Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì cần tạo nên những giá trị mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Nhận thức đúng để kiến tạo đúng và trúng, trong đó xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Thực tiễn việc triển khai, thực hiện công cuộc CĐS ở Thanh Hóa như thế nào? Xoay quanh vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Phóng viên (PV): Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm ban hành nghị quyết về CĐS. Sau 3 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất toàn diện trên tất cả các mặt, thể chế số, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin...
Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, CĐS không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Vì lẽ đó, chính quyền số luôn được xem là trung tâm của CĐS để dẫn dắt kinh tế số, xã hội số.
Với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, Thanh Hóa đã đổi mới phương thức làm việc, quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 4.049.850 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98%. Điều này góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6, đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện cả tỉnh cung cấp 1.805 dịch vụ công trực tuyến (900 dịch vụ công trực tuyến một phần và 905 dịch vụ công trực tuyến toàn trình) với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99,51%. Cổng dữ liệu mở của tỉnh với 250 cơ sở dữ liệu của 15 lĩnh vực; được xây dựng và vận hành hiệu quả nhằm chia sẻ, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp.
Với những nỗ lực, cố gắng triển khai đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, những năm gần đây, Thanh Hóa nằm trong thứ hạng cao về xếp hạng CĐS cấp tỉnh. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng CĐS. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cấp huyện, cấp xã. Tính đến tháng 10/2024 đã công nhận việc hoàn thành các tiêu chí CĐS cho 148 đơn vị cấp xã; đang thẩm định trình công nhận hoàn thành các tiêu chí CĐS cấp huyện cho thị xã Bỉm Sơn.
CĐS là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của mỗi địa phương; là giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực, là điều kiện để tối ưu hóa năng suất lao động, tiết giảm nhân lực lao động thủ công, chi phí sản xuất, tạo đà cho sự đổi mới, sáng tạo trong phát triển KT-XH. Kết quả CĐS thời gian qua đã khẳng định quan điểm, cách làm đúng đắn, sáng tạo của Thanh Hóa khi xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm với phương châm người dân làm, người dân thụ hưởng thành quả của CĐS; triển khai thực hiện theo mô hình, thí điểm thành công rồi mới nhân rộng.
PV: CĐS ở Thanh Hóa từng bước mang lại giá trị mới, góp phần đưa Thanh Hóa bứt tốc, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH. Diện mạo kinh tế số, xã hội số trong bức tranh chung ấy đã và đang được kiến tạo ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: CĐS và kinh tế kiến tạo được coi là xu thế của năm 2024 với mục tiêu phát triển kinh tế số, gồm 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Tại tỉnh Thanh Hóa, kinh tế số bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 10,74%. Việc phát triển kinh tế số đã từng bước thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.
100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu, 80% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money...
Hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sản thương mại điện tử; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS được quan tâm, thực hiện. Hiện nay, 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 6.500 doanh nghiệp (đạt 40,62%, tăng 14,82% so với năm 2023) đạt mức độ CĐS theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh phát triển lên 615 doanh nghiệp.
Đối với xã hội số, hiểu một cách đơn giản, đó là việc ứng dụng công nghệ vào các khía cạnh của đời sống, từ đó người dân được kết nối, tương tác và thành thạo các kỹ năng về kỹ thuật số, sử dụng hiệu quả các dịch vụ số, hình thành mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện các hạ tầng tiện ích, dịch vụ số trên nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh qua nhiều kênh giao tiếp giúp người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ... để mang lại sự hài lòng cho người dân thông qua CĐS; triển khai nền tảng khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) cho các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai KIOSK khám, chữa bệnh thông minh... Một số mô hình CĐS được triển khai nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được thuận tiện hơn, đơn giản hơn như: mô hình làng số, mô hình thôn thông minh phục vụ du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch, du lịch tâm linh trên địa bàn các huyện; mô hình “Camera Nhân dân với an ninh trật tự” giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Việc kiến tạo kinh tế số, xã hội số hướng đến mục tiêu cốt lõi, giá trị bền vững nhất là mỗi gia đình, mỗi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia, thụ hưởng lợi ích từ CĐS, từ đó tạo nguồn động lực, đột phá mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
PV: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa có định hướng, giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Để thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh cũng như thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, thời gian tới cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS như rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, các cơ chế, chính sách đảm bảo điều kiện nhằm thúc đẩy CĐS; căn cứ các cơ chế, chính sách, các quy định của tỉnh về CĐS các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố điều chỉnh, ban hành kịp thời quy trình nội bộ của ngành, lĩnh vực sát với yêu cầu thực tế, để tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Hai là, phát triển hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng cố định, nâng cấp hạ tầng mạng di động 4G, đẩy nhanh phủ sóng di động 5G; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin có đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để CĐS đối với các lĩnh vực của đời sống KT-XH. Hoàn thiện hạ tầng dữ liệu từ hạ tầng vật lý các trung tâm dữ liệu đến xây dựng dữ liệu mở của tất cả các ngành, lĩnh vực đảm bảo việc liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu, nhất là kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu về dân cư. Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển Hạ tầng tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng đơn giản, thuận tiện, an toàn.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng công khai minh bạch, nhanh chóng, kịp thời; đơn giản, dễ sử dụng. Xây dựng và phát triển dữ liệu số; tạo lập, kết nối, số hóa tài liệu hình thành Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh (Big Data) để thực hiện lưu trữ, kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan với nhau và với người dân, doanh nghiệp. Triển khai trợ lý ảo trong cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động; nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình...
Bốn là, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế số trong ngành, lĩnh vực và trong doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy trong áp dụng mô hình kinh doanh số, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát triển xã hội số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào và niềm tin của người dân trên không gian số góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng đoàn thanh niên trong triển khai thực hiện công tác CĐS ở cơ sở.
Cùng với đó là các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin phục vụ CĐS; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS để CĐS sẽ thực sự làm thay đổi KT-XH của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới...
Hương Thảo (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-11-20 15:07:00
Dưới chân núi Chiếu Bạch
“Tiếng gọi của khoảng trống” – viết như nội tâm hóa sự tham dự văn hóa
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
Điều còn mãi
Chuyện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Không chỉ là huyền thoại!
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 2): Những chuyến đi nghĩa tình