Thầy giáo quân hàm xanh miệt mài “gieo chữ” nơi biên cương
Bám sát địa bàn, gần gũi người dân bản địa, Thiếu tá Hơ Văn Di, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hiền Kiệt (Quan Hóa) đã có gần 25 năm đồng hành với các lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Mông nơi biên cương của Tổ quốc.
Thiếu tá Hơ Văn Di dạy học buổi tối cho bà con dân tộc Mông. Ảnh: Anh Tuân
Sinh ra và lớn lên ở bản Mông, xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát, từ nhỏ Thiếu tá Di đã mang quyết tâm học tập để trở thành người cán bộ giỏi, sau có thể giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp. Ước mơ ấy được anh ấp ủ và dần hiện thực hóa. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng 1, đến nay Thiếu tá Hơ Văn Di đã có gần 25 năm miệt mài trên hành trình “gieo chữ” nơi vùng cao.
Xã Trung Lý (Mường Lát) là nơi anh Di gắn bó lâu nhất (gần 20 năm). Chừng ấy năm anh được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ “cắm bản” Mông. Lớp học xóa mù tại bản Khằm 2, xã Trung Lý đều đặn được anh duy trì vào buổi tối các ngày trong tuần. Học viên của lớp xóa mù đa phần là phụ nữ, họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có người đã thành bà và cũng có người đang nuôi con nhỏ... Chính sự am hiểu tập quán, văn hóa và nói được tiếng Mông, tiếng Thái đã giúp anh gần gũi với bà con hơn, giúp lớp học sôi nổi và hào hứng. Hơn 19 giờ, tiếng í ới gọi nhau đi học, những ánh đèn pin từ cuối bản soi sáng con đường đất gập gềnh tới lớp.
Chị Thào Thị Xay, học viên lớp xóa mù bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát chia sẻ: “Nghe thầy Di nói đồng bào mình cũng cần phải biết cái chữ. Biết chữ để tìm hiểu trồng cây ngô, cây lúa không bị sâu bệnh, đạt năng suất cao; nuôi con trâu, con bò, con lợn nhanh lớn... Mình biết chữ để nuôi dạy con cái tốt, để không bị kẻ xấu lừa gạt; muốn bán con gà con vịt đúng cân, đúng lạng cũng phải biết chữ”.
Từ năm 2019 đến khi chuyển công tác về Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, Thiếu tá Hơ Văn Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở thành công 6 lớp xóa mù chữ, với tổng cộng trên 250 học viên tại bản Khằm 1, Khằm 2 và Pa Búa.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Lý Ngân Thị Vân, cho biết: Thiếu tá Hơ Văn Di được bà con gọi thân thương là “Thầy Di biên phòng”. Có được sự tin yêu đó, thầy Di đã trải qua quá trình khắc phục khó khăn, học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, vận động bà con, truyền đạt kiến thức cho người khác một cách đơn giản, dễ hiểu. Từ tình cảm, trách nhiệm của mình, Thiếu tá Hơ Văn Di đã để lại dấu ấn trong lòng bà con các dân tộc và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi vùng biên Trung Lý”.
Tháng 6/2023, Thiếu tá Hơ Văn Di về nhận nhiệm vụ công tác tại Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, đơn vị quản lý xã biên giới của huyện Quan Hóa. Đây cũng là xã còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tình trạng tái mù chữ và mù chữ vẫn còn diễn ra, đặc biệt là các bản giáp biên giới. Với kinh nghiệm công tác gần 25 năm vùng biên giới, Thiếu tá Hơ Văn Di nhận thấy những người dân nơi đây mỗi người đều một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cái nghèo, cái khó, cái lạc hậu thì gần giống nhau. Nhận nhiệm vụ của Chỉ huy đơn vị, Thiếu tá Hơ Văn Di và cán bộ, chiến sĩ đơn vị bắt đầu bằng việc lặn lội đến từng hộ gia đình có người mù chữ để vận động họ đi học.
Ban đầu, công tác vận động không dễ dàng. Phần lớn bà con đều là lao động chính trong gia đình nên khi nghe về chuyện học chữ, họ phản đối: “Ta đi học cái chữ thì ai đi làm nương rẫy, đi chăn con bò con trâu cho ta”; “Cái chữ có đổi được xe máy không? Có đổi được gạo không?”...
Thấu hiểu tâm lý đó, anh Di không lùi bước mà kiên nhẫn gần dân, sát dân hơn, giải thích tỉ mỉ việc học sẽ mang lại lợi ích thế nào đến đời sống của bà con. “Mưa dầm thấm sâu”, với sự tận tụy, tình cảm gắn bó của anh và sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nói đúng cái lý, hợp cái tình, bà con đã nghe theo, cố gắng học lấy con chữ. Họ là những học trò đặc biệt, đó là các bà, các mẹ, các chị em người Mông, người trẻ nhất đã 30 tuổi, người già nhất ngoài 60 tuổi.
Thiếu tá Hơ Văn Di cho biết: “Là người con của bản Mông, tôi rất muốn góp một phần nhỏ công sức của mình giúp mọi người biết chữ, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống cho bà con. Đến nay, học viên tham gia lớp học đã đọc thông, viết thạo. Thông qua các buổi học đã lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với Nhân dân; tuyên truyền cho Nhân dân nắm được âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch... Hướng dẫn anh chị em trong lớp học cách phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước xóa bỏ các hủ tục”.
Mang quân hàm xanh trên vai, Thiếu tá Hơ Văn Di không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương mà còn mang đến ánh sáng tri thức cho đồng bào dân tộc Mông, giúp họ thoát mù chữ và từng bước thay đổi cuộc sống. Thiếu tá Hơ Văn Di, là một trong 60 gương giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Anh cũng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho Nhân dân khu vực biên giới.
Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-02-03 14:39:00
Gắn bó máu thịt với Nhân dân
-
2025-02-01 10:03:00
Tìm lại nhẫn kim cương trị giá hơn 1 tỷ đồng trong bãi rác
-
2025-01-21 12:47:00
Người cán bộ hội nhiệt huyết, trách nhiệm
Nữ thẩm phán tận tâm vì nhiệm vụ
Người cao tuổi nêu gương sáng
Người cán bộ mặt trận tận tâm với công việc
Người hết lòng vì bình yên thôn xóm
Dấu ấn phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Triệu Sơn
Chủ tịch công đoàn cơ sở năng động, hết lòng chăm lo cho người lao động
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Bí thư đoàn năng động, làm kinh tế giỏi