Như Thanh tăng cường bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa lễ hội
Vào những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024 lượng du khách về trẩy hội Phủ Na rất đông. Các lực lượng chức năng và chính quyền huyện Như Thanh đã tăng cường công tác đảm bảo an ninh - trật tự, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Du khách về trẩy hội Phủ Na (Xuân Du, Như Thanh).
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh Lê Kim Du cho biết: Như Thanh có 37.345,2 ha rừng. Rừng trên địa bàn huyện Như Thanh được Chi cục Kiểm lâm xác định là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đặc biệt là trong mùa khô hanh, mùa lễ hội.
Để bảo vệ an toàn diện tích rừng trên địa bàn, đặc biệt ở các nơi thờ cúng như Phủ Na, Hạt đã tăng cường chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, tổ chức tuyên truyền và giám sát các hoạt động sử dụng lửa của người dân trong khu vực và khách thập phương. Tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với chủ rừng, người quản lý tại các đền, phủ thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn. Qua đó, Hạt và chính quyền địa phương đã rà soát được gần 4.550 ha rừng có nguy cơ cháy cao để tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCCCR trong mùa khô hanh, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tại khu di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Phủ Na (xã Xuân Du), cán bộ Hạt Kiểm Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh phát tờ rơi, tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ rừng.
Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã tham mưu cho huyện Như Thanh triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn nhằm chủ động bảo vệ rừng (BVR) như mua sắm đầy đủ các trang thiết bị phục vụ PCCCR; xây dựng mới đường PCCCR tại khu vực các xã Xuân Du, Mậu Lâm, Phượng Nghi; xây dựng đường băng trắng cản lửa tại xã Thanh Tân, Phượng Nghi... Hướng dẫn cho Nhân dân phát dọn, xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển; xác định nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án BVR, PCCCR cụ thể, phù hợp thực tế...
Tại Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Phủ Na (xã Xuân Du) có diện tích rừng lớn, Hạt Kiểm Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, chính quyền xã Xuân Du tăng cường kiểm tra, PCCCR mùa khô hanh và lễ hội.
Điển hình như tại Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Phủ Na có khu rừng thông, địa hình đồi núi cao, vật liệu cháy dưới tán rừng là lớp thực bì dày, khả năng bén lửa cháy nhanh và tốc độ lan tràn đám cháy lớn sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu cháy rừng xảy ra, vì vậy Hạt Kiểm Lâm huyện Như Thanh đã xây dựng phương án chủ động BVR, PCCCR. Chủ động tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định không sử dụng lửa bừa bãi trong và ngoài khu vực di tích. Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Phủ Na đã bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra canh gác lửa rừng, thay ca thường trực PCCCR.
Hạt Kiểm Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, Ban Quản lý khu di tích Phủ Na tăng cường tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, băng rôn và phát tờ rơi cho người dân, du khách về công tác BVR, PCCCR.
Ông Trịnh Viết Phúc, cán bộ quản lý Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Phủ Na cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, số lượng người dân và du khách về với Phủ Na đông nên để PCCCR, Ban Quản lý di tích đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân, du khách chấp hành các quy định, đặc biệt PCCCR trong khu vực di tích. Từ khu vực cổng vào di tích được treo các biển, băng rôn tuyên truyền PCCCR, thường xuyên phát loa giới thiệu di tích, đồng thời tuyên truyền người dân không thắp hương trong đền và không đốt hương, vàng mã, hóa sớ khu vực gần rừng, không lên rừng hái lộc, chặt phá cây...
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh kiểm tra công tác BVR, PCCCR trên địa bàn xã Xuân Du.
Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Như Thanh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Đến tháng 2/2024, Ban được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng 15.250,4 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 9.452,64 ha rừng phòng hộ trên địa bàn 12 xã thuộc các huyện Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân. Diện tích rừng do Ban quản lý trên địa bàn rộng, trong đó có nhiều vùng rừng giáp ranh với các địa phương khác, một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn thường khai thác rừng trái phép... gây khó khăn cho công tác tuần tra, BVR. Vào mùa khô hanh, lễ hội, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Hàng năm, Ban xây dựng phương án, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương có rừng, Hạt Kiểm lâm chủ động thực hiện công tác PCCCR. Nhất là địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, địa phương có rừng trong khu di tích.
Tại Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Phủ Na, trong dịp tết đến nay Ban đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo thường xuyên có mặt nắm bắt tình hình, cùng với Trạm bảo vệ rừng Xuân Du phối hợp với Ban Quản lý di tích tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định tham gia lễ hội, nhất là hóa vàng, hóa sớ đúng quy định, nghiêm cấm không để tàn lửa bay vào rừng.
Tổ chức tuyên truyền cho người dân sống trong, ven rừng làm tốt công tác PCCCR như: phối hợp với UBND xã, các thôn bản tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã. Phối hợp với Ban quản lý di tích Phủ Na và xã Xuân Du treo các biển báo, pa nô, băng rôn và tuyên truyền cho người dân, du khách đi lễ hội không được mang lửa vào rừng dưới bất kỳ hình thức nào; nghiêm cấm bẻ cành, hái lộc cây thông.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh treo băng rôn tuyên truyền cho Nhân dân, du khách nâng cao công tác BVR, PCCCR khi về Phủ Na.
Đến nay, công tác PCCCR đảm bảo, người dân, du khách tuân thủ, thực hiện khá nghiêm quy định PCCCR của lực lượng chức năng. Toàn bộ diện tích rừng hiện có của Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh quản lý được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng, phá rừng trái phép. Diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt đã và đang được phục hồi, phát triển. Rừng đã phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy lợi và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-02-17 05:50:00
Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại Nhà máy thủy điện Trung Sơn
[E-Magazine] – Yêu lắm, tháng giêng
Hàn Quốc điều trực thăng truy bắt người Việt lái ôtô 200 km/h
Khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)
Những lò gốm vang danh của xứ Thanh
Cục Hải quan Thanh Hóa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Bảo đảm tốt an sinh xã hội
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa: Nửa nhiệm kỳ nhiều dấu ấn đậm nét
Hoằng Hóa quyết liệt giải tỏa hành lang an toàn đường bộ
Những con số tăng, giảm trong dịp tết