(Baothanhhoa.vn) - Miền biên viễn Mường Lát đang khoác lên mình "chiếc áo" đẹp nhất trong năm khi những quả đồi được phủ trắng bởi hoa mận. Vẻ đẹp ấy đang thu hút đông đảo người dân và du khách đến chiêm ngưỡng, lưu lại những khoảnh khắc đẹp.

Nơi ấy có hoa cười trong gió

Miền biên viễn Mường Lát đang khoác lên mình “chiếc áo” đẹp nhất trong năm khi những quả đồi được phủ trắng bởi hoa mận. Vẻ đẹp ấy đang thu hút đông đảo người dân và du khách đến chiêm ngưỡng, lưu lại những khoảnh khắc đẹp.

Nơi ấy có hoa cười trong gióVườn mận của gia đình chị Thao Thị Dua, bản Pù Toong, xã Nhi Sơn (Mường Lát) là địa điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ khi mùa hoa mận đến.

Tôi có hẹn với huyện Mường Lát vào một ngày xuân khi những rừng mận đua nhau nở hoa trắng ngần khắp các bản làng. Dù năm nay, thời tiết có chút “đỏng đảnh” nhưng hoa mận vẫn như hưởng “lộc trời”, bung nở ngập tràn sức sống. Dưới nắng xuân ấm áp, hương thơm dìu dịu của hoa mận lay gọi đàn ong đến hút mật, thụ phấn.

Khác với cây đào - loài cây gắn với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông từ đời này qua đời khác, cây mận được chọn vì nó phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, đặc biệt rất dễ chăm sóc. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã Nhi Sơn và xã Pù Nhi từng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Vào mùa xuân, hoa thuốc phiện nở bạt ngàn, nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở đây vẫn quẩn quanh bế tắc. Tệ nạn nghiện hút cùng với tập tục du canh, du cư, đốt nương làm cho rừng cạn kiệt, đời sống người dân càng bấp bênh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, năm 1997, xã Pù Nhi đã xóa được cây thuốc phiện, thay vào đó là trồng mận và đào - giống cây góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Qua rà soát từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, địa phương có khoảng 100ha mận các loại, chủ yếu tập trung ở các bản Pù Toong, Cơm và Cá Tớp, xã Pù Nhi và bản Lốc Há, Cặt, Pá Hộc, xã Nhi Sơn. Thường, mận Tam Hoa bung nở vào đầu tháng Giêng và cho thu hoạch quả từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 hằng năm. Mận hậu ra hoa và kết quả muộn hơn một chút. Vào mùa hoa nở và mùa thu hoạch, những bản làng ở huyện vùng biên Mường Lát trở nên nhộn nhịp như có hội. Các đoàn xe từ nhiều nơi nối đuôi nhau về bản của 2 xã Pù Nhi, Nhi Sơn để tham quan, chụp ảnh với hoa mận.

Nơi ấy có hoa cười trong gióAnh Gia Văn Khua ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát) chia sẻ về câu chuyện đưa cây mận Tam Hoa về trồng.

Nổi tiếng nhất là vườn mận hậu của gia đình chị Thao Thị Dua ở bản Pù Toong. Chị Dua bắt đầu công việc kinh doanh “đặc biệt” này bằng việc chụp ảnh vườn mận và đăng tải lên facebook cá nhân. Theo chân những bức ảnh, nhiều người tìm đến xin vào tham quan, check-in với hoa mận. Mùa xuân năm nay dù không quảng bá rầm rộ, vườn mận của gia đình chị vẫn đón nhiều vị khách cả quen lẫn lạ đến ngắm hoa và chụp ảnh, đông nhất là vào 2 ngày cuối tuần. Phí vào vườn dao động từ 10 - 20 nghìn đồng. Nhờ vậy, gia đình có thêm nguồn thu nhập vào mùa hoa mận. Vào mùa thu hoạch, những vị khách đến tham quan còn đặt mua quả về làm quà. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như chị Dua, bởi việc sử dụng công nghệ đa số là người trẻ. Người lớn tuổi, đặc biệt là ở các bản vùng sâu, vùng xa, điện thoại thông minh, mạng xã hội vẫn là thứ khá xa vời.

Có lẽ không nhiều người biết ông Lâu Văn Chá, bố chồng chị Dua là một trong những người đầu tiên cắm rễ cây mận hậu trên đất Pù Nhi. Tuy nhiên, gần 20 năm trước, đường lên Mường Lát hãy còn khó khăn, huống chi đường vào các xã, bản. Vì thế, người nông dân trồng mận cũng không biết bán cho ai. Cây mận hậu Pù Nhi bất đắc dĩ trở thành cây trồng phụ trong vườn nhà. Vài năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, việc bán mận dễ dàng hơn khi có thương lái dưới xuôi lên bao tiêu sản phẩm, quả mận cũng vì thế được “đổi vận”. Giá bán mận cũng tăng từ vài nghìn đồng/1kg lên vài chục nghìn đồng/1kg. Tính nhanh, một gốc mận già cũng thu được tiền trăm, tiền triệu. Thấy được hiệu quả, huyện Mường Lát đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng mận và khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng mận. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mận. Đơn cử như gia đình ông Chá, ngoài việc duy trì hơn 20 gốc già có tuổi thọ hơn 20 năm, thì vài năm trở lại đây gia đình ông đã trồng 200 gốc mận mới.

Nơi ấy có hoa cười trong gióHoa mận phủ trắng những ngọn đồi ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát).

Xa hơn một chút, vườn mận của gia đình anh Gia Văn Khua ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn có tuổi đời gần 10 năm. Anh Khua chọn cây mận Tam Hoa - giống mận nổi tiếng của đất Bắc Hà (Lào Cai) về trồng để tạo sự khác biệt, giảm cạnh tranh. Gọi là mận Tam Hoa vì cây mận này ra rất nhiều hoa, mọc thành chùm bám trắng cành cây, từ gốc đến ngọn tựa như hoa cà phê ở Tây Nguyên, nhưng mỗi chùm có ba cái hoa, nên khi đậu quả thường rất sai. Giống mận này da căng láng, ánh màu đỏ tím bắt mắt; cắn trái mận thấy giòn tan, vị ngọt thanh, thoáng lại dôn dốt chua nhẹ... rất được lòng người thưởng thức, nhất là phụ nữ. Sau gần 10 năm, 5 gốc mận đầu tiên đã nhân bản thành hơn 200 gốc mận, giúp anh thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Song song với việc trồng mận, anh Khua còn trồng đào, cam Vinh và bưởi. Tận dụng nguồn thức ăn từ hoa rừng, hoa đào và mận, anh Khua nuôi thêm ong lấy mật. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí có lãi khoảng 300 triệu đồng.

Được biết, chính quyền 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn đang hướng bà con liên kết sản xuất theo mô hình “nhóm hộ” trồng mận. Hiện nay, bản Pù Toong có gần 20 hộ dân đăng ký nhóm trồng mận hậu; bản Lốc Há có 6 hộ dân đăng ký nhóm trồng mận Tam Hoa, trung bình mỗi hộ dân có từ 3 - 5ha mận. Các hộ dân sẽ thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mận theo tiêu chuẩn VietGAP, bán quả tươi và sẵn sàng cho khách trải nghiệm, tham quan vườn mận.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]