Hôm nay là ngày đầu tiên của Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam. Với thông điệp “Tự hào hàng Việt Nam”, tuần lễ thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến diễn ra từ 25/11 đến 1/12. Tất cả sản phẩm được bán tại chương trình đều có sự cam kết chính hãng từ các nhà bán hàng, với nhiều ưu đãi và khuyến mại hấp dẫn. Thông qua sự kiện này, không chỉ mang đến cơ hội mua sắm lý tưởng cho người tiêu dùng mà còn thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Rà soát, sửa đổi để khắc phục những “lỗ hổng” trong quản lý thương mại điện tử

Hôm nay là ngày đầu tiên của Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam. Với thông điệp “Tự hào hàng Việt Nam”, tuần lễ thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến diễn ra từ 25/11 đến 1/12. Tất cả sản phẩm được bán tại chương trình đều có sự cam kết chính hãng từ các nhà bán hàng, với nhiều ưu đãi và khuyến mại hấp dẫn. Thông qua sự kiện này, không chỉ mang đến cơ hội mua sắm lý tưởng cho người tiêu dùng mà còn thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Rà soát, sửa đổi để khắc phục những “lỗ hổng” trong quản lý thương mại điện tử

Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Một trong những nội dung trọng tâm Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện là tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử. Tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu về đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử được đặt ra khẩn trương trong bối cảnh sự phát triển của thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức cho việc quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về thuế... diễn ra khá nhiều trong các giao dịch thương mại điện tử hiện nay.

Không thể phủ nhận xu hướng mua bán online trên các sàn thương mại điện tử và qua các mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Trên quy mô toàn cầu, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ. Còn ở Việt Nam, dự kiến đến năm 2025, quy mô của thị trường thương mại điện tử ước đạt 35 tỷ USD. Theo Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94.600 tỷ đồng tiền thuế, tăng 17% so với cùng kỳ 2023.

Lợi ích từ việc mua bán qua giao dịch điện tử là rất lớn, khi người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà, với 1 cú click chuột có thể mua được bất kỳ sản phẩm nào đang bán tại thị trường điện tử của Mỹ, Canada, hay Anh, Pháp, Đức... và chờ ship đến tận nhà. Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua bất cứ sản phẩm hàng hóa nào, chỉ cần lên mạng internet tìm kiếm là mặt hàng này sẽ hiện ra phong phú về giá cả từ đắt đến rẻ và mẫu mã đa dạng. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng tạo ra xu hướng mới trong tiếp thị, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thậm chí là bệ đỡ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở sản xuất cá thể có môi trường để phát triển, khởi nghiệp thành công.

Tuy nhiên, đi cùng với đó, những vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng trở nên phức tạp hơn. Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cung cấp cho thấy, thời gian qua ủy ban đã tiếp nhận hơn 1.500 đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó liên quan đến thương mại điện tử chiếm khoảng 5,5%, đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhận được phản ánh nhiều nhất. Còn theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, 9 tháng năm 2024 riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 35 tỷ đồng, số tiền trị giá hàng hóa vi phạm hơn 29 tỷ đồng.

Vì mục tiêu lợi nhuận, rất nhiều người bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội đã lập lờ về chất lượng sản phẩm, nhập nhèm giữa hàng thật hàng giả, với các chiêu trò sale, hạ giá sản phẩm, ưu đãi khi mua sản phẩm để thu hút số lượng khách hàng, gây thất thiệt cho người tiêu dùng. Có đối tượng gian dối, trốn tránh sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng bằng trốn thuế, khai báo không đúng địa chỉ, bán hàng hóa sai quy định đăng ký... Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự xâm nhập của nhiều sản thương mại điện tử đa quốc gia và các nền tảng thương mại khác ở ngoài nước càng khiến cho công tác phát hiện, xử lý khó khăn hơn.

Để ngăn chặn gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý, xử phạt nghiêm minh; đồng thời với rà soát, sửa đổi, bổ sung, để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý cho phù hợp với tình hình.

Tại Công điện số 119/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ký ngày hôm nay, đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030. Chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đủ tiêu chuẩn ra thế giới.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử, bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định của pháp luật về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù đối với hoạt động thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Hoàn thiện số liệu thống kê thương mại điện tử để quy định cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

Việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử trong tình hình hiện nay là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hà Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]