(Baothanhhoa.vn) - Trong năm 2023, các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã xử lý tới 5.578 vụ vi phạm, trong đó số vụ chuyển khởi tố hình sự là 898 vụ, với số tiền thu gần 210 tỷ đồng. Con số này nói lên thực trạng vi phạm không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Nóng” hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại

Trong năm 2023, các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã xử lý tới 5.578 vụ vi phạm, trong đó số vụ chuyển khởi tố hình sự là 898 vụ, với số tiền thu gần 210 tỷ đồng. Con số này nói lên thực trạng vi phạm không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Nóng” hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mạiLực lượng quản lý thị trường kiểm tra thiết bị âm thanh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu BMB.

Thời gian gần đây, lực lượng công an đã liên tục bắt giữ các vụ tàng trữ, sản xuất pháo nổ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, do nhiều đối tượng tham gia và thu giữ khối lượng lớn pháo nổ, thuốc pháo, bột thuốc pháo cùng các dụng cụ để sản xuất pháo... Điển hình như ngày 22/12/2023, Công an thị xã Nghi Sơn đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Kiên đang tàng trữ 5 hộp pháo nổ loại 49 quả có tổng khối lượng 8,75kg. Mở rộng điều tra, Công an thị xã Nghi Sơn đã bắt giữ thêm 6 đối tượng khác trong đường dây mua bán, tự chế tạo pháo do Kiên cầm đầu, đồng thời thu giữ 1 hộp pháo tự chế và 2 quả pháo tự chế có tổng khối lượng 1,95kg. Qua đấu tranh, các đối tượng đã khai nhận tập hợp, câu kết với nhau qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo bán để kiếm lời.

Trước đó, cuối tháng 11, Công an huyện Nông Cống cũng đã phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng trú tại xã Tân Phúc (Nông Cống) tàng trữ trái phép 29kg pháo nổ. Nghiêm trọng hơn, qua khám xét, công an đã phát hiện các đối tượng còn xây dựng tầng hầm bí mật có khóa điện tử với nhiều đồ vật liên quan đến việc sản xuất pháo, gồm: 54,8kg các loại chất bột tạo màu cho pháo; 10kg các hạt tạo màu cho pháo đã hoàn thiện; 2,2kg thuốc nổ; 7kg ống pháo bằng giấy; 2 thiết bị làm hạt tạo màu cho pháo và làm dây cháy chậm cùng nhiều đồ vật khác... Pháo sau khi sản xuất được dán tem nhãn giống các loại pháo lậu nước ngoài và bán ra cho những người có nhu cầu mua với giá là 800 nghìn đồng/hộp.

Đặc biệt, cùng với mặt hàng pháo nổ, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã bắt giữ hơn 20 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Mới đây nhất, trong kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên hai tuyến biên giới của tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vào ngày 28/12/2023, Tổ công tác Đồn Biên phòng Tam Chung đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mường Lát và Công an xã Tam Chung làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát). Qua các biểu hiện nghi vấn và biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 2 thanh niên mang theo 1 gói nilon, bên trong chứa hơn 8 viên nén màu hồng và 1 cục dạng bột màu trắng. 2 thanh niên khai đây là ma túy (heroin), vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý.

Cùng với tội phạm buôn bán hàng cấm, hàng lậu, tình hình vận chuyển, buôn bán các loại hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng diễn biến khá phức tạp. Hàng trăm vụ việc vi phạm từ kinh doanh hàng hóa tiêu dùng như quần áo, giày dép tới vật liệu xây dựng... liên tiếp bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện. Điển hình như ngày 12/12/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xử phạt hành chính 18 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vinh, địa chỉ tại phố 6, phường Quảng Cát (TP Thanh Hóa) vì hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng Adidas.

Thanh Hóa là địa phương có địa bàn rộng, đa dạng địa hình, dân số đông, hệ thống giao thông kết nối bằng nhiều phương tiện đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường hàng không. Đây là thuận lợi cho hoạt động thông thương hàng hóa nhưng cũng là khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, các tuyến biên giới qua 5 huyện miền núi với địa thế hiểm trở khiến công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy gặp nhiều thách thức trong điều kiện lực lượng mỏng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu.

Ông Lữ Minh Thư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết: "Thời gian tới, cùng với việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, ban sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường các biện pháp quản lý nắm chắc địa bàn và dự báo tình hình thị trường để nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu. Cùng với đó, ban sẽ chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng và gia tăng vai trò phát giác, thông tin của quần chúng Nhân dân, lực lượng ngoài biên chế".

Trước mắt, để tập trung cho nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 đang triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh. Địa bàn kiểm tra được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, hàng không và thị trường nội địa. Trong đó trên tuyến biên giới đất liền sẽ tập trung kiểm tra các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tuyến biển sẽ tập trung kiểm tra tại Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Lạch Hới, Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển; các phương tiện vận chuyển trên biển; Cảng Hàng không Thọ Xuân.

Trên thị trường nội địa sẽ tập trung kiểm tra tại các địa bàn là nơi phát luồng hàng hóa, tập trung nhiều điểm kinh doanh buôn bán lớn tại các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cảng hàng không, nhà ga đường sắt, các kho hàng hóa, xe vận chuyển bưu chính, chuyển phát nhanh, logistic, bến xe, các phương tiện vận tải trên tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh, các hoạt động về thương mại điện tử...

Các mặt hàng được chú trọng kiểm tra trong cao điểm này bao gồm: ma túy, vũ khí, pháo nổ, pháo hoa, khoáng sản, ngoại tệ, xăng dầu, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, động vật hoang dã, gỗ, khoáng sản; sắt, thép; thiết bị vệ sinh; điện thoại, linh kiện điện thoại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ như: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; dược liệu, vị thuốc cổ truyền; vật tư, trang thiết bị y tế; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện thời trang; phụ tùng ô tô; xe máy, mũ bảo hiểm; đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng...

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]