(Baothanhhoa.vn) - Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên dưới chân sóng, biển là nơi chúng có thể vô tư đùa nghịch, chạy nhảy theo những cánh diều. Tuổi thơ những đứa trẻ gửi vào biển, vào những con sóng. Để theo từng mùa gió biển, chúng lớn lên giúp mẹ trông em, cùng cha vá lưới, đến trường tìm con chữ và vẽ những ước mơ cho tương lai...

Những đứa trẻ lớn lên cùng biển

Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên dưới chân sóng, biển là nơi chúng có thể vô tư đùa nghịch, chạy nhảy theo những cánh diều. Tuổi thơ những đứa trẻ gửi vào biển, vào những con sóng. Để theo từng mùa gió biển, chúng lớn lên giúp mẹ trông em, cùng cha vá lưới, đến trường tìm con chữ và vẽ những ước mơ cho tương lai...

Những đứa trẻ lớn lên cùng biểnNhững đứa trẻ lật đá tìm còng, cáy nơi bãi đá gần bờ.

6 xã ven biển huyện Hậu Lộc có đường bờ biển dài 12,5 km, gần bờ là những bãi đá ngầm, lúc chìm, lúc nổi tùy theo thủy triều lên xuống. Và như một thứ “lộc trời”, những con hàu sữa bé xíu bám chi chít trên các mỏm đá là nguồn sinh kế cho người dân ven biển. Vào một buổi trưa hè nắng như đổ lửa, chở nhau lên vườn thông tại xã Đa Lộc hóng gió, tôi nghe tiếng “cóc, cóc, cóc...” phát ra từ bãi đá gần bờ, nơi có khoảng 4, 5 đứa trẻ ngồi úp mặt xuống bãi đá cạy hàu. Những đứa trẻ không khẩu trang, không bao tay, trên đầu đội mỗi chiếc mũ vải đều đặn đập mũi sắc nhọn của chiếc búa nhỏ vào lớp vỏ cứng của những con hàu. Lớp vỏ cứng tách ra, chúng lại dùng con dao nhỏ cạy lấy nhân con hàu sữa núng nính, to bằng đầu ngón tay bỏ vào chiếc bát tô. Từ trên triền đê, tôi nói vọng xuống: “Hàu có bán không? Chị mua”. Tiếng một đứa trẻ hét lên, cũng to không kém “có”. Tôi chạy xuống bãi đá, nhìn bát hàu tứa nước trắng đục, béo ngậy, cảm thán: “Ngon quá! Mấy đứa lấy từ lúc nào mà được cả bát rồi?”. “Ăn cơm xong là bọn em ra đây rồi, mùa này hàu đang béo nên bán được giá lắm. Chị muốn ăn thì lấy luôn đi không lát nữa mấy cô ngồi chợ lại lên gom hết. Bát này lưng, em lấy 50 ngàn nhá” – cậu bé chỉ khoảng 13, 14 tuổi “chốt” giao dịch không thể ngắn gọn hơn với nụ cười rất tươi. Tôi không lăn tăn về giá cả hay chất lượng bát hàu, tôi muốn nói chuyện nhiều hơn và cũng muốn ghi lại chút hình ảnh nhưng giữa trưa nắng, các em mang theo một đứa trẻ hơn 3 tuổi đang đòi mẹ, tôi không đủ kiên nhẫn để nán lại. Tôi đã trả tiền bát hàu và rời đi ngay sau đó.

Để tìm lại “biệt đội nhí săn hàu” hôm nào, trong một ngày mùa thu có nắng tôi đã bắt xe về biển. Lang thang trên triền đê từ lúc mặt trời còn trên đỉnh đầu đến khi mặt trời đi quá nửa bầu trời, tôi tuyệt nhiên không thấy đứa trẻ nào lảng vảng, chứ nói gì đến cả “biệt đội”. Hỏi ra mới biết, các em đang đi học. Từ khi năm học mới bắt đầu, mọi công việc mưu sinh chỉ được các em thực hiện sau giờ lên lớp. Ồ... như một sự vỡ lẽ, tôi bất giác mỉm cười. Khác với lớp trẻ làng biển đi trước, những đứa trẻ đang mang trong mình những ước mơ khác mà không phải phập phồng với lênh đênh sóng biển.

Không chấp nhận việc sẽ trở về tay không, tôi kiên nhẫn chờ đợi. “Không có biệt đội nhí săn hàu thì sẽ có những biệt đội khác, rồi tôi sẽ gặp được nhân vật hay để viết”, tôi nghĩ vậy. Thong thả đi dọc triền đê chợt thấy, diện mạo của những xã biển nơi đây thay đổi như người con gái thay áo mới. Hàng quán rộn ràng sôi động hơn, người ta hát hò say sưa cùng nhau trên triền đê, trong vườn thông chắn sóng ven biển... Biển như trẻ lại cùng với cái náo nhiệt của cuộc sống.

Hơn 5h chiều, những đứa trẻ cũng xuất hiện, mỗi lúc một đông hơn. Chúng chạy ào ra đê, dang tay ôm lấy biển như thể xa lắm, lâu lắm mới được gặp. Điểm chung dễ nhận thấy, những đứa trẻ nơi đây đứa nào đứa ấy đen nhẻm, mỏng mình nhưng mắt rất sáng, thông minh và nhanh nhẹn. Một vài đứa trẻ được bố mẹ cho ra chơi vì ở nơi được mệnh danh là “phố cổ xứ Thanh” chúng còn sự lựa chọn nào ngoài triền đê lộng gió. Nhưng cũng có không ít đứa trẻ tranh thủ mưu sinh.

Dưới bãi đá, một nhóm trẻ chụm đầu bắt còng, bắt cáy. Chúng lật những viên đá, áp đầu xuống mặt biển tìm còng, tìm cáy. Những con cáy mất nơi cư trú chạy toán loạn, lũ trẻ tranh nhau vồ rồi cãi nhau chí chóe. Trong đám trẻ, Ất được xem là “thủ lĩnh”, vì lớn tuổi nhất, 14 tuổi. Ất nhanh nhẹn và nghịch ngợm nhất. Cậu bé thích bóng đá và Toán. Nhưng Ất cũng là đứa có hoàn cảnh khó khăn nhất, bố mẹ em chia tay nhau, sau đó hai người đi biệt xứ, bỏ lại em với ông bà. Ông em vẫn đi biển, cả tháng mới về một lần. Thi thoảng ông vẫn kể cho em nghe về bố về mẹ, về những ngày ấu thơ của em.

Những đứa trẻ lớn lên cùng biểnĐen phơi moi thuê cho chủ cơ sở chế biến hải sản ở địa phương.

Ất học được cách bắt còng, bắt cáy nhờ những buổi trưa không ngủ, những buổi chiều lăn lội nơi bãi triều và hàng chục lần bị đứt tay chân vì giẫm phải vỏ ốc, hến và còng, cáy cặp. 4 năm trong nghề, biển đã nhuộm lên da của Ất cái màu đặc trưng của dân miền biển. Những năm trước, Ất chỉ đi làm dịp hè. Mấy năm nay, ông bà thường xuyên đau yếu nên những chuyến biển của ông cũng thưa dần. Để đỡ đần ông bà, Ất tranh thủ sau mỗi giờ học ra bãi đá mưu sinh, ít nhất là kiếm đủ bát canh cho bữa cơm chiều. Nhiều khi may mắn, có khách mua, Ất cũng bán được vài chục ngàn. Số tiền đó, Ất mang về đưa cho bà lấy tiền mua thuốc, sách vở, đồ dùng học tập.

Nhỏ thó đứng bên chiếc rành moi phơi khô, cô bé có cái tên Đen cặm cụi đánh tơi những con moi dính vào nhau. Thi thoảng Đen lại liếc nhìn tôi và lũ trẻ. Tôi tiến lại gần bắt chuyện, có vẻ như sự quan tâm của tôi đến lũ trẻ ở đây lạ lắm nên người lớn xung quanh đổ dồn ra nhìn, bọn trẻ thì bỏ cuộc làm ăn trên biển để vây quanh tôi và Đen. Một người phụ nữ hóng gió trên triền đê kể về hoàn cảnh của cô bé với giọng chua xót, cảm thông và tràn đầy tình thương. Bố Đen mất trong một chuyến biển, một mình mẹ chạy chợ nuôi 4 chị em Đen. Anh chị Đen mặc dù chưa hết tuổi đi học đã phải đi làm ăn xa nhưng cũng rất khó khăn, không đưa được tiền về giúp mẹ. Đen có cái tên khai sinh rất đẹp – Nguyễn Bảo Anh, 12 tuổi, đang học tại Trường THCS Ngư Lộc. Hàng ngày, ngoài giờ học, Đen ra đê nhận bóc tôm, phơi cá, tôm cho các cơ sở chế biến hải sản lấy tiền đỡ mẹ phần nào. Dạo này, mẹ bệnh nghỉ chợ ở nhà, Đen phải cố gắng làm việc nhiều hơn.

Trong cuộc trò chuyện, tôi hay hỏi về ước mơ của mỗi đứa trẻ. Bởi, tôi nghĩ ước mơ dù có viển vông, vụng dại nhưng lại là những viên gạch hồng cho tương lai. Ất bảo lớn lên muốn làm cầu thủ bóng đá giỏi giống Quang Hải. Đen thì giản dị hơn, em muốn mẹ khỏe. Đủ tuổi, em sẽ đi làm kiếm tiền để nuôi mẹ. Và những đứa trẻ miền biển quê tôi sẽ lớn lên và mang theo những ước mơ nơi đầu sóng. Dù hôm nay Ất vẫn phải xa bố mẹ, Đen thường xuyên đi học muộn... Nhưng may mắn khi chúng vẫn ham học, vẫn ước mơ, vẫn vẽ lên nét tươi tắn trên gam màu buồn của cuộc đời.

Trở về dù không hoàn thành được mục đích ban đầu, tôi vẫn bằng lòng với những gì mình nhận được ngày hôm ấy. Không gặp được “thợ” cạy hàu nhí thì tôi lại được gặp “thợ” bắt cáy, bắt còng, “thợ” bóc tôm... Có chút buồn khi thấy các em phải vất vả trong cuộc mưu sinh nhiều gian khó. Nhưng ở đó, tôi thấy niềm vui của các em trong lao động. Sự thương cảm nhường chỗ cho cảm mến bởi, các em đã coi lao động phụ giúp cha mẹ như một lẽ tự nhiên nhất. Mong sao sau những ngược xuôi lo toan, cha mẹ các em sẽ trở về cho các em những nâng niu, những yêu thương mà các em đáng được nhận, để những nụ cười sẽ sống mãi trên môi những đứa trẻ thiệt thòi.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]