm hậu cần nói đùa: “Thưa Bác dép của Bác cũ quá rồi, Bác tặng lại để cháu giữ làm kỷ niệm, cháu tặng Bác đôi giày mới ạ”. Bác mắng yêu: “Chú này khôn thế, đôi dép của Bác là đôi hài vạn dặm, đi rừng, lội suối, trèo đèo đều được, chú lại muốn đổi à?”.

Tận mắt nhìn thấy hình ảnh Bác tự tay sửa lại đôi dép cao su bị đứt quai, ông Lực vô cùng cảm phục bởi lối sinh hoạt giản dị, tiết kiệm và tác phong chuẩn mực của vị lãnh tụ cao nhất nước. Những lời căn dặn chân tình, sâu sắc của Bác đã trở thành sức mạnh tinh thần cổ vũ hành động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng hải quân.

CCB Trương Tiến Ba ở phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) cũng có may mắn ba lần gặp Bác, đưa đón Bác khi Người đến thăm lực lượng hải quân. Trong mỗi lần gặp, hình ảnh và tác phong sinh hoạt giản dị nhưng rất mô phạm của Bác thể hiện trong từng việc nhỏ khiến ông Ba vô cùng xúc động và lấy đó làm gương để học tập, rèn luyện bản thân suốt cuộc đời. Ông Ba còn nhớ rất rõ tác phong rất mô phạm của Bác, dù là lãnh tụ cao nhất nước, nhưng khi xuống tàu Bác chấp hành rất nghiêm điều lệ hoạt động của tàu từ những điều nhỏ nhất. Khi rửa mặt, Bác chắt một ít nước ra chậu nhỏ vừa dùng, còn lại bảo anh em cất đi. Bác hướng dẫn anh em cách nấu cơm, xếp củi, để nước thế nào cho gọn gàng, sạch sẽ và tiết kiệm. Khi lên đảo, anh em bày ra đủ thứ để thết đãi Bác, Người liền nhắc nhở anh em không được hoang phí và làm gương luôn, khi dùng cơm, Bác ăn vừa suất và không để thừa. Cho đến bây giờ, sau hàng chục năm rời quân ngũ, kinh qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, rồi về hưu làm công tác CCB tại địa phương, ông Trương Tiến Ba vẫn luôn ghi nhớ và làm theo Bác cách sống giản dị, tiết kiệm.

Năm 1961, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn Tàu Không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, được gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông”. CCB Văn Đình Nhu là một trong những người lính của Đoàn 125 ngày ấy, hiện ở thành phố biển Sầm Sơn. Trong chuyến đi trên Tàu 56 vào Bà Rịa Vũng Tàu cuối năm 1964 đầu năm 1965, ông Nhu cùng đồng đội vừa giao hàng xong thì đúng thời khắc giao thừa, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng lời Bác Hồ đọc thơ chúc tết, lời thơ như tiếp thêm nguồn lực tinh thần to lớn khiến anh em vô cùng phấn chấn. Chuyến tàu này đã cung cấp một lượng lớn vũ khí cho chiến dịch Bình Giã, góp phần tạo nên chiến thắng giòn giã, giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Sài Gòn.

CCB Nguyễn Thiện Phùng ở Hàn Thuyên (TP Thanh Hóa) kể rằng, tháng 8-1969, khi sức khỏe của Bác rất yếu, quân dân cả nước trong tâm trạng phấp phỏng lo âu mỗi ngày. Đơn vị của ông là tàu 403 được giao một nhiệm vụ đặc biệt: Vào khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc tỉnh Quảng Bình khai thác tổ yến về cung cấp cho hậu cần chế biến để Bác bồi dưỡng. Thế nhưng dù có sự chăm sóc tận tình, chu đáo, Người vẫn không qua khỏi. Khi Bác mất, ông Nguyễn Thiện Phùng và ông Hoàng Tiến Lực đã có mặt trong hàng binh của lực lượng hải quân dự lễ tang Người tại Quảng trường Ba Đình. Một trăm cán bộ, chiến sĩ hải quân chỉ xếp một hàng dọc, màu áo quân phục trắng. Ông Lực làm công tác huấn luyện nên có nhiệm vụ đi lên đi xuống kiểm tra, nhắc nhở anh em đứng đúng quy định. Ngay sau lễ truy điệu, các đơn vị lần lượt vào viếng Bác.

Trong dịp ra Hải Phòng, tôi đã đến thăm Bảo tàng Hải quân. Tại đó có rất nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Thanh Hóa, trong đó có bức chân dung của nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công, quê xã Quảng Nham (Quảng Xương). CCB Nguyễn Thiện Phùng đã kể cho tôi nghe: Có lần đến thăm, ông thấy 2 ống chân của Tư lệnh Đỗ Xuân Công chằng chịt vết sẹo đen kịt, hỏi ra thì biết đó chính là những vết cứa của san hô, vỏ hàu sau hàng chục năm đi tuần trên đảo. Một hiện vật nữa là bức ảnh 5 người lính trên Tàu Không số, trong đó có ông Lê Duy Mai quê huyện Tĩnh Gia. Họ là những người may mắn sống sót sau sự kiện Tàu 235 chiến đấu và hy sinh ở Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa). Khi hủy tàu bơi vào bờ và bị địch truy lùng ráo riết, họ đã luồn lách trong rừng sâu suốt 13 ngày đêm, uống nước vắt từ mùn gỗ hốc cây, ăn ốc sên cho đến khi được du kích phát hiện, cứu sống. Hiện vật thứ ba là chiếc bánh lái Tàu 42, vật kỷ niệm gắn bó với CCB Vũ Trung Tính cũng quê ở huyện Tĩnh Gia, trong rất nhiều chuyến đi của Tàu Không số đưa vũ khí vào Nam. Ông Tính có biệt tài dò đường hàng hải bằng thiên văn rất tốt, dù trong tay không hề có hải đồ ông vẫn dẫn tàu đi về an toàn chỉ bằng ánh trăng sao và con nước thủy triều, vì vậy đã thực hiện tới 18 chuyến đi thành công. Đơn vị Tàu 42 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, thành tích ấy có sự đóng góp công lao rất lớn của ông Tính. Ngoài ra trong bảo tàng còn có nhiều hiện vật khác như bức ảnh tàu hải quân phối hợp với dân quân địa phương chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng – còn có tên gọi là cầu 19-5 (vì được khánh thành vào đúng ngày sinh của Bác). Khẩu súng 14,5 ly của các cụ lão dân quân Hoằng Trường và những mảnh xác chiếc máy bay do quân dân Thanh Hóa bắn rơi tại đảo Mê vẫn còn đó... Những tư liệu, hiện vật ấy hiện diện trong Bảo tàng Hải quân đã đủ nói lên công lao, thành tích to lớn của những người con xứ Thanh trong lực lượng hải quân và nhân dân Thanh Hóa trong kháng chiến. Và đây cũng chính là những món quà quý giá dâng lên Đảng, Bác Hồ kính yêu trong những chặng đường đấu tranh cách mạng của người xứ Thanh.

Ngày nay, ngư dân các vùng biển Thanh Hóa đã và đang đóng những con tàu lớn vươn khơi xa, làm cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo. Nhiều người con Thanh Hóa đang có mặt ở hầu khắp các vùng biển đảo thân yêu, làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng. Theo lời Bác Hồ dặn, đồng bào và cán bộ, chiến sĩ các vùng biển đảo luôn làm tốt vai trò “những người canh cửa cho Tổ quốc”. Xứ Thanh tự hào vì có những người con luôn sẵn sàng cống hiến, hy sinh để giữ gìn biển đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nối dài những chiến công, làm dày thêm pho sử vàng truyền thống của quê hương.

Mai Hương ( Đài PTTH Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]