(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, huyện Nga Sơn vừa triển khai và trình UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nga Sơn - tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó, nhiều thế mạnh của huyện đã được xác định và đưa ra định hướng phát triển phù hợp với từng vùng, từng phân khu trong huyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Tầm nhìn” để huyện Nga Sơn phát triển bền vững trong tương lai

Nhằm tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, huyện Nga Sơn vừa triển khai và trình UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nga Sơn - tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó, nhiều thế mạnh của huyện đã được xác định và đưa ra định hướng phát triển phù hợp với từng vùng, từng phân khu trong huyện.

“Tầm nhìn” để huyện Nga Sơn phát triển bền vững trong tương lai

Chùa Hàn Sơn tại xã Nga Điền (Nga Sơn) được kỳ vọng cho phát triển du lịch tâm linh.

Vị trí địa lý là một lợi thế riêng của Nga Sơn bởi huyện nằm tại cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế liên quan đến công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh các ngành kinh tế biển bởi có bờ biển trải dài gần 12 km. Quốc lộ 10 và đường bộ ven biển sẽ được xây dựng (dự kiến đi qua các xã: Nga Thái, Nga Tiến, Nga Tân và Nga Thủy) chính là “cầu nối” thuận lợi để kết nối giao thương của Nga Sơn với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và toàn bộ miền Bắc. Huyện đồng bằng ven biển này cũng nằm trên trục hành lang hỗ trợ phát triển kinh tế vùng phía Bắc của tỉnh, gồm: Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành - Bá Thước và kết nối với toàn bộ khu vực miền núi phía Tây. Theo kế hoạch, trong năm 2020 này, Nga Sơn sẽ trở thành “Huyện nông thôn mới” với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong tương lai. Khi các tiềm năng và lợi thế vùng đã được chỉ rõ, huyện có thể xác định những thế mạnh riêng cần khơi dậy.

Ngoài phát triển hạ tầng và đô thị hóa thị trấn Nga Sơn hiện tại, huyện đề xuất và chuẩn bị các điều kiện để thành lập thêm 2 thị trấn mới sau năm 2025, gồm: Thị trấn Điền Hộ (xã Nga Điền hiện tại) và thị trấn Hói Đào (xã Nga Liên hiện tại) thành đô thị loại V. Khi hạ tầng và dịch vụ giao thương phát triển mạnh, Nga Sơn sẽ trở thành đầu mối thương mại phía Đông Bắc của tỉnh với các tỉnh lân cận. Căn cứ các thế mạnh hiện tại của từng khu vực trong huyện, địa phương cùng các đơn vị tư vấn đã xác định phân huyện thành các trục phát triển riêng biệt, bám theo các tuyến giao thông chính. Trục Đông Bắc - Tây Nam gắn với Quốc lộ 10 hiện tại, chính là trục động lực phát triển kinh tế, giao thương của huyện với các tỉnh và địa phương lân cận. Trục Đông - Tây theo Quốc lộ 217B gắn với trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Trục theo Quốc lộ 217 kết nối trung tâm huyện với các cụm kinh tế tổng hợp và cụm công nghiệp phía Tây Nam của tỉnh. Trục phát triển dọc tuyến đường bộ ven biển sẽ trở thành trục động lực phát triển kinh tế biển gắn với hoạt động du lịch sinh thái ven biển và an ninh - quốc phòng, kết nối huyện với khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ. Các đô thị đóng vai trò là hạt nhân cho phát triển của mỗi vùng trong huyện, trong đó 2 thị trấn mới là Hói Đào và Điền Hộ phát triển mạnh dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp...

Trong phân vùng phát triển, toàn huyện được chia làm 4 vùng với những đặc thù và lợi thế riêng biệt. Thứ nhất là “Vùng khai thác và bảo vệ cảnh quan phát triển du lịch sinh thái tâm linh phía Bắc - Đông Bắc” được xác định gồm các xã: Nga An, Nga Thiện, Nga Giáp và Nga Điền. Phân vùng này sẽ lấy đô thị Điền Hộ làm hạt nhân, là trung tâm dịch vụ thương mại gắn với phát triển du lịch sinh thái. Dãy núi Tam Điệp, dòng sông Hoạt và nhiều danh thắng sẽ được phát huy giá trị để phát triển các dịch vụ tham quan thắng cảnh, du lịch tâm linh. Thứ hai là “Vùng phát triển đô thị trung tâm” bao gồm thị trấn Nga Sơn mở rộng (thêm cả các xã Nga Văn và Nga Yên hiện tại), đô thị Hói Đào và các xã lân cận: Nga Trung, Nga Thanh, Nga Thành, Nga Hải. Đây là hạt nhân trung tâm của toàn vùng, tập trung phát triển đô thị với các chức năng là trung tâm hành chính, văn hóa, xã hội dọc theo tuyến Quốc lộ 10 và Quốc lộ 127B. Vùng này đã và sẽ được định hướng phát triển các ngành: Công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, dịch vụ thương mại và du lịch, tạo điều kiện mở rộng giao thương và thu hút đầu tư vào huyện. Thứ ba, “Vùng phát triển du lịch, các ngành kinh tế biển và nông nghiệp, dịch vụ phía Đông” được xác định tại các xã: Nga Thái, Nga Tiến, Nga Tân, Nga Bạch và Nga Thủy. Các xã này sẽ được quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm thủy – hải sản. Cùng với đó, những lợi thế, thế mạnh của các di sản văn hóa, các làng nghề và cảnh quan tự nhiên sẽ được khơi dậy để phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Các sản phẩm nông nghiệp là cây trồng bản địa, nhất là sản phẩm từ cây cói cũng được định hướng sản xuất để khơi dậy tiềm năng quỹ đất trong vùng. Thứ tư là “Vùng phát triển nông nghiệp và dịch vụ phía Tây - Tây Bắc” gồm các xã: Nga Trường, Nga Vịnh, Ba Đình, Nga Thắng, Nga Thạch và Nga Phượng. Nơi đây được định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, thương mại - dịch vụ, hình thành các điểm dân cư tập trung gắn với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...

Định hướng không gian 4 vùng phát triển của huyện được cho là đã bao quát khá đầy đủ các lợi thế sẵn có cho phát triển chung của địa phương. Riêng lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện vẫn duy trì phát triển 5 cụm công nghiệp – làng nghề: Tam Linh, Tư Sy, thị trấn Nga Sơn và các xã lân cận, Đồng Mới và Long Sơn. Với hạ tầng ngày càng được đầu tư khang trang, những cụm công nghiệp, cụm làng nghề trên được định hướng ưu tiên các lĩnh vực, như: Chế biến nguyên liệu cói xuất khẩu, chế biến nông sản, thủy sản, may mặc... Trong phát triển nông nghiệp, quy hoạch cũng chỉ rõ định hướng ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sạch. Từng địa phương cụ thể cũng có định hướng cây trồng để tạo nên những vùng chuyên canh đủ sức cạnh tranh cho thị trường nông sản. Cụ thể, các xã Nga An, Nga Thiện, Ba Đình, Nga Văn, Nga Yên, Nga Thạch và thị trấn Nga Sơn sẽ là vùng sản xuất cây lương thực. Một vùng rộng lớn sẽ dành cho phát triển rau quả phục vụ chế biến xuất khẩu, gồm các xã: Nga Trường, Nga Yên, Nga Trung, Nga An, Nga Thành, Nga Giáp, Nga Hải, Nga Lĩnh, trong đó tập trung xây dựng các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết cũng đã được định hướng phát triển, đầu tiên là tại hai xã Nga Thành và Nga Yên. Các xã: Nga Điền, Nga Phú, Nga Thái, Nga Tân, Nga Tiến, Nga Liên, Nga Thanh, Nga Thủy, cũng được định hướng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, ổn định diện tích trồng cói 2 vụ/năm. Khoảng 330 ha đất vùng đầm trũng thuộc các xã Nga Tân, Nga Tiến và Nga Thủy được quy hoạch dành cho phát triển vùng nuôi trồng thủy sản, từng bước ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nuôi thâm canh. Các khu vực rừng phòng hộ ven biển hiện nay cũng được huyện xác định là tiềm năng cho phát triển, nhất là dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sau này nên phải bảo vệ và phát triển thêm.

Việc chỉ ra được những lợi thế để có định hướng phát triển phù hợp sẽ trở thành “chìa khóa” để huyện Nga Sơn phát triển mạnh mẽ trong những giai đoạn tới.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]