Những nẻo về nguồn cội
Nương theo những vàng son lịch sử, lần theo vỉa tầng văn hóa, bước chân đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) hay vùng “đất quý hương” Gia Miêu ngoại trang (xã Hà Long, Hà Trung) như một cách ngược dòng thời gian, về với nguồn cội.
Nét cổ kính, linh thiêng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).
Ngàn thu Lam Kinh
Những vạt rừng già đã ôm ấp, che chở Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (sau đây gọi tắt là Lam Kinh) tự bao đời và cũng đã cùng Lam Kinh đi qua bao thăng trầm thời gian, biến động lịch sử.
Từ độ vàng son lưu dấu. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long - Hà Nội lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh) để phân biệt với Đông Kinh. Từ đó, Lam Kinh trở thành vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê. Cùng với đó, nhà vua chủ trương cho xây dựng ở nơi này hàng chục công trình điện miếu, lăng tẩm quy mô, gọi chung là Lam Kinh, còn có tên gọi là Tây Kinh để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, với quê cha đất tổ, nơi an nghỉ của các nhà vua, Thái hoàng, Thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ khi vua lễ bái yết sơn lăng.
Về quy mô của Lam Kinh, sách Lịch triều hiến chương loại chí của nhà sử học Phan Huy Chú đã mô tả rất cụ thể: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu lăng của Lê Thánh Tông và lăng của các vua nhà Lê đều ở đấy cả. Lăng nào cũng có bia [...]. Điện làm ba ngôi liên nhau, kiểu chữ công mẫu mực theo giống như kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi trông xuống thì thấy núi, khe ở hai bên tả, hữu cái nọ cái kia vòng quanh thật là một chỗ đẹp để gây dựng cơ nghiệp”.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: "Lam Kinh nhà Lê: ở phía đông núi Lam Sơn tại xã Quang Thi, huyện Thụy Nguyên, phía nam trông ra sông Lương, phía bắc gối vào núi, là đất cơ nghiệp của Lê Thái Tổ. Đầu đời Thuận Thiên lấy đất này đặt làm Tây Kinh, cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông ra sông, đằng sau cung điện có hồ lớn, giống hồ Kim Ngưu, các khe núi đổ vào hồ này. Lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lợp ngói ở trên khe, đi qua cầu mới đến cung điện...”.
Những bước thiên di của thời gian cùng bao phen biến đổi của lịch sử đã tác động không nhỏ đến quy mô, kiến trúc của Lam Kinh. Từng có thời điểm, nơi đây trở nên hoang phế, điêu tàn. Để rồi, sau biết bao nỗ lực, tâm huyết, thành tâm của nhiều thế hệ, Lam Kinh từng bước được khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị, xứng tầm “kinh đô” tâm linh.
Lăng Trường Nguyên.
Đến với Lam Kinh hôm nay, du khách rưng rưng xúc động nghĩ về một giai đoạn lịch sử bi hùng hơn 10 năm “nếm mật nằm gai” của nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Bình Định vương Lê Lợi đã nhất tề nổi dậy chống lại quân Minh bạo tàn, làm nên chiến thắng oanh liệt, vang dội. Khởi nghĩa Lam Sơn đã ghi tạc dấu son rực rỡ, trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm đánh tan quân giặc, mở ra thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của quốc gia Đại Việt thời phong kiến.
“Đất quý hương” Gia Miêu ngoại trang
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, mở ra vương triều nhà Nguyễn. Trong bộn bề công việc của một vương triều mới thành lập, “những hình ảnh về một vùng đất cội nguồn gốc rễ - nơi phát tích của triều đại mình là làng Gia Miêu ngoại trang và huyện Tống Sơn thực sự gợi lên trong lòng vua Gia Long một tình cảm quê hương sâu đậm”. Vì lẽ đó, chỉ 2 năm sau khi lên ngôi (1804), vua Gia Long đã vinh phong Gia Miêu ngoại trang là “đất quý hương”, huyện Tống Sơn là quý huyện.
Đặc biệt, vua Gia Long cho xây dựng lăng Trường Nguyên (còn gọi là lăng Triệu Tường) thờ Triệu Tổ ngay dưới chân núi Thiên Tôn và khu miếu để thờ các vị tiên vương, gọi là miếu Triệu Tường. Trong miếu gồm có Nguyên miếu và miếu Trừng quốc công. Ở Nguyên miếu thờ Triệu tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim, gian bên phải thờ Thái tổ Nguyễn Hoàng; miếu Trừng Quốc Công thờ Nguyễn Văn Lưu - thân phụ của Triệu tổ Nguyễn Kim. Theo các tài liệu ghi chép: 5 vị vua triều Nguyễn từng về Gia Miêu bái yết tổ tiên, gồm Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại. Năm 1822, vua Minh Mạng trong lần về bái yết đã làm bài minh, cho dựng bia ngay ở chân núi Thiên Tôn nhằm nêu bật cái danh giá của vùng đất “phát phúc” và ca ngợi công đức của Triệu tổ Nguyễn Kim: “Đất chứa khí thiêng sinh ra Triệu tổ/ Vun đắp cương thường tỏ rõ thánh võ...”.
Ngoài khu lăng miếu Triệu Tường, cũng trong năm 1804, đình Gia Miêu được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng gần 400m2, thờ thành hoàng làng Nguyễn Công Duẩn. Đình được xây dựng theo kiểu chữ Đinh với hai tòa đại đình và hậu cung. Sự bề thế cùng những độc đáo trong kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ của đình Gia Miêu mang đậm dấu ấn triều Nguyễn.
Miếu Triệu Tường.
Thủ từ miếu Triệu Tường Nguyễn Đình Luận chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng hình ảnh miếu Triệu Tường cũ vẫn còn. Tuy nhiên, sự chảy trôi của thời gian, những năm tháng “bom rơi đạn lạc” cùng bối cảnh lịch sử khác nhau, lăng miếu bị phá hủy hoàn toàn”. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, khu lăng miếu Triệu Tường được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Các đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ được tiến hành đã phát lộ nhiều điều về quy mô, kiến trúc, giúp hậu thế có cái nhìn bao quát, chân thực, sắc nét hơn về khu di tích độc đáo, nơi được ví như “kinh thành Huế” thu nhỏ này.
Vừa qua, các cấp, ngành cùng chính quyền địa phương đã làm lễ động thổ giai đoạn 2 của Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lăng miếu Triệu Tường. Theo đó, quy mô và nội dung đầu tư gồm các khu vực: Khu miếu Triệu Tường, khu vực phát huy giá trị di tích, khu lăng Trường Nguyên, khu đền Ông và đường giao thông. Ông Luận bộc bạch: “Người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi chứng kiến những dấu tích của cha ông đã và đang ngày càng được quan tâm, đầu tư khang trang, đẹp đẽ hơn. Đây chính là động lực lớn lao để các thế hệ người dân xã Hà Long tiếp tục chung tay góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di tích, không ngừng nỗ lực cố gắng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển”.
Mỗi dịp về với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, về miền đất Gia Miêu ngoại trang, lòng thành thắp nén nhang thơm trước lăng mộ tiền nhân, mỗi chúng ta càng thêm thấm thía về nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, về sự thiêng liêng, cao quý của nguồn cội. Từ những cánh rừng thâm u cho đến vùng quê lọt trong lòng thung lũng, xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” khảm vào lịch sử dân tộc bằng rạng rỡ vương triều, hiển hách chiến công, lấp lánh văn hóa...
Bài và ảnh: Thảo Linh
{name} - {time}
-
2025-04-01 09:50:00
Lễ hội Đình Thi và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/4
-
2025-03-30 10:13:00
Về Hoằng Hóa xem hội ngày xuân
-
2025-03-21 11:06:00
Về Đông Môn thăm đền thờ nàng Bình Khương
LAMORI - Nàng thơ giữa núi rừng, điểm tổ chức sự kiện hoàn hảo
Đặc sắc lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội
TP Thanh Hóa: Nhiều điểm đến tâm linh hút khách
Các điểm du lịch tâm linh hút khách dịp đầu năm
Khám phá vùng đất Thành Sơn
Làng Lú Khoen trên đất Mường Rặc xưa
Kết nối cao tốc với Vườn Quốc gia Bến En
Du xuân ở Xuân Du
Mùa xuân và hành trình về với xứ Thanh