Tạo động lực đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp tư nhân
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đổi mới và sáng tạo đang trở thành yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp tư nhân không chỉ trụ vững mà còn bứt phá phát triển.
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.
Tại Thanh Hóa, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò chủ lực trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, để khu vực này phát huy tối đa tiềm năng, việc tạo lập môi trường thuận lợi và khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết.
Theo số liệu từ Sở Tài chính, toàn tỉnh hiện có hơn 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 97% là doanh nghiệp tư nhân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã có 1.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức sống mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về sự chuyển mình trong cách thức quản trị, ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm nhằm thích nghi với những biến động không ngừng của thị trường.
Một trong những điểm sáng về đổi mới, sáng tạo có thể kể đến là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Cầu (phường Tĩnh Gia), doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ đóng gói như băng dính OPP; băng dính điện; băng dính chống thấm; túi nilon các loại; hạt chống ẩm; dây đai; dây buộc... Nhờ mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, dây chuyền sản xuất đồng bộ và chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ thuật lành nghề, công ty không chỉ nâng cao năng suất mà còn cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bao bì đóng gói ngày càng cạnh tranh, doanh nghiệp đã chủ động thiết kế các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường và tích hợp yếu tố kỹ thuật riêng biệt cho từng nhóm khách hàng. Nhờ định hướng đúng đắn, Toàn Cầu đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đóng gói tại khu vực miền Trung, đồng thời mở rộng thị trường sang các nước lân cận như Lào, Campuchia và Thái Lan.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp trẻ tại Thanh Hóa cũng đang khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới mô hình kinh doanh. Đơn cử như Công ty TNHH Công nghệ số Hương Sơn tại phường Bỉm Sơn đã phát triển thành công nền tảng bán lẻ “Cửa hàng thông minh” tích hợp hệ thống quản lý tồn kho, bán hàng và thanh toán qua QR code, giúp hàng trăm tiểu thương truyền thống chuyển đổi số nhanh chóng sau đại dịch COVID-19. Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi không chỉ bán phần mềm mà đang góp phần thay đổi tư duy vận hành của nhiều hộ kinh doanh, giúp họ tiếp cận với các công cụ hiện đại, qua đó tối ưu chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng”.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp tư nhân thực sự đổi mới, sáng tạo vẫn còn khiêm tốn so với quy mô toàn tỉnh. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân chưa đầu tư bài bản cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới (R&D), chủ yếu hoạt động theo mô hình truyền thống và dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều doanh nghiệp còn e ngại rủi ro khi đầu tư đổi mới công nghệ, thiếu thông tin về thị trường, cũng như chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về tài chính và tư vấn chuyển đổi số.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, với mức hỗ trợ lên tới 50% chi phí đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất (tối đa 300 triệu đồng/dự án).
Dù vậy, để khu vực doanh nghiệp tư nhân thật sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, cần có thêm các giải pháp đột phá hơn. Trước hết, cần xây dựng các khu đổi mới sáng tạo tại cấp huyện, thành phố, nơi doanh nghiệp, startup và các trường đại học có thể kết nối, chia sẻ công nghệ và thử nghiệm sản phẩm. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tại nhiều tỉnh như Bình Dương (cũ), Quảng Ninh, góp phần tạo lập hệ sinh thái sáng tạo bền vững.
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh hơn quỹ đầu tư mạo hiểm cấp tỉnh để hỗ trợ vốn cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ ở Thanh Hóa khó tiếp cận vốn tín dụng do không đủ tài sản thế chấp hoặc thiếu phương án kinh doanh khả thi. Sự tham gia của các quỹ mạo hiểm không chỉ mang lại nguồn vốn linh hoạt mà còn tạo đòn bẩy niềm tin cho các doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm.
Một khía cạnh quan trọng khác là cần đẩy mạnh giáo dục tinh thần khởi nghiệp sáng tạo từ trong trường học, đặc biệt ở các trường nghề, cao đẳng và đại học địa phương. Việc tổ chức các cuộc thi ý tưởng kinh doanh, chương trình huấn luyện khởi nghiệp hay mô hình thực tập tại doanh nghiệp thực tế sẽ giúp sinh viên có góc nhìn thực tiễn và khơi gợi tinh thần đổi mới sớm.
Trong thời đại mà công nghệ và xu hướng tiêu dùng thay đổi từng ngày, doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể tồn tại nếu biết tự làm mới mình. Đổi mới sáng tạo không còn là đặc quyền của những tập đoàn lớn, mà phải trở thành “gen” trong mọi doanh nghiệp, từ nhà máy sản xuất, cửa hàng nhỏ, đến các startup công nghệ. Với sự đồng hành sát sao từ các cấp chính quyền trong tỉnh, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ từ chính các doanh nghiệp, Thanh Hóa hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng về môi trường kinh doanh sáng tạo ở khu vực Bắc Trung bộ.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2025-07-18 21:14:00
“Nền móng mềm” của năng lực cạnh tranh
-
2025-07-18 15:51:00
3+ mẫu hộp rút cao cấp, thiết kế đẹp, hot 2025
-
2025-07-17 21:05:00
Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh