Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi
Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Thông qua đó, giúp người dân tiếp cận được với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo quản các loại vật tư, phương pháp phòng chống dịch bệnh... chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Cán bộ kỹ thuật của HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp Vinaco hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc, bảo vệ đàn gà ri theo hướng an toàn sinh học trong buổi tập huấn.
Nhằm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, Hội Nông dân xã Hà Long (Hà Trung) thông qua Trung tâm học tập cộng đồng xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện vừa tổ chức hội nghị tập huấn về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tham gia buổi tập huấn, hàng trăm hội viên cùng người dân đã được cán bộ chăn nuôi thú y truyền đạt về một số đặc điểm, nguyên lý, biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi; cách nhận biết, chẩn đoán, xử lý gia súc, gia cầm mắc một số bệnh thông thường như: Dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, tiêu chảy cấp... và quy trình thực hiện các biện pháp khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, điểm giết mổ.
Ông Đặng Văn Học, người chăn nuôi ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long cho biết: “Gia đình tôi đã có kinh nghiệm chăn nuôi trâu nhiều năm, tuy nhiên tôi vẫn rất tích cực tham gia những buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi tại địa phương. Bởi tại đây, tôi được cập nhật tình hình dịch bệnh trên cả nước để chủ động phòng trừ; cách lựa chọn các loại thuốc phun tiêu độc, khử trùng hiệu quả, cách chăm con nuôi sau khi tiêm phòng và cách nhận biết các triệu chứng bất thường sau khi tiêm như ủ rũ, bỏ ăn, sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp"...
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Long Nguyễn Văn Hợi cho biết: “Tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là cơ sở quan trọng để địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Vì vậy, năm 2025 chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, tập trung vào phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh và công tác tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh các hội nghị, chúng tôi vẫn đồng hành, cầm tay chỉ việc cho người dân trong quá trình sản xuất”.
Nhiều năm qua, trước mỗi đợt tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn lại tổ chức các hội nghị tập huấn cho các cán bộ thú y xã về kỹ thuật tiêm phòng, cách bảo quản thuốc và các biện pháp xử lý phản ứng sau tiêm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cán bộ trung tâm cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn cho các cán bộ thú y các xã, thị trấn kiểm tra vắc-xin, kỹ thuật khử trùng dụng cụ, tháo lắp xi lanh, cách hòa thuốc bột, thuốc đông khô vào nước cất hay nước sinh lý theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại... Bên cạnh đó, yêu cầu các cán bộ thú y phải thực hiện đúng kỹ thuật tiêm để vắc-xin phát huy tác dụng; theo dõi và xử lý khi vật nuôi có phản ứng cục bộ như sưng, nóng, đau... hoặc có thể bị nhiễm trùng; nếu xảy ra dị ứng thì sau khi tiêm cần theo dõi trạng thái sức khỏe của đàn vật nuôi trong vài giờ. Ngoài ra, hội nghị cũng dành thời gian giải đáp những thắc mắc, khó khăn của các cán bộ thú y trong quá trình tiêm phòng”.
Bên cạnh các buổi tập huấn về công tác tiêm phòng vắc-xin, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn còn thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn về cách phòng chống, nhận biết các dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh tả lợn châu Phi... Nhất là vừa qua, với tình hình bệnh dại xuất hiện trên cả nước và tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã tổ chức hội nghị hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng dại và các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Với phương pháp truyền đạt dễ hiểu, nâng cao sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, lớp tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ thú y được củng cố, cập nhật thêm nhiều kiến thức, nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác phòng chống bệnh dại trên động vật, để từ đó tuyên truyền, phổ biến các nội dung về phòng chống bệnh dại cho người dân, chủ động phối hợp với ngành y tế tại địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả.
Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn và tay nghề cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực thú ý, người hoạt động hành nghề thú ý ở các xã, thị trấn.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-12-16 17:15:00
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng cuối năm
-
2024-12-16 16:33:00
Điện lực khu vực Ngọc Lặc - Lang Chánh tri ân khách hàng năm 2024
-
2024-12-16 10:18:00
Vùng đào, quất cảnh tất bật chuẩn bị thị trường tết
Lựa chọn tiết kiệm an toàn, uy tín, bảo mật từ Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa
Bản tin Tài chính 16/12: Giá vàng dự báo sẽ tăng vào đầu năm 2025, có nên đầu tư vào thời điểm này?
Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế nông nghiệp
Hoằng Phượng đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Quả ngọt trên cát bỏng
Các huyện miền núi tăng cường phòng chống đói, rét cho vật nuôi
Hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế
Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Chuyên gia: Đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam “vẫn được duy trì”