(Baothanhhoa.vn) - Với mong muốn cải thiện đời sống tinh thần cho người dân, kích thích nhu cầu giao thương hàng hóa và tạo thêm sản phẩm thu hút du khách, phát triển du lịch, nhiều địa phương ở huyện Quan Hóa đã tổ chức đưa vào hoạt động mô hình chợ phiên đêm. Dù thời gian hoạt động chưa lâu, song mô hình này đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Thiết thực mô hình chợ phiên đêm ở huyện vùng biên Quan Hóa

Với mong muốn cải thiện đời sống tinh thần cho người dân, kích thích nhu cầu giao thương hàng hóa và tạo thêm sản phẩm thu hút du khách, phát triển du lịch, nhiều địa phương ở huyện Quan Hóa đã tổ chức đưa vào hoạt động mô hình chợ phiên đêm. Dù thời gian hoạt động chưa lâu, song mô hình này đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Thiết thực mô hình chợ phiên đêm ở huyện vùng biên Quan HóaNgười dân thưởng thức văn nghệ trong chợ phiên đêm thị trấn Hồi Xuân.

Chợ phiên đêm thị trấn Hồi Xuân được UBND thị trấn Hồi Xuân tổ chức khai trương vào dịp đầu năm 2024, đến nay đã dần tạo được thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân xa gần. Phiên chợ được tổ chức duy nhất 1 lần trong tháng, vào ngày 15, với nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện được bày bán. Ngoài các sản phẩm OCOP như kẹo nhãn, mật ong, măng khô, gạo nếp,... phiên chợ còn có nhiều món ẩm thực vùng cao, như: thịt trâu gác bếp, thắng cố, bánh ú, cá nướng... Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự được quan tâm thường xuyên.

Không chỉ mang đặc trưng về hàng hóa, chợ phiên đêm thị trấn Hồi Xuân còn có nhiều tiết mục đặc sắc do các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thị trấn biểu diễn. Đó là những điệu múa, điệu khặp, tiếng sáo, tiếng khèn mang đậm sắc thái văn hóa vùng cao, luôn thu hút sự tò mò, thích thú của những du khách phương xa.

Trong một lần về huyện Quan Hóa trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Bút, xã Nam Xuân, cách trung tâm huyện không xa, được tham quan chợ phiên đêm thị trấn Hồi Xuân, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, ở xã Vạn Mai, huyện Mai Châu (Hòa Bình) rất thích thú. Chị cho biết: “Hàng hóa trong phiên chợ đều rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có. Nhưng thích hơn là tôi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ của bà con nơi đây, vừa vui tươi, nhộn nhịp vừa gần gũi. Nhờ vậy mà tôi thêm hiểu về truyền thống văn hóa của vùng đất và người dân nơi đây”.

Được biết, để duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ trong chợ phiên đêm, thị trấn Hồi Xuân đã giao cho các khu phố tổ chức cho đội văn nghệ tập luyện, biểu diễn luân phiên. Từ đây, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn cũng trở nên sôi nổi hơn, với sự tham gia của nhiều thành phần, lứa tuổi. Họ tự sáng tạo, biên đạo các điệu múa, điệu khèn rồi tổ chức tập luyện và biểu diễn, với mong muốn được quảng bá về hình ảnh, nét đẹp của khu phố mình.

Cũng đi vào hoạt động từ đầu năm nay, chợ phiên đêm Trung Sơn đã được duy trì đều đặn vào tối thứ 6 hàng tuần. Tuy chưa có chương trình văn nghệ, nhưng mặt hàng trong chợ khá phong phú, đa dạng và mang đậm đặc trưng vùng cao. Trong khi đó, do ở địa bàn giáp ranh với các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và huyện Mường Lát, nên chợ phiên đêm Trung Sơn hoạt động khá nhộn nhịp. Điều này đã tạo ra sự thích thú cho du khách khi về đây tham quan, trải nghiệm du lịch lòng hồ Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.

Theo ông Phạm Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, chợ Trung Sơn được Nhà nước đầu tư, đưa vào sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm tiếp tục phát huy cơ sở hạ tầng chợ và tiềm năng, lợi thế của xã, Trung Sơn tổ chức duy trì mô hình chợ phiên đêm, ngoài nhằm khuyến khích nhu cầu giao thương buôn bán, phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, còn hướng đến tạo thêm sản phẩm để thu hút du khách, phát triển du lịch trên địa bàn xã. Qua hơn 7 tháng đi vào hoạt động, mô hình này đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, có thêm phiên chợ đêm, thêm khách hàng, bà con tiểu thương cũng có thêm nguồn thu nhập. Anh Lương Văn Nhận (SN 1986), ở bản Ta Bán, xã Trung Sơn, một tiểu thương kinh doanh ẩm thực trong chợ Trung Sơn chia sẻ: “Được bán hàng trong chợ, với tôi đã là may mắn rồi. Mỗi ngày, trừ các loại chi phí, gian hàng của gia đình tôi cho thu nhập trung bình khoảng 400 nghìn đồng. Từ khi chợ đêm được mở, lượng khách hàng nhiều hơn, thu nhập từ cửa hàng của tôi cũng tăng thêm”.

Có thể thấy, việc tổ chức và duy trì được mô hình chợ phiên đêm ở xã Trung Sơn và thị trấn Hồi Xuân đã khẳng định sự cần thiết và đúng đắn, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Đồng thời khẳng định sự linh hoạt, sáng tạo trong cách làm để phát triển du lịch ở huyện vùng biên Quan Hóa.

Bà Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, cho biết: Trong định hướng phát triển du lịch, huyện Quan Hóa tổ chức đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Mô hình chợ phiên đêm tại thị trấn Hồi Xuân và xã Trung Sơn ra đời trong hoàn cảnh ấy. Thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện sẽ tích cực, chủ động hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức đa dạng, phong phú thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ và xây dựng thương hiệu riêng biệt cho những khu chợ này gắn với đặc trưng, đặc sản vùng cao, biên giới. Thông qua đó, không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương mà còn tạo thêm sức hấp dẫn du khách về Quan Hóa tham quan, trải nghiệm.

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]