Những người “giữ lửa” văn hóa làng biển

(Baothanhhoa.vn) - Từ xưa đến nay, vùng biển xứ Thanh được biết đến là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như các lễ hội, những làn điệu dân ca, trò chơi, trò diễn dân gian... Góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng ấy, không thể không nhắc đến vai trò của những người “giữ lửa”. Họ là “kho tư liệu sống” đã và đang trao truyền lại di sản văn hóa cho các thế hệ sau.

Từ xưa đến nay, vùng biển xứ Thanh được biết đến là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như các lễ hội, những làn điệu dân ca, trò chơi, trò diễn dân gian... Góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng ấy, không thể không nhắc đến vai trò của những người “giữ lửa”. Họ là “kho tư liệu sống” đã và đang trao truyền lại di sản văn hóa cho các thế hệ sau.

Những người “giữ lửa” văn hóa làng biểnÔng Lê Trương Thụy, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) luyện tập các bài chèo do mình sáng tác.

Từ bao đời nay, tiếng trống hội làng Y Bích, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) dường như đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Đặc biệt, vào mỗi dịp tổ chức lễ hội nghè Vích, vào cuối tháng 6 (âm lịch) hàng năm, những âm thanh hối hả, rộn ràng của tiếng trống lại như thúc giục Nhân dân trong xóm, ngoài làng tới dự hội. Hòa theo nhịp trống, các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức trong lễ hội cũng trở nên sôi động, rộn rã hơn. Theo người dân trong làng: trống hội làng Y Bích vẫn được giữ gìn, phát huy và ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống như hiện nay, bên cạnh sự chung tay giữ gìn của bà con dân làng, thì người có đóng góp quan trọng nhất là ông Lê Doãn Phong. Không chỉ là người am hiểu, mà với sự nhiệt huyết, mong muốn truyền lại cho thế hệ tiếp theo, suốt những năm qua, ông Phong đã tập hợp các bạn trẻ có đam mê để truyền dạy lại các kỹ năng của bộ môn trống hội. Qua trò chuyện với ông Phong, chúng tôi được biết: Là người sinh ra và lớn lên ở làng Y Bích, từ nhỏ ông đã theo mẹ đi xem hội làng. Để rồi, cứ thế những nhịp, những phách của tiếng trống đã nuôi dưỡng tâm hồn ông cho đến khi lớn lên rồi mang duyên nợ với nghề. Dần dà, ông đã cùng các thành viên trong làng, tham gia biểu diễn trống hội vào các dịp lễ, tết hay các sự kiện của địa phương. Sau này, ông tham gia vào ban quản lý di tích nghè Vích và là người chủ đạo đóng vai trò điều hành lễ hội, cũng như luyện tập màn trống hội cho các thành viên. Theo ông, tiếng trống được hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của những người biểu diễn, làm nên nét đặc trưng của nghệ thuật múa trống. Tuy nhiên, bên cạnh sự khéo léo, uyển chuyển, người múa trống còn phải có khả năng cảm nhận âm nhạc và sức khỏe dẻo dai. Bởi múa trống thiên về những động tác mạnh mẽ, dứt khoát nên các thành viên phải tập luyện ròng rã cả mấy tháng trời. Thông thường, mỗi bài trống hội thường biểu diễn trong khoảng 7 - 8 phút, được chia thành ba phần, gồm phần mở đầu tiếng trống vừa uyển chuyển vừa biến hóa linh hoạt, thu hút sự chú ý của người nghe. Sau đó, tiếng trống từng hồi cấp báo giặc xâm lăng tàn phá, trống ngũ liên vang lên báo hiệu lệnh xuất quân thúc giục người người lên đường ra trận giữ yên bờ cõi. Phần kết là tiếng trống khải hoàn, tiếng trống vui vẻ, ngợi ca non sông đất nước thái bình... Đến nay, dù tuổi đã cao, song ông Phong vẫn hàng ngày tận tụy với công việc trao truyền nét văn hóa độc đáo của quê hương đến lớp trẻ. Mong muốn của ông là đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương mình.

Ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), dù người dân lúc thường bận rộn chuẩn bị cho những chuyến ra khơi bám biển dài ngày, thế nhưng không vì thế mà xóm làng thiếu vắng đi những làn điệu chèo truyền thống, vốn được người dân nơi đây trân quý và truyền từ đời này sang đời khác. “Bắt mạch nguồn” của làn điệu chèo là ông Lê Trương Thụy, một “cây văn nghệ” của làng. Bên ấm trà nóng, ông Thụy bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, bằng đôi câu chèo: Dân ca đài hát ngày đêm/ Nghe rồi lại muốn hát thêm mấy bài/ Nên tôi học hát theo đài/ Giấy bút ghi chép bao bài dân ca... Rồi, ông kể: làn điệu chèo đã ngấm vào ông từ thuở đôi mươi. Khi ấy đang trong quân đội, ông thường nghe các bài hát chèo từ chiếc đài. Nghe nhiều thành quen và rồi thuộc, từ đó ông làm “lính văn nghệ” và diễn chèo trong quân đội suốt thời trai trẻ. Sau khi xuất ngũ trở về, mang theo tình yêu văn nghệ, dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song hàng ngày, ông vẫn tự mày mò nghiên cứu, sáng tác được những tác phẩm chèo, viết kịch bản và dàn dựng chương trình để đội chèo của làng đi biểu diễn trong các hội diễn, sự kiện của địa phương và giao lưu với các địa phương khác. Các vở chèo do ông sáng tác gắn với các chủ đề như: xây dựng nông thôn mới, mừng Đảng, mừng xuân, ca ngợi Bác Hồ... Ông bộc bạch: “Để dựng một bài ca cảnh hoàn chỉnh, tôi phải mất cả tháng, viết một bài chèo thì cũng phải mất 1 - 2 ngày. Tốn nhiều công sức, thời gian nhưng tôi không hát chèo, không sáng tác chèo thì không chịu được”. Đến nay, dù đã 63 tuổi, song lửa đam mê làn điệu chèo vẫn cháy trong ông. Sau những công việc đời thường, mỗi ngày ông vẫn dành thời gian cuối chiều để đàn, hát, ngân nga các bài chèo do mình sáng tác cho gia đình và bà con dân làng cùng nghe.

Những người như ông Phong, ông Thụy và còn rất nhiều những cái tên đáng trân trọng khác nữa, dù không phải là nghệ nhân hay nhạc công chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn đang miệt mài với việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Bởi với họ, giữ được nét đẹp văn hóa của quê hương không phải chỉ vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và thế hệ nối tiếp. Qua đó, giúp mạch chảy văn hóa truyền thống vùng biển mãi được gìn giữ đến muôn đời sau.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

17°C - 21°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 19°C - 22°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 15°C - 22°C
    Nhiều mây, không mưa

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]