(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các địa phương nói chung và huyện Bá Thước nói riêng bị “đóng băng”. Ngay sau khi thị trường nước ngoài cho phép lao động nhập cảnh, huyện Bá Thước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bước đầu đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Những “tín hiệu” vui từ xuất khẩu lao động ở các huyện miền núi

Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các địa phương nói chung và huyện Bá Thước nói riêng bị “đóng băng”. Ngay sau khi thị trường nước ngoài cho phép lao động nhập cảnh, huyện Bá Thước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bước đầu đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Những “tín hiệu” vui từ xuất khẩu lao động ở các huyện miền núiNhiều lao động ở các huyện miền núi được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ tại Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC tại TP Thanh Hóa đã xuất cảnh.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện có 205 lao động đã xuất cảnh sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc (Đài Loan), Ả Rập - Xê Út, Hàn Quốc...

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước Lê Phú Hiền, cho biết: Để đạt được kết quả cao trong công tác XKLĐ, huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người lao động nhận thức được ý nghĩa của việc XKLĐ; tích cực hỗ trợ người lao động trong việc thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực XKLĐ đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định. Khi tham gia thực hiện tuyển chọn lao động tại huyện doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép và có thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi tuyển dụng lao động. Trên cơ sở hồ sơ pháp lý, năng lực của các doanh nghiệp, huyện lựa chọn, giới thiệu những doanh nghiệp tuyển dụng lao động có uy tín và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ trong công tác tuyển dụng lao động.

Cùng với huyện Bá Thước, công tác XKLĐ của các huyện miền núi cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tìm hiểu thực tế tại các địa phương được biết, tính đến thời điểm hiện tại 11 huyện miền núi có hơn 2.800 người tham gia XKLĐ tại các thị trường lao động như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Rumani, Ả Rập Xê Út... Nhìn chung lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt; chấp hành pháp luật của nước sở tại, thực hiện nghiêm hợp đồng lao động đã ký kết. Bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động tại các thị trường dao động từ 12 - 30 triệu đồng/tháng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho các địa phương, góp phần vào công tác giảm nghèo ở các huyện miền Tây xứ Thanh.

Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa Nguyễn Văn Bình, cho biết: Việc thị trường nước ngoài cho phép người lao động nhập cảnh mở ra cơ hội hồi phục nhanh chóng cho các doanh nghiệp cũng như đáp ứng mong muốn của người lao động. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác XKLĐ ở các huyện miền núi có nhiều khởi sắc, hàng nghìn lao động đã xuất cảnh, có việc làm ổn định, mức thu nhập cao. Nhận thức của người dân về công tác XKLĐ cũng được nâng lên, một bộ phận lao động ở các huyện miền núi đã và đang tích cực tham gia học ngoại ngữ để thực hiện ước mơ thoát nghèo.

Thời gian tới, các huyện miền núi cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác XKLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động XKLĐ, giúp người lao động nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Chủ động lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, tránh thiệt hại cho người lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bản thân người lao động cần chủ động nâng cao trình độ, tay nghề và trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa, con người nước sở tại đến lao động; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, an toàn lao động, tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sống, làm việc tại nước ngoài.

Bài và ảnh: Nguyễn Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]