(Baothanhhoa.vn) - Trên không gian mạng đã và đang rầm rộ xuất hiện nhiều hội, nhóm có tính kết nối và lan truyền rộng rãi. Tuy vậy, bên cạnh những hội, nhóm được thành lập với mục đích tích cực, đáng báo động cũng có nhiều hội, nhóm ra đời nhằm mục đích tiêu cực với lượng lớn thành viên tham gia. Tên những hội, nhóm này cũng thường được đặt theo chiều hướng xấu, trái đạo đức song cũng đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người dùng mạng xã hội.

Tác động xấu từ những hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng

Trên không gian mạng đã và đang rầm rộ xuất hiện nhiều hội, nhóm có tính kết nối và lan truyền rộng rãi. Tuy vậy, bên cạnh những hội, nhóm được thành lập với mục đích tích cực, đáng báo động cũng có nhiều hội, nhóm ra đời nhằm mục đích tiêu cực với lượng lớn thành viên tham gia. Tên những hội, nhóm này cũng thường được đặt theo chiều hướng xấu, trái đạo đức song cũng đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người dùng mạng xã hội.

Tác động xấu từ những hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng

Một trong các hội nhóm “ảo” thu hút sự tham gia của hơn 100.000 thành viên.

Tràn lan những hội, nhóm “ảo”

Tình cờ lướt vào group “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc”, thấy tò mò nên tôi đã thử đăng ký tham gia vào nhóm. Song, điều khiến tôi bất ngờ không chỉ là tên của hội nhóm này mà còn gồm các bài viết, chia sẻ, bình luận được đăng tải trên hội, nhóm. Hầu hết những bình luận, chia sẻ của những người tham gia đều thể hiện những lời lẽ không trong sáng, trái đạo đức, trái thuần phong, mỹ tục ví như “Ly hôn chồng đã lâu cần mối quan hệ kín đáo. Không quan trọng ngoại hình, kinh tế chị lo, ai cần nhắn tin riêng cho chị nhé”; “U37 đã ly hôn có già quá không. Cần mối quan hệ mập mờ...”. Còn ở một hội nhóm khác với tên gọi là “Hội những người muốn tự tử”, phóng viên cũng bất ngờ khi hầu hết các bài viết được đăng trên nhóm đều thể hiện một sự chán nản cuộc sống đến đỉnh điểm, thậm chí có nhiều người đã đăng tải dòng trạng thái bất cần và mong muốn được chết... Điều đáng nói là, dưới những dòng trạng thái tuyệt vọng, bế tắc ấy, nhiều thành viên khi comment không những không động viên mà còn hướng dẫn các cách để chết. Tương tự, nhóm riêng tư “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” có tới hơn 20.000 thành viên tham gia. Hầu hết các bài đăng trong nhóm đều thể hiện sự bế tắc và chán chường đến tận cùng. Tài khoản có tên T.N.M. viết: “Đã pha xong ly sữa với xyanua để sẵn đầu giường ngay lúc này rồi nhưng chưa uống. Lòng buồn quá, suy nghĩ cuộc... Mình cảm thấy buồn, chán nản và khao khát chết, sống tiếp thì không có lối thoát”.

Một hội nhóm khác hoạt động công khai trên nền tảng facebook có tên “Hội những người vỡ nợ thích làm liều” thì đăng tải những dòng trạng thái “Cần tìm 1 bạn đi cướp tiền”; “cần mua súng”; “muốn bán mạng để trả nợ, muốn tự tử vì vỡ nợ”... Điều đáng nói, mặc dù, nội dung luôn mang trạng thái tiêu cực là vậy, thế nhưng nhóm này vẫn thu hút sự tham gia của hơn 13.400 thành viên.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, chị Lê Nữ Sinh, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ cấp tỉnh, chia sẻ: Các nhóm tiêu cực thường đặt tên nhóm theo chiều hướng xấu hoặc trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ra sự hiếu kỳ đối với người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy là nhóm ảo nhưng hệ lụy lại là thực và nếu các bạn trẻ không tỉnh táo nhận diện được thì đây sẽ là con dao 2 lưỡi gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Hội nhóm ảo, nguy hại thật

Trên nền tảng facebook gần đây, nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” đang thu hút sự tò mò tham gia của khá đông người sử dụng mạng xã hội bởi vụ việc một số thành viên của nhóm này mong muốn tập hợp nhau để đi cướp ngân hàng. Điều đáng nói, từ mục đích thành lập nhóm chỉ để đăng đàn, giải trí, chia sẻ những trạng thái vui vẻ thì nay nhóm này đã trở thành điểm tập kết online thu hút những người có tư tưởng xấu muốn cấu kết để làm liều. Hiện nhóm này đã thu hút hơn 4.000 thành viên với thành phần chủ yếu là những người ăn chơi, lêu lổng, vỡ nợ, cờ bạc... Cũng là một thành viên của nhóm này, tài khoản có tên A.M “trải lòng” về “sự nghiệp” lừa đảo của mình rằng: “Không biết có bác nào trong nhóm như em không. Em làm lừa đảo trên mạng xã hội từ năm 2019 đến cuối năm 2021, cũng lừa được vài tỷ. Đừng hỏi vì sao không bị bắt nhé vì có bài bản hết rồi, em có kinh nghiệm nên trường hợp xấu rất ít xảy ra. Nhưng, đến năm 2022, vì ham mê cờ bạc nên mất hết, mất cả danh dự và tiếng nói. Giờ em nản quá, chắc vài năm mới trở lại như cũ”.

Trong khi đó, tại “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc” theo tìm hiểu thì ban đầu chủ yếu là các bài viết quảng cáo để bán thuốc kích dục, bán đồ chơi tình dục... sau dần, nhóm này đã biến tướng thành tụ điểm online “chào khách” của không ít gái mại dâm... Còn với các thành viên của “Hội những người đã từng đi tù” thì lại xúi giục nhau phạm tội để được trở lại tù; “Hội những người từng đi cai nghiện” thì lại rủ nhau tái nghiện; “Hội những người ghét cha, mẹ” thì đăng tải các bài viết, chia sẻ kể tội cha, mẹ mình...

Trên thực tế, đã có những hành vi phạm tội ngoài đời thật, xuất phát từ các hội nhóm ảo trên mạng xã hội. Bộ Công an mới đây cũng đã cảnh báo về trào lưu tội phạm lập nhóm kín trên mạng xã hội để rủ nhau thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích. Và chắc chắn, dù xuất phát từ thế giới ảo nhưng những hành vi vi phạm pháp luật, kể cả việc chia sẻ, bình luận mang tính cổ vũ, a dua gây ra hệ quả thật thì đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đơn cử như vừa qua, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng dùng dao và súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm để cướp 500 triệu đồng. Hai đối tượng gây ra vụ cướp táo tợn này là Trần Văn Hiếu (SN 1991, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chủ mưu và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận đã quen nhau thông qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội facebook. Cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nên nảy sinh ý định cướp tài sản để trả nợ. Mục tiêu chúng nhắm đến là ngân hàng. Điều đáng nói, ngay sau khi hai đối tượng cướp ngân hàng này bị sa lưới, trên nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” có luôn dòng trạng thái đầy cảm thán: “Và, thế là có hai anh em của hội chúng ta thất bại rồi anh em à”.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Bùi Hữu Ngôn, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: Các hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định. Nhẹ thì bị xử lý theo nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính; khung đối với cá nhân cao nhất là từ 10 – 20 triệu đồng; đối với Nhà nước, ví dụ như tiết lộ thông tin bí mật Nhà nước có thể bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 thì việc phát tán trên không gian mạng mà vi phạm, cấu thành tội phạm thì buộc phải xử lý theo hình sự. Ví dụ phát tán trên không gian mạng mà rủ rê nhóm tội phạm hoặc lừa đảo để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý theo Điều 174, cao nhất của tội này là tù chung thân.

Trước thực trạng các hội, nhóm vẫn đang hoạt động tràn lan trên không gian mạng, chia sẻ về giải pháp để người có tâm lý tiêu cực tránh xa các hội, nhóm nguy hại trên không gian mạng, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp ngăn chặn các hội, nhóm “ảo” này để dọn sạch “rác” không gian mạng. Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên việc các hội nhóm hoạt động trên mạng xã hội rất khó để cơ quan chức năng quản lý bởi các thành viên của các hội nhóm này giao lưu và inbox riêng cho nhau dẫn đến việc kiểm soát gần như là không có khả năng. Mặt khác, thường các hội nhóm dạng này hay tập hợp những thành viên có tâm lý tiêu cực. Những người có tâm lý tiêu cực thì dễ phát sinh động cơ xấu, vi phạm pháp luật. Những người ban đầu không có động cơ gì nhưng khi tham gia hội nhóm, tiếp xúc với những người có tâm lý tiêu cực, động cơ xấu sẽ rất dễ bị lôi kéo. Vì vậy để loại bỏ những thông tin xấu, độc từ các hội nhóm “đen” trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng khuyến cáo, bản thân mỗi người mỗi cá nhân khi tham gia sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn hội nhóm để tham gia cũng như biết “lọc” thông tin để tiếp nhận. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm và có định hướng phù hợp khi con em sử dụng mạng xã hội, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin nguy hại đang tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay.

Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]