Sầm Sơn “...sẽ thu được nhiều của cải từ đây”
Sầm Sơn, vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển. Cách đây 64 năm, Sầm Sơn là địa phương vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Từ phát huy tiềm năng, lợi thế và lời căn dặn của Người, Sầm Sơn hôm nay năng động, căng tràn sức sống và ngày một đổi mới, phát triển.
Thành phố biển Sầm Sơn ngày một đổi thay theo hướng hiện đại, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Sầm Sơn có nhiều danh lam, thắng cảnh, khí hậu trong lành, bãi biển đẹp. Có chiều dài khoảng 9km, từ cửa Lạch Trào đến Vụng Tiên (Vụng Ngọc), nghiêng đều từ Đông sang Tây, trong đó có khoảng 7km làm bãi tắm, biển Sầm Sơn có đặc điểm chung là rộng, bằng phẳng, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn. Năm 1907, người Pháp đã cho xây dựng các công trình và những năm sau đó các khu nhà nghỉ, biệt thự bắt đầu được xây dựng tại Sầm Sơn phục vụ nhu cầu của quân Pháp và vua quan triều Nguyễn. Trong cuốn sách “Le Thanh Hoa” - Xứ Thanh Hóa, học giả Pháp Charles RobeQuain đã viết: “Bãi biển Sầm Sơn cách thị xã Thanh Hóa 16km, có đường rất đẹp, đi ô tô khoảng nửa giờ là đến bãi biển, có người tới nghỉ mát đông nhất trên bờ biển Đông Dương. Các biệt thự, khách sạn mọc trên mỏm núi hoa cương hay dưới bãi cát giữa các rặng phi lao chỉ cách mép nước vài ba mét. Bãi tắm này tốt nhất để phục hồi sức khỏe, thích hợp với sự nghỉ ngơi, không phải là bãi biển thông thường”.
...Sinh thời, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt cho quê hương Thanh Hóa. Trong 4 lần về thăm, lần thứ 3 từ ngày 17 đến 19/7/1960, Bác đã đến Sầm Sơn. Tại đây, Bác nói với cán bộ và Nhân dân: “Nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Đối với những người con Sầm Sơn, được đón Bác đến thăm là niềm vinh dự lớn lao và thỏa lòng ước nguyện bấy lâu. Những lời căn dặn ấm áp của Người chính là “kim chỉ nam” để các tầng lớp Nhân dân quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày một đổi mới, phát triển cho đến hôm nay.
...Về Sầm Sơn, nghe mênh mang biển hát. Trong tiếng gió, tiếng sóng biển rì rào, âm vang lời bài hát “Sầm Sơn in dấu chân Người” ngân vang, da diết và thương yêu. Khắc ghi lời dạy của Người, Sầm Sơn đã và đang biến vùng đất tiềm năng thành thế mạnh, đặc biệt là phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ, khai thác thủy hải sản tạo nên các sản phẩm đặc trưng, độc đáo của vùng biển.
Chúng tôi về khu phố Hòa Sơn, phường Bắc Sơn, thăm gian hàng giới thiệu và trưng bày sản phẩm nước mắm Bông Sen (Công ty TNHH Phương Cường Phúc) do anh Nguyễn Tiến Phúc (sinh năm 1986) làm giám đốc. Cơ duyên đã đưa anh đến với nghề làm nước mắm từ năm 2017. Được thừa hưởng kinh nghiệm từ những người đi trước, cùng sự năng động, sáng tạo của những người trẻ đã đưa nước mắm Bông Sen khác biệt so với các dòng nước mắm truyền thống khác. Sản phẩm nước mắm cá trích thương hiệu Bông Sen cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên của TP Sầm Sơn. Sắp tới, cơ sở cho ra đời thêm sản phẩm nước mắm cá cơm và xây dựng trở thành sản phẩm OCOP, để những sản phẩm truyền thống đặc trưng của Sầm Sơn được du khách, người tiêu dùng thập phương biết đến nhiều hơn.
Đi dọc con đường Hồ Xuân Hương, vị mặn mòi của biển níu giữ bước chân người đi. Chúng tôi về Trung Sơn, phường trung tâm trong phát triển dịch vụ, du lịch của TP Sầm Sơn. Với lợi thế về hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn lớn, có trục đường Hồ Xuân Hương; có bãi biển dài, Dự án quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn mới hình thành... là điểm nhấn thu hút du khách về với Sầm Sơn. Bí thư Đảng ủy phường Trung Sơn, ông Bùi Ngọc Thành chia sẻ với chúng tôi về những điều mà phường đang thực hiện, góp phần xây dựng TP Sầm Sơn ngày một phát triển. Toàn phường có hơn 17.000 người, với 10 tổ dân phố, 16 chi bộ đảng, 460 đảng viên. Là phường đông dân, những năm qua, dịch vụ du lịch của phường phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, du lịch tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Phường Trung Sơn trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư lớn đã thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội của thành phố; xây dựng các khách sạn với quy mô lớn; các dự án hạ tầng giao thông. Năm 2024, phường phấn đấu doanh thu từ dịch vụ, du lịch, thương mại đạt 8.700 tỷ đồng, khách du lịch đạt hơn 4 triệu lượt; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm...
Còn nhớ, tại khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024, khánh thành quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn vào ngày 27/4, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Lê Văn Tú nhấn mạnh: Nằm trong lòng xứ Thanh, một vùng đất cổ rực rỡ sắc màu văn hóa, Sầm Sơn nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, chứa đựng trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, gắn liền với truyền thuyết và huyền thoại, đã in đậm trong tâm thức của người dân, tạo nên một Sầm Sơn linh thiêng, mộng mơ và quyến rũ, là điểm hẹn hội tụ hấp dẫn chào đón du khách muôn phương. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đón hơn 12 triệu lượt khách, trong đó Sầm Sơn đón gần 8 triệu lượt khách. Với lợi thế và tiềm năng của mình, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn xác định và quyết tâm phấn đấu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, bên cạnh sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, thành phố đã và đang tập trung khai thác, phát huy các lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hình thành các khu vui chơi giải trí, khu du lịch mới tầm cỡ quốc tế. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh du lịch, hình thành phong cách lịch sự thân thiện, mến khách, tạo tâm lý thoải mái, hướng đến sự hài lòng của du khách đến với Sầm Sơn. Quyết tâm xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị Sầm Sơn đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Việc khánh thành và đưa vào sử dụng quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội sẽ phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo không gian văn hóa cộng đồng đặc sắc, là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội đường phố, sôi động và đa sắc màu văn hóa, tăng sức hấp dẫn du khách, đưa du lịch Sầm Sơn trở nên bốn mùa.
Về với Sầm Sơn du khách được lắng nghe biết bao câu chuyện huyền thoại về biển cả, những điển tích về tình yêu son sắt thủy chung vẫn được lưu truyền nơi sóng vỗ đầu ghềnh, nắng vàng bãi cát. Ngày hè bỏng rát, hòa vào cảnh sắc thiên nhiên và được trải nghiệm những dịch vụ du lịch hiện đại ở Sầm Sơn sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với mỗi du khách. Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, thành phố ước đón 905.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1.900 tỷ đồng. Sầm Sơn phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách trong cả năm 2024.
(Bài viết có sử dụng tài liệu trong cuốn: Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác” của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa năm 2017; Lịch sử Đảng bộ thị xã Sầm Sơn (1947-2010) của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn), sửa đổi, bổ sung, tái bản năm 2015).
Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-05-19 09:13:00
Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu
Về những nơi in dấu chân Người
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi
Ký ức thời hoa lửa
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
Đi qua chiến tranh
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu