Thành hoàng làng Chu Văn Lương
Nằm bên sông Mã, đền thờ Chu Văn Lương trên đất làng Nam Ngạn (nay thuộc phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) là nơi thờ vị thành hoàng có công lập làng. Và Thành hoàng làng Chu Văn Lương cũng là nhân vật lịch sử, từng tham dự hội nghị Diên Hồng hiệu triệu quyết tâm đánh giặc Nguyên Mông năm xưa.
Bên trong đền thờ Chu Văn Lương. Ảnh: Khánh Lộc
Theo các tài liệu lưu giữ, Thành hoàng làng Nam Ngạn - Chu Văn Lương vốn quê gốc miền ngoài (được cho là thuộc vùng Hải Dương ngày nay). Ông nội là Chu Văn Huy có công sáng lập triều Trần, được vua Trần quý mến, phong tước hầu. Về sau, con trai là Chu Văn Bình (tức bố Chu Văn Lương) được hưởng “tập ấm”, kế thừa tước vị và được vua Trần gả nữ nhân trong hoàng tộc làm vợ. Ông Chu Văn Bình được biết đến là thầy thuốc giỏi, giàu lòng thương người nhưng lại muộn con. Trải qua thời gian mong mỏi, một đêm vợ ông là bà Trần Thị Lan mộng thấy điều kỳ lạ và không lâu sau thì mang thai, sau đó sinh ra Chu Văn Lương.
“Bảy tuổi Văn Lương đã đi học, mười ba tuổi đã thông kinh sử, lại biết võ nghệ. Mọi người tôn là thần đồng. Năm mười tám tuổi thì cha mẹ qua đời, ông chọn đất tốt sắm đủ lễ vật mai táng. Ba năm hết tang, ông dốc chí nghiền ngẫm đọc nhiều sách, dốc chí dạy học gọi là nối nghiệp cha... Bấy giờ ở sát Long Biên, việc giáo hóa chưa được mở mang, tam cương ngũ thường chưa được nhắc đến, ông biết cách vỗ về nhẹ nhàng, dạy dỗ. Sau đó dần dần mọi người biết lễ nghĩa” (sách Địa chí thành phố Thanh Hóa).
Vốn người đức độ, kiến văn sâu rộng, học trò nghe tiếng ông tìm đến theo học rất đông. Vua Trần mến mộ tài đức, đã cho gọi ông vào triều, phong chức Liệt hầu đồng Bình chương sự. Đồng thời, giao cho ông vào đất Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) kinh lý. Khi Chu Văn Lương đến đất Nam Ngạn bên bờ sông Mã, thấy cảnh vật, phong thủy tốt tươi, con người dẫu còn thưa thớt, học hành ít nhưng chất phác, hồn hậu nên đã quyết định ở lại đây, dựng nhà, mở trường dạy học. Từng bước tạo nên một vùng dân cư đông đúc.
Năm 1257, đứng trước họa xâm lăng từ phương Bắc, hưởng ứng lời hiệu triệu giúp nước của vua Trần, nhà giáo Chu Văn Lương đã cho mời người chú ruột là Chu Văn Chấn lúc này đang làm quan trên đất Thanh Hóa và những người thân tín chung chí hướng, được hơn 500 người, cùng rèn binh khí, luyện võ nghệ để đánh giặc.
Cuối tháng 1-1258, quân nhà Trần đánh lui quân Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng phía Đông Thăng Long), cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất sớm kết thúc. Vì diễn biến của chiến cuộc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên đội quân của Chu Văn Lương không kịp tham chiến. Dẫu vậy, đó lại là sự chuẩn bị đầy khí thế, có ý nghĩa quan trọng, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông về sau.
Sau khi quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, lập ra nhà Nguyên, với dã tâm bành trướng, Đại Việt trở thành mục tiêu xâm lược của quân Nguyên Mông. Hiểu rõ dã tâm của kẻ thù, vua tôi nhà Trần đã tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đầy khốc liệt.
Năm 1284, tại Thăng Long, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập phụ lão trong cả nước về họp ở điện Diên Hồng hỏi về kế sách đánh giặc. Cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai là thử thách đầy cam go đối với quân dân Đại Việt. Nhưng một ý chí đồng lòng đã nhất tề được hô lên: “Đánh”. Trong hội nghị Diên Hồng năm đó, Chu Văn Lương được mời về tham dự.
Sau hội nghị Diên Hồng, trở về đất Thanh, Chu Văn Lương cùng với người thân tín, gia nhân trên dưới và kêu gọi người dân xứ Thanh yêu nước chung sức tập luyện, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu chống giặc ngoại xâm.
Đầu năm 1285, quân xâm lược dưới sự chỉ huy của Trấn Nam vương Thoát Hoan tiến vào biên giới Đại Việt. Một đạo quân do tướng giặc Toa Đô từ phía Nam kéo ra Nghệ An với âm mưu cùng với đạo quân phía Bắc tạo nên gọng kìm tấn công quân nhà Trần. Lúc này, tướng Trần Quang Khải đón đánh Toa Đô ở Nghệ An, các dũng tướng họ Chu là Chu Văn Chấn (chú ruột Chu Văn Lương) và Chu Văn Luyện kéo quân từ Thanh Hóa vào tương trợ. Trước thế giặc mạnh, tướng quân Trần Quang Khải đã cho rút quân ra Thanh Hóa, quân giặc đuổi theo, trên đất Thanh Hóa đã xảy ra nhiều trận đánh lớn.
Tháng 4-1285, vua Trần rút vào Thanh Hóa, quân Toa Đô được Ô Mã Nhi tiếp viện đã trở lại Thanh Hóa để truy bắt nhà vua. Trước tình thế ấy, Nhân dân Thanh Hóa đã hợp sức cùng với quân đội nhà Trần đánh giặc.
Tương truyền, trước sự an nguy của mệnh nước, Chu Văn Lương đã tạm gác việc dạy học, chọn trong người nhà, thân tín dưới trướng hơn năm trăm người, đồng thời truyền đi các nơi trong huyện kêu gọi người dân cùng giúp vua, giúp nước. Nghe tiếng ông, người kéo về mỗi ngày thêm đông, tới hàng nghìn người. Ông cho khao quân, lại cho mời phụ lão Nam Ngạn đến dặn dò... rồi dẫn quân ra trận. Theo gia phả dòng họ Chu: “Triều đình rút vào Thanh Hóa, thái giám đại thần Chu Văn Nhi ở lại cùng Chu Văn Lương chỉ huy quân đánh giặc”.
Còn theo sách Danh nhân Thanh Hóa: “Sau hơn một tháng hành quân truy tìm hai vua Trần và quân đội chủ lực, Toa Đô và Ô Mã Nhi bị mệt mỏi và hao tốn lực lượng bởi các trận phục kích, đánh phá của lực lượng dân binh do các tướng ở địa phương chỉ huy, khiến chúng thất bại. Vua Trần cùng lực lượng quân đội chủ lực được bảo vệ an toàn ở đất Thanh Hóa”.
Tháng 5-1285, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tiến quân từ Thanh Hóa ra Bắc, hợp với các đạo quân khác đánh cho giặc Nguyên Mông đại bại, phải rút chạy về nước. Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai, khi bình công khen thưởng, có tên Chu Văn Lương. Tương truyền, bấy giờ vua nhà Trần mời ông ở lại Thăng Long làm quan trong triều, tuy nhiên ông đã xin được trở lại đất Nam Ngạn tiếp tục làm nghề dạy học, an yên với đời.
Năm Quý Tỵ (1293), Chu Văn Lương qua đời. Thương tiếc bề tôi đã dốc sức vì mệnh nước, vua Trần sắc phong ông là “Thượng đẳng phúc thần” để người dân Nam Ngạn lập đền thờ cúng. Tri ân công đức của ông, các triều đại về sau đã nhiều lần ban sắc phong, như: Đương Cảnh Thành hoàng kèm mỹ tự là “Tế thế hộ quốc Dực vận Hiển hựu Đại vương”; rồi Đại vương Thượng thượng đẳng thần. Đền thờ Chu Văn Lương trên đất Nam Ngạn đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Bí thư Chi bộ phố Nam Ngạn 1, kiêm Trưởng Ban quản lý di tích đền thờ Chu Văn Lương Lê Ngọc Thắng cho biết: “Liệt hầu đồng Bình Chương sự Chu Văn Lương là vị thành hoàng làng có công với đất nước, Nhân dân và vùng đất Nam Ngạn. Hằng năm, vào ngày sinh và mất của ông (18 tháng 2 và 12 tháng 9 âm lịch), dân làng lại tề tựu về đền thờ, thành kính dâng hương tưởng nhớ”.
Khánh Lộc
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong các sách: Địa chí thành phố Thanh Hóa; Danh nhân Thanh Hóa và tài liệu lưu giữ tại di tích)
{name} - {time}
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-11-08 14:28:00
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào