(Baothanhhoa.vn) - Tắt sóng mạng 2G sẽ góp phần đưa người dân hòa nhịp sống số, trải nghiệm nhiều tiện ích hiện đại... Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã phủ sóng mạng 4G đạt 100% diện tích, sẵn sàng hạ tầng công nghệ để tắt sóng 2G.

Tắt sóng mạng 2G - “Mở lối” đưa người dân lên môi trường số (Bài 2): Hòa nhịp sống số

Tắt sóng mạng 2G sẽ góp phần đưa người dân hòa nhịp sống số, trải nghiệm nhiều tiện ích hiện đại... Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã phủ sóng mạng 4G đạt 100% diện tích, sẵn sàng hạ tầng công nghệ để tắt sóng 2G.

Tắt sóng mạng 2G - “Mở lối” đưa người dân lên môi trường số (Bài 2): Hòa nhịp sống sốNhân viên Chi nhánh Viettel Thiệu Hóa hướng dẫn khách hàng chuyển đổi sang sim, sóng 4G.

Nỗ lực từ các nhà mạng

Nhận thức tầm quan trọng cũng như mức độ ảnh hưởng đến liên lạc của người dân khi thực hiện tắt sóng 2G, ngay từ đầu năm 2024, song song với việc xây dựng các giải pháp triển khai trên toàn hệ thống, VinaPhone Thanh Hóa đã truyền thông sâu rộng chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông về lộ trình và lợi ích của việc tắt sóng 2G, nâng cấp lên 4G tới khách hàng.

Với 39.922 thuê bao 2G trên toàn tỉnh, để thuận tiện cho khách hàng khi nâng cấp lên điện thoại 4G, VinaPhone đã thiết kế các gói cước hấp dẫn tặng kèm theo chính sách hỗ trợ giá điện thoại 4G theo từng đợt cho khách hàng. Khách hàng có thể lựa chọn các gói cước khác nhau phù hợp với nhu cầu và các dòng điện thoại khác nhau. Bên cạnh đó, VinaPhone cũng triển khai các chương trình hợp tác liên kết với chuỗi cửa hàng cung cấp điện thoại như Thế giới Di động, Điện máy Xanh... để hỗ trợ khách hàng nâng cấp máy.

Bên cạnh chương trình ưu đãi hỗ trợ giá máy điện thoại, các khách hàng nâng cấp điện thoại 4G còn được tặng 30GB data, được quyền đăng ký các gói cước ưu đãi với giá hấp dẫn, được tặng gói truyền hình MyTV dùng cho điện thoại di động SmartPhone với 125 kênh truyền hình, miễn phí data khi truy cập và xem ứng dụng MyTV...

Đặc biệt, với người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, khả năng tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hạn chế, cũng như tâm lý lo ngại về chi phí khi thực hiện chuyển đổi, VinaPhone đã cử nhân viên “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để phổ biến về chương trình, hỗ trợ người dân, khách hàng chuyển đổi, tránh bị gián đoạn liên lạc khi sóng 2G ngừng phục vụ. Tại nhiều địa phương, VinaPhone đã phối hợp sát sao với chính quyền từng xã, phường, thôn xóm tham gia vào việc tuyên truyền đến người dân, mời những người đã chuyển đổi thành công cùng tham gia tuyên truyền đến cộng đồng xung quanh.

Trong thời gian cao điểm trước mốc 16/9/2024 theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, VinaPhone đang tăng cường hỗ trợ qua tổng đài 18001091 và thực hiện cuộc gọi chủ động đến từng thuê bao 2G. Bất cứ khó khăn, vướng mắc nào của khách hàng trong quá trình chuyển đổi lên máy điện thoại 4G cũng sẽ được VinaPhone tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Toàn bộ các chi nhánh của VinaPhone trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đang tập trung cao độ để tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ khách hàng trong quá trình chuyển đổi.

Cùng với đó, VinaPhone cũng đã đầu tư xây dựng thêm các trạm thu phát sóng 4G, phủ sóng rộng khắp đến tận các khu vực hải đảo và miền núi. Thực hiện tắt sóng 2G, VinaPhone cam kết đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ tốt nhất để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Tại huyện Thiệu Hóa, hiện vẫn còn khoảng 5% thuê bao 2G của VinaPhone hoạt động. Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Chi nhánh VinaPhone Thiệu Hóa - Đông Sơn, cho biết: “Để tích cực tuyên truyền tới người dân về lộ trình tắt sóng 2G, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi... VinaPhone Thiệu Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương; các điểm ủy quyền của VinaPhone; điểm bưu điện văn hóa xã, thị trấn; điểm phát lương lưu, trợ cấp xã hội; điểm bán điện thoại... để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi. Ngoài ra, cán bộ VinaPhone cũng đến tận nhà để hướng dẫn đối với những khách hàng không đến được điểm giao dịch”.

Là một trong những nhà mạng di động chiếm thị phần lớn với khoảng trên 1,8 triệu thuê bao (trong đó thuê bao 2G chiếm khoảng 24% với khoảng 464.000 thuê bao), Viettel Thanh Hóa đang tích cực thực hiện lộ trình tắt sóng mạng 2G.

Thượng tá Phạm Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Viettel Thanh Hóa, cho biết: “Đơn vị đã sẵn sàng các kịch bản cụ thể để hỗ trợ cho các khách hàng đang còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới như người già, người sử dụng ở khu vực nông thôn, hải đảo. Đảm bảo chất lượng, dịch vụ, giúp khách hàng chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ 4G để lên không gian số, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số”.

Soạn tin nhắn, gửi thông tin tới từng thuê bao của khách hàng về lộ trình tắt sóng, Viettel Hoằng Hóa đã huy động toàn bộ nhân viên chi nhánh cũng như hệ thống cộng tác viên tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn gặp trực tiếp khách hàng để tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi điện thoại, nâng cấp sim.

Giám đốc Chi nhánh Viettel Hoằng Hóa Nguyễn Văn Chung cho biết: “Trong số 112.000 khách hàng của Viettel Hoằng Hóa, có khoảng 95.000 thuê bao hoạt động thực, trong đó có khoảng 19.000 thuê bao 2G. Viettel Hoằng Hóa đã, đang nỗ lực đồng hành cùng khách hàng để hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang điện thoại smartphone hoặc feature phone 4G”.

Cùng với việc tích cực hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sim và điện thoại lên 4G, từ ngày 1/3/2024, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng chính thức chặn không cho phép nhập mạng mới đối với các điện thoại 2G không thuộc danh sách được chứng nhận hợp quy do Cục Viễn thông quy định. Việc này nhằm thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Đưa người dân đến gần các dịch vụ số phong phú, tiện ích

Không chỉ góp phần hiện đại hóa hạ tầng, tắt sóng mạng 2G còn được xem là “cuộc cách mạng” đưa người dân đến với các dịch vụ số tiện ích, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...

Chỉ với một chiếc smartphone, chị Lê Thu Trang, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) đã có thể giải trí, mua sắm, thanh toán trực tuyến, học tập và làm việc một cách thuận tiện, nhanh chóng. Chị Trang cho biết: “Là một nhân viên bất động sản, công việc của tôi gắn liền với chiếc smartphone. Không chỉ đơn thuần là liên hệ với khách hàng mà còn là rao bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội; gửi định vị vị trí nhà, đất cho khách hàng mà không phải dẫn khách đến tận nơi; thanh toán các giao dịch; thực hiện các thủ tục hành chính công; họp hệ thống công ty; học sale marketting online...”.

Chị Trang cho biết thêm: “Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống, công việc của mình sẽ bất tiện thế nào nếu như không có “người bạn”, “người đồng hành” là chiếc Smart phone”.

Phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) hiện có trên 1.500 người làm việc trong ngành khai thác, chế biến hải sản, đánh bắt ở các vùng lộng và vùng khơi. Để tuyên truyền tới các ngư dân về lộ trình tắt sóng mạng 2G, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường và các khu phố, phường Quảng Tiến còn phối hợp với các nhà mạng, tổ công nghệ số cộng đồng các khu phố “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, thực hiện chuyển đổi cho những người dân vẫn dùng sim 2G, đồng thời kết hợp cài đặt chữ ký số cá nhân và hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân...

Bí thư chi bộ, kiêm tổ trưởng tổ dân phố Hải Vượng, phường Quảng Tiến Trương Văn Thắng cho biết: “Tổ dân phố chúng tôi vẫn còn khoảng 20% người dân sử dụng điện thoại 2G. Do đó, cùng với việc tuyên truyền tới người dân lộ trình tắt sóng mạng 2G, chúng tôi còn phối hợp với các nhà mạng tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang điện thoại thông minh, sim 4G... đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm tiện ích như app thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số cá nhân, hồ sơ sức khỏe điện tử, VNeID... Đối với những trường hợp đặc biệt như người già, neo đơn, người hưởng chế độ bảo trợ... Tổ công nghệ số cộng đồng của khu phố gồm bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố làm tổ trưởng, bí thư đoàn thanh niên khu phố làm tổ phó và các thành viên sẽ đến tận nhà để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các phần mềm. Đến nay, khu phố đã có 1.858 hồ sơ sức khỏe điện tử đã được nhập vào hệ thống; 467 chữ ký số cá nhân đã đăng ký thành công trên hệ thống để người dân sử dụng trong các giao dịch trực tuyến như kê khai giao dịch cá nhân, giao dịch qua mobile banking... Góp phần vào chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số”.

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng mạng 5G thành công. Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G đã được thí điểm ở 55 tỉnh, thành phố. Tại Thanh Hóa, các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone... cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đưa vào khai thác mạng 5G. Như vậy, việc tắt sóng mạng 2G là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.

Bài và ảnh: Linh Hương

Bài cuối: Những thách thức đặt ra.

Tin liên quan:
  • Tắt sóng mạng 2G - “Mở lối” đưa người dân lên môi trường số (Bài 2): Hòa nhịp sống số
    Tắt sóng mạng 2G - “Mở lối” đưa người dân lên môi trường số (Bài 1): Lộ trình ...

    Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 16/9/2024, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Tuy nhiên, từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2026, bộ vẫn cấp phép cho các nhà mạng duy trì công nghệ 2G để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G và 4G không có dịch vụ thoại. Từ tháng 9/2026, băng tần 900 MHz (đang dùng cho 2G) sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho mạng 4G. Chủ trương dừng công nghệ 2G sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]