(Baothanhhoa.vn) - Trước thực trạng thiếu điện sản xuất và sinh hoạt, các HTX, doanh nghiệp, người dân đã tìm nhiều cách ứng phó. Trong “cái khó ló cái khôn”, với nhiều cách “giải nhiệt” độc đáo, họ đang tự giác thay đổi thói quen sinh hoạt để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài cuối): Trong “cái khó ló cái khôn” để chia sẻ cùng ngành điện

Trước thực trạng thiếu điện sản xuất và sinh hoạt, các HTX, doanh nghiệp, người dân đã tìm nhiều cách ứng phó. Trong “cái khó ló cái khôn”, với nhiều cách “giải nhiệt” độc đáo, họ đang tự giác thay đổi thói quen sinh hoạt để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: Cần cộng đồng trách nhiệm! (Bài cuối): Trong “cái khó ló cái khôn” để chia sẻ cùng ngành điệnMáy phát điện được sử dụng trong sản xuất của HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa). Ảnh: Chi Phạm

Với số lượng đơn hàng lớn phải thực hiện mỗi ngày, HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) quyết không thể để tình trạng cắt điện ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Bỏ ra hơn 50 triệu đồng để mua máy phát điện, chị Phạm Kim Ngân, giám đốc HTX, cho biết: Một ngày HTX phải chạy máy phát 8 tiếng, tiêu tốn khoảng 30 lít dầu, tương đương chi phí khoảng 600.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu không sử dụng máy phát điện thì công việc ngừng trệ, đơn hàng sẽ không được thực hiện. Khi đó, HTX không chỉ mất uy tín với đối tác, mà còn gây ra “lỗ hổng” lớn hơn về kinh tế. Vì vậy, việc chủ động đưa máy phát điện vào hỗ trợ sản xuất đã giúp HTX duy trì được các mối hàng”, chị Ngân chia sẻ.

Để chung tay cùng ngành điện lực “hạ nhiệt” nguy cơ thiếu điện mùa cao điểm, người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang điều chỉnh thói quen sinh hoạt, để vừa tiết kiệm, vừa sử dụng điện hiệu quả. “Chia khó” với ngành điện, nhiều hộ dân cũng đã và đang áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Tuyết, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Nhà tôi đã có quy định là “ra tắt, vào mở” và hạn chế mức thấp nhất bật cùng lúc tất cả các thiết bị điện trong giờ cao điểm. Nhờ đó chi phí tiền điện của gia đình luôn được kiểm soát ở mức vừa phải và ổn định, kể cả trong những tháng mùa hè nắng nóng”.

Tại xóm Bèo, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn), gia đình bà Lương Thị Hoa có 6 người sinh sống. Những ngày nắng nóng, nhất là thời điểm các cháu nhỏ về quê nghỉ hè, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như điều hòa, tivi, tủ lạnh, quạt điện... tăng cao. Bà Hoa cho biết: “Nhà có 2 điều hòa, 3 quạt điện, chưa kể ti vi, tủ lạnh hoạt động liên tục nên tiền điện tháng vừa rồi tăng gấp đôi. Chính vì thế gia đình phải điều chỉnh lại các thói quen của mọi thành viên để tiết kiệm điện”. Theo đó, vào ban đêm khi dùng điều hòa, bà Hoa thường hẹn giờ tự động tắt, bật thêm quạt, không để điều hòa chạy đến sáng. Các cháu nhỏ trong nhà được sắm thêm một cái quạt cầm tay và dạng đeo như tai phôn để đỡ phải sử dụng quạt máy. Thay vì mỗi người một phòng, nay cả nhà bà dồn vào một phòng để dùng chung điều hòa. Cách làm này đã giúp gia đình bà Hoa tiết kiệm mỗi tháng vài trăm nghìn đồng tiền điện. Có thể với nhiều người số tiền đó không lớn, nhưng với gia đình lao động như gia đình bà thì đó cũng là một khoản tiết kiệm đủ để mua sắm vài món vật dụng hay sách vở cho các cháu vào năm học mới.

Để giảm lượng điện tiêu thụ, anh Lê Văn Tới ở xã Đông Thanh (Đông Sơn) chọn sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Tuy chi phí mua các loại đèn này có đắt hơn các loại đèn thông thường, nhưng lại giảm được lượng điện tiêu thụ, giảm lượng nhiệt tỏa ra khi sử dụng. “Loại đèn này tự sạc pin từ năng lượng mặt trời ban ngày và sáng vào ban đêm. Tôi sử dụng 2 đèn loại này hơn 3 năm nay, đủ phục vụ chiếu sáng khu vực chăn nuôi mà không cần điện lưới”, anh Tới chia sẻ. Còn đối với các bóng điện trong nhà, nhiều năm nay, gia đình anh Tới cũng chọn mua và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn led chiếu sáng, thiết bị điện tử inverter. Đồng thời, anh thường nhắc nhở các thành viên trong gia đình “ra tắt, vào mở” và hạn chế mức thấp nhất việc bật cùng lúc các thiết bị điện trong giờ cao điểm...

Cùng với việc tiết kiệm điện sinh hoạt, việc hạn chế điện chiếu sáng công cộng cũng đang được nhiều địa phương quan tâm. Xã Tiên Trang (Quảng Xương) là một trong những địa phương đầu tiên sử dụng pin năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng. Theo đó, hơn 1km trục đường trung tâm của xã đã triển khai lắp đặt 24 cột đèn chiếu sáng sử dụng pin năng lượng mặt trời. Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời được hấp thụ chuyển hóa thành điện tích vào ắc quy, dùng chiếu sáng vào ban đêm. Hệ thống cột đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời được lắp đặt và đưa vào sử dụng, đã giúp địa phương tiết kiệm đến 90% năng lượng so với sử dụng đèn điện chiếu sáng thông thường.

Việc hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, áp dụng các mô hình sử dụng điện tiết kiệm, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời... rất cần được khuyến khích, nhân rộng và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, từ thành thị đến nông thôn, từ trong mỗi gia đình đến từng người dân, theo đúng như tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng. Các hộ gia đình được khuyến khích dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt. Hộ gia đình cũng được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời...

Phạm Chi - Lương Khánh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]