Những nữ dũng sĩ làng Yên Vực
Theo những con đường nhỏ đằm mình trong nắng chiều tháng 7, chúng tôi về thăm các dũng sĩ làng Yên Vực, phường Tào Xuyên (nay là phường Nguyệt Viên) năm xưa. Hai chị em bà Nguyễn Thị Tuyền, Nguyễn Thị Tuyến; bà Nguyễn Thị Huyên; bà Nguyễn Thị Thuyền... Mỗi người một cuộc đời, một số phận riêng, nhưng họ đã cùng chung một thời hoa niên sống và cống hiến hết mình cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Niềm vui “tuổi xế chiều” của bà Nguyễn Thị Huyên và bà Nguyễn Thị Tuyền - những nữ dũng sĩ làng Yên Vực.
1. Bà Nguyễn Thị Tuyền (82 tuổi) chậm rãi hồi tưởng lại ký ức thanh xuân tươi đẹp trong niềm vui, niềm tự hào và sự xúc động, nghẹn ngào đan xen. Bà bộc bạch: “Tôi nay đã “gần đất xa trời”, nhiều việc đã quên quên nhớ nhớ lẫn lộn hết cả”... Ấy vậy mà, chuyện làng Yên Vực chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ra sao, bà tham gia đánh Mỹ như thế nào thì đã hằn in trong tâm trí, tưởng chừng chỉ khẽ đưa tay phủi đi lớp bụi thời gian là ngay lập tức sáng rõ, hiển hiện sinh động, chân thực.
Buổi chiều đạn lửa ngày 3/4/1965 ghi tạc vào trang sử xứ Thanh sự kiện: Không lực Mỹ bắt đầu tấn công cầu Hàm Rồng; từng tốp máy bay phản lực đủ các loại như: F-105, F-8, F-101... thay nhau bổ nhào bắn phá. Trong phút chốc, Hàm Rồng trở thành “chảo lửa”, rung chuyển khắp một vùng. “Cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng của quân và dân Thanh Hóa diễn ra vô cùng khốc liệt, mất mát, hy sinh nhiều lắm” – lời bà Tuyền nói trong rưng rưng nước mắt. Bà Tuyền là một trong những nữ dân quân làng Yên Vực tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng từ những ngày đầu tiên. “Ngay từ ngày 3/4/1965, nhiều máy bay của địch đã tiến vào Hàm Rồng. Tiếng gào rú inh ỏi của động cơ máy bay, tiếp sau đó là tiếng bom rơi đạn nổ xé nát những tháng ngày bình yên của mảnh đất Hàm Rồng và những ngôi làng xung quanh, trong đó có làng Yên Vực của chúng tôi” - bà Tuyền trầm giọng kể lại.
Bên bờ Bắc Hàm Rồng khi ấy, làng Yên Vực chẳng khác nào “túi đựng bom”. Để tránh thương vong, làng Yên Vực vận động bà con trong làng đi sơ tán, chỉ để lại lực lượng dân quân bám trụ phục vụ chiến đấu. Trung đội dân quân làng Yên Vực được thành lập với khoảng 100 người tham gia, chia làm 5 bộ phận, đảm nhận nhiều công việc khác nhau như: tải cứu thương, tải đạn, thay thế pháo thủ, trực chiến, hậu cần, mai táng liệt sĩ, tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất, đào công sự, giúp dân đi sơ tán... Bà Tuyền kể: “Lực lượng dân quân Yên Vực khi ấy được bố trí ăn ngủ tập trung, thường ngày vẫn lo việc đồng áng, lao động sản xuất. Khi quân giặc bắn phá thì phối hợp với các đơn vị chiến đấu tại các trận địa pháo”.
Dẫu rằng trước đó chẳng biết khẩu pháo hình dạng, cấu tạo, cách sử dụng ra sao. Nhưng phát huy tinh thần “cháu con quê hương Bà Triệu”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, cô dân quân trẻ Nguyễn Thị Tuyền lúc đó vẫn hăng hái đăng ký tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tiếp lương, tải đạn, tải thương cho đến thay thế pháo thủ. Bà Tuyền nhớ, những ngày ấy, bà lúc nào cũng đeo khẩu súng K44 trên vai. Chiến sự ác liệt nên việc tải đạn, tải thương rất cấp bách. Để nhanh chóng, kịp thời tiếp đạn cho các đơn vị bộ đội trên trận địa, bà Tuyền đã nghĩ ra cách kê thêm mảnh luồng nhằm “độ” thêm sức mạnh cho đôi vai. “Nghĩa là chiến sự cần gì, bộ đội cần gì thì dân quân làng Yên Vực quyết tâm làm cho bằng được, bất kể bom rơi đạn lạc, hiểm nguy luôn rình rập, có chết cũng không từ nan” – bà Tuyền bộc bạch.
Với nhiều nỗ lực, đóng góp trong lao động, chiến đấu, năm 24 tuổi, bà Tuyền đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bà Tuyền từng là Trung đội phó Trung đội dân quân làng Yên Vực, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Long và cũng có thời gian gắn bó với công tác hội phụ nữ xã... Ở vị trí nào, bà Tuyền cũng nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao. Bà đã cùng đồng đội đi qua tuổi hoa niên sôi nổi, đẹp đẽ, đầy tự hào.
2. Hồi ức chiến tranh, đều có những xót xa, ám ảnh khôn nguôi về sự mất mát, hy sinh. Ký ức về một thời đạn bom của những nữ dân quân làng Yên Vực cũng vậy. Bà Nguyễn Thị Huyên (80 tuổi) rưng rưng hồi tưởng lại đợt đánh phá quy mô lớn của máy bay Mỹ vào vùng Hàm Rồng – sông Mã trong các ngày 21, 22, 23/9/1966.
Theo kế hoạch tác chiến, hải quân Mỹ huy động trên 80% lực lượng máy bay cường kích tấn công khu vực này trong 3 ngày liên tiếp theo kiểu “lá rụng nhiều tầng”. Mục tiêu ném bom không chỉ là cầu Hàm Rồng mà còn công kích các mục tiêu lân cận. Thời gian đánh trận này đến trận khác chỉ cách nhau một tiếng đồng hồ để đối phương chưa giải quyết xong hậu quả của trận trước đã phải đối phó với trận sau. Trong mỗi trận công kích, giặc Mỹ dành trên 50% lực lượng đánh vào các trận địa pháo trước, rồi mới bổ nhào đánh cầu. Bà Nguyễn Thị Huyên kể: “Trong một lần bom rơi, cả nhà kho bên trong tập trung nhiều bộ đội bị san bằng, không còn một ai sống sót. Khi lực lượng dân quân chúng tôi nhận nhiệm vụ tải thương, chứng kiến cảnh tượng ấy mà đau đớn, thương xót vô cùng. Chúng tôi cố kìm nén thương đau đưa các anh vào trong làng để lo hậu sự”.
Bà Huyên đưa tay lau nước mắt, kể thêm: “Tôi vẫn nhớ mãi, lúc bấy giờ tập kết thi thể các chiến sĩ ở trong làng, chị em cứ bần thần đứng quanh. Có cụ cao niên trong làng lên tiếng động viên: Các con, các cháu cố gắng lên, lo cho các anh đến nơi đến chốn để các anh được an ủi phần nào. Thương lắm mà không làm sao được”. Nói rồi, bà Huyên lại rơm rớm, mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt của bà Huyên, vừa mang nỗi đau chung của dân tộc, vừa xót xa cảnh nhà. Được biết, bố của bà Huyên cũng chết do trúng bom; bà Huyên cũng từng đi qua lằn ranh sinh tử dưới làn mưa bom bão đạn không biết bao lần. Nhưng với bà Huyên: “Dù thế nào, dân quân làng Yên Vực chúng tôi cũng luôn bám trận địa, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hiệp đồng với bộ đội đánh thắng quân địch”.
3. Những mất mát, hy sinh cũng là điều mà bà Nguyễn Thị Thuyền phải chứng kiến khi làm công việc tải thương trong những ngày trận địa Hàm Rồng - Yên Vực rực lửa. Tay bà đã từng gom nhặt những mảnh thi thể của người dân, bộ đội. Có lần, mảnh bom sượt qua người khiến bà trầy da, chảy máu.
Giờ đây, bà Thuyền sống một mình trong căn nhà nhỏ. Câu chuyện về cuộc đời bà Thuyền khiến nhiều người thương cảm. Gia đình bà Thuyền có 3 anh chị em, mình bà là con gái. Anh trai bà nhập ngũ sau đó hy sinh. Phần vì ý chí của bản thân, phần vì muốn em trai toàn tâm toàn ý ở nhà phụng dưỡng bố mẹ, bà Thuyền quyết định tham gia thanh niên xung phong. Thế nhưng, khi bà Thuyền vừa vào đến chiến trường cũng là lúc nhận được tin em trai cũng đã lên đường nhập ngũ. Em trai bà Thuyền sau đó hy sinh, gia đình bà có 2 liệt sĩ. Bà Thuyền thở dài: “Đến cuối cùng, tôi lại là người may mắn sống sót”. Từ chiến trường trở về, bà “ở vậy” chăm sóc bố mẹ.
Một dải Hàm Rồng – sông Mã những ngày kháng chiến chống đế quốc Mỹ thực sự là vùng đất của biết bao chiến công rực lửa, của những thăng trầm và thăng hoa, của những con người bình thường trở nên phi thường, vươn lên thành biểu tượng đẹp cho tình yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng trong. Làng Yên Vực là vùng đất ghi danh vào lịch sử xứ Thanh nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung với những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Đây là quê hương của 75 dũng sĩ vẻ vang. Trong đó, những nữ dũng sĩ Yên Vực khi ấy, chẳng ngại khó, ngại khổ, chẳng màng hiểm nguy chờ chực, vẫn một lòng nêu cao ý chí quyết tâm, hướng tới khát vọng chung - khát vọng hòa bình. Họ đã cùng nhau viết nên khúc ca đẹp về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất phụ nữ Việt Nam.
Và khi “bóng chiều đã ngả”, một trong những niềm vui lớn nhất của các nữ dũng sĩ làng Yên Vực như bà Tuyền, bà Huyên, bà Thuyền là được vui vầy bên gia đình, người thân, được sống gần bên những người đồng đội cùng vào sinh ra tử trên mảnh đất quê hương và nhìn thấy quê hương đổi mới, phát triển từng ngày...
Bài và ảnh: Thanh Hương
{name} - {time}
-
2025-07-21 22:27:00
Khoảng 10 giờ trưa mai, bão số 3 đổ bộ từ Hải Phòng đến Thanh Hoá
-
2025-07-21 20:45:00
Bảo đảm an toàn hồ đập
-
2025-07-21 20:22:00
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão số 3
Những “viên gạch hồng” đầu tiên
Đảm bảo an toàn hàng dự trữ quốc gia ứng phó bão số 3
Dừng, giãn chạy tàu hỏa và di chuyển tàu thuyền an toàn để ứng phó bão số 3
Bão số 3 tăng cấp, Thanh Hóa dự báo mưa lớn nhất tập trung vào đêm nay và sáng mai
Dự báo thời tiết đêm 21 ngày 22/7/2025
Bảo đảm hoạt động thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau cơn bão số 3
Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3 năm 2025
Nguy cơ sạt lở cao, xã biên giới Na Mèo dựng lán tạm, sẵn sàng di dân
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng/tháng từ năm 2026