Nơi đất hóa tâm hồn...
Thẳm sâu trong ánh mắt của những người cựu binh miền Đông Nam bộ còn lại trên vùng đất Nông trường Lam Sơn năm cũ là tháng ngày gian khổ, cực nhọc, nhưng căng tràn khí thế, hừng hực nhiệt huyết lao động biến núi rừng hoang vu thành nông trường phì nhiêu bạt ngàn cây trái. Hòa bình, dù có cơ hội về lại quê cũ, nhưng xứ Thanh đất đã hóa tâm hồn níu giữ...
Ông Lê Văn Thọ và bà Đỗ Thị Huấn ôn lại ký ức qua tấm ảnh lưu niệm thời kỳ đầu thành lập Nông trường Lam Sơn.
1. Cuối thu, nắng vàng ươm như mật rót lên những ngôi nhà dọc cao tầng theo con đường lớn dẫn về trung tâm xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) trong huyên náo cảnh phố thị đông vui. Đó cũng là nơi đứng chân của Nông trường Lam Sơn tiếng tăm vang lừng một thuở, tuy đã mang tên gọi mới - Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn, nhưng vẫn hằn in ký ức về sự kiện tập kết của 70 năm trước.
Trong tâm trí ông Lê Văn Thọ (SN 1932) đang ngồi trước tôi, cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, nơi này còn là rừng sâu thâm u, thưa vắng chân người. Nơi mà từ trong gian khổ, đau thương, ông đã lao động và chiến đấu, vừa làm tròn nghĩa vụ người lính, vừa có một gia đình nhỏ với bà Đỗ Thị Huấn (SN 1942), người xã Định Long (Yên Định) cùng 3 người con, trai gái đủ đầy. Và xã Lam Sơn trở thành quê hương thứ 2 của ông. Quê hương đầu tiên là xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, thực hiện theo chủ trương của Đảng, Bác Hồ, Trung úy Lê Văn Thọ, sĩ quan thông tin tạm biệt người thân, gia đình lên tàu tập kết. Nơi ông đặt bước chân đầu tiên trên đất Bắc là cảng Hới, Sầm Sơn, trong một ngày cuối năm trời lạnh căm. “Trên cửa sông lúc ấy là huyên náo tiếng hò reo vang lừng: Hoan hô cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết. Không khí ấy đã xua tan đi những mệt nhọc trong chúng tôi sau những ngày dài lênh đênh trên biển. Tôi nhớ lắm, quên sao được”, ông Thọ kể.
Ở Sầm Sơn chừng nửa tháng trong đùm bọc, sẻ chia của đồng bào Quảng Tiến, ông Thọ được ra Hà Nội học tập. Đến khoảng cuối năm 1957 ông trở lại Thanh Hóa biên chế vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 25, Sư đoàn 330 với nhiệm vụ khai hoang xây dựng nông trường trên núi rừng Ngọc Lặc, Thọ Xuân. Đến tháng 12/1958, Trung đoàn 25 được đổi tên thành Nông trường Lam Sơn, với khoảng 4.500 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu quê ở các tỉnh miền Đông Nam bộ tập kết.
Những ngày đầu bắt tay xây dựng nông trường cũng là quãng thời gian mà ông Thọ chẳng thể nào quên. Ông kể: Đêm ngủ, ông vẫn thường nghe tiếng hùm beo thú dữ. Nhận nhiệm vụ, cả đơn vị ai nấy đều hăng hái tổ chức khai hoang. Nhưng chẳng được bao lâu, khí thế ấy dần bị thui chột. Bởi họ thân là bộ đội đã quen cầm súng giết giặc trên chiến trường, giờ phải nương mình nơi rừng sâu heo hút, chẳng mấy người đành lòng. Rồi khi cả nước thiếu thốn, cơm ăn chẳng đủ no, lại làm việc nặng nhọc trong sốt rét, bệnh tật hoành hành...
Giữa lúc ấy, nông trường được Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, nói chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ. Sau buổi nói chuyện ấy, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của nông trường trên dưới như một, chẳng quản khó khăn vất vả, lúc xẻ núi, khi đào đá, ban ngày cuốc đất trồng cây, ban đêm đốt lửa khai hoang, mồ hôi thấm từng thớ đất, nhưng chẳng ai muốn ngơi nghỉ. Không có phân bón, họ nuôi bèo hoa dâu để ủ, rồi đốt đuốc vào hang sâu tìm lấy phân dơi... dần rà rừng cao su, cà phê, đồng lạc, ruộng lúa cứ bời bời xanh tốt. Và từ đây, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm đã theo các cung đường vào Nam, phục vụ bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng, hoặc xuất bán ra thị trường nước ngoài.
Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ông Thọ đưa vợ con về thăm quê cũ mới hay tin bố mẹ đã mất sau một đợt càn của Mỹ - Ngụy. Các anh trai cũng hy sinh trên chiến trường, chỉ còn lại hai người em gái. Ông chỉ biết ôm lấy di ảnh của họ mà khóc...
“Chiến tranh mà, thời chúng tôi nào ai được lựa chọn. Tôi cũng có cơ hội ở lại quê hương với công việc ổn định, đủ sức gánh vác gia đình. Nhưng tôi đã quay ra lại Thanh Hóa. Bởi đi qua gian khổ, mất mát, Nông trường Lam Sơn đã là máu thịt, là quê hương của tôi”, ông Thọ bộc bạch.
2. Ngày lên tàu tập kết, ông Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 1927) những tưởng chỉ 2 năm xa cách rồi lại được đoàn tụ với người vợ hiền và đứa con trai vừa lọt lòng. Nhưng rồi chiến tranh đã cướp đi ước muốn giản đơn ấy, đưa đẩy cuộc chia ly kéo dài đằng đẵng hơn 20 năm ròng, cho đến tận ngày đất nước thống nhất. Chẳng thể buồn đau được mãi, ông nén lại, biến đau thương thành tháng ngày tươi đẹp trên vùng đất Nông trường Lam Sơn gian khổ. Giờ ông có cháu chắt đủ đầy, trong một ngôi nhà nhỏ khuất lấp sau cánh rừng cao su xanh biếc ở thôn 5, xã Lam Sơn.
Cán bộ Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn thăm hỏi, động viên sức khỏe ông Nguyễn Tấn Đạt.
Gần trăm tuổi, ông Đạt giờ lúc nhớ lúc quên, nhưng vẫn thường cười mỗi khi trò chuyện. Gợi lại tháng năm tập kết, ký ức chầm chậm tìm về như đánh thức tuổi xanh nhiệt huyết, khiến đôi mắt ông tinh anh khác thường.
Giọng ông sang sảng: “Do Mỹ - Ngụy bội ước, không thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, không thể tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đằng đẵng xa cách, tôi nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê hương xã Tân Thới, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang (quê quán được ông Đạt cung cấp theo các giấy tờ của quân đội - PV), lòng như lửa đốt, muốn cầm súng trở lại miền Nam. Nhưng vì nhiệm vụ, cấp trên động viên tôi ở lại”.
Cũng như bao người con ở các tỉnh miền Đông Nam bộ có mặt ở Nông trường Lam Sơn khi ấy, ông Đạt đã đi qua đằng đẵng tháng năm trên vùng rừng sâu hoang vu để gây dựng cuộc sống mới với đủ thứ khó khăn, cực nhọc một thời. Còn chưa kể, chẳng lúc nào ông không nghĩ về phương Nam nơi còn vợ dại con thơ, lúc lòng như lửa đốt khi hay tin Mỹ - Ngụy khủng bố, lê máy chém khắp miền Nam tìm diệt người yêu nước, trong đó có gia đình của những người tập kết ra Bắc như ông... Nhưng bằng ý chí sắt đá, sức mạnh niềm tin, ông đã vượt qua, bởi phía trước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc - đất nước độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà.
Nông trường Lam Sơn được thành lập ngày 22/12/1958, với khoảng 4.500 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 25, Sư đoàn 330. Phần nhiều trong số họ là cán bộ, chiến sĩ quê ở các tỉnh miền Đông Nam bộ tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ. Đến cuối năm 1960, nông trường chuyển mô hình quản lý từ nông trường quân đội sang nông trường quốc doanh, rồi chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lam Sơn vào năm 2010. Đến năm 2020 chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn (thành viên góp vốn gồm: Công ty CP Cường Thịnh Bảo Minh và UBND tỉnh). Với nhiều thành tích, Nông trường Lam Sơn đã được tặng tưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. |
Ngay sau giải phóng, ông Đạt trở lại quê hương Tân Thới. May mắn tìm được vợ, còn người con trai cũng cầm súng sung quân biền biệt không về. Một thời gian sau, người vợ mắc bệnh hiểm nghèo, một tay ông chăm sóc chu toàn cho đến khi bà từ giã cõi đời. Đến năm 1978, ông trở lại vùng đất Nông trường Lam Sơn ở đến giờ.
Ông bộc bạch: “Ở nơi này, tôi và đồng đội đã lao động và chiến đấu góp công gây dựng lên một nông trường phì nhiêu no ấm. Và tôi đã có gia đình, con cháu đủ đầy. Lam Sơn, Thanh Hóa đã là một phần của tôi”.
3. Những cán bộ, chiến sĩ miền Đông Nam bộ có mặt trên Nông trường Lam Sơn năm ấy phần nhiều được trở lại miền Nam chỉ huy, chiến đấu, người chuyển công tác ra Hà Nội, hoặc đến các nông trường khác, người hy sinh trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ,... Ông Đạt, ông Thọ là 2 trong số 3 người ngày ấy còn lại trên mảnh đất này. Họ là nhân chứng sống của sự kiện tập kết của 70 năm trước và là một phần lịch sử của Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn. Vượt qua nỗi buồn chia ly xa cách, nỗi nhớ gia đình, người thân, họ đã nghe theo Đảng, Bác Hồ căng tràn khí thế, hừng hực quyết tâm khai hoang mở đất, biến vùng đất cằn khô sỏi đá thành một nông trường phì nhiêu bạt ngàn cây trái, sinh sôi cuộc sống mới. Trên hết trong họ là Tổ quốc, là khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà để dâng hiến sức trẻ, tuổi xanh. Và từ sau những hy sinh gian khổ ấy, vùng đất Nông trường Lam Sơn đã tạc ghi trong họ một miền ký ức rất đỗi huy hoàng, hóa tâm hồn nặng sâu trong thăm thẳm trái tim ấm nóng.
Đường về xuyên qua bạt ngàn rừng cao su, đồng dứa xanh tít tắp, tôi miên man câu văn trong truyện ngắn “Mùa lạc” của cố nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Những người con quê hương miền Đông Nam bộ trên vùng đất Nông trường Lam Sơn mà tôi may mắn được gặp cũng đã vượt qua những “ranh giới” để biến vùng đất hoang vu thành... tâm hồn, thịt da của mình.
Phó Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn Lê Đình Giao cho biết: Phát huy truyền thống vẻ vang, tập thể cán bộ, công nhân, người lao động công ty đang nỗ lực, ra sức thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động và đóng góp nguồn thu ngày càng cao cho ngân sách Nhà nước... |
Ghi chép của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-27 12:53:00
Trên boong tàu lộng gió ấy...
Tương lai của thành phố biển...
Người thầy của học sinh miền Nam
Hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng: Mệnh lệnh từ trái tim!
Nỗi nhớ thương “ngày Bắc đêm Nam”
Xứ Thanh... nghĩa tình
Những đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc
Vai trò của ngành LĐ-TB&XH trong việc ổn định đời sống đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Khi ký ức cất lời
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình