Nguồn sống mới cho rừng (Bài 1): Giữ “hơi thở” của làng
Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Thái ở thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hòa (Như Xuân) gắn bó với rừng. Rừng mang đến cho họ những đọt măng, cây thuốc và nguồn nước trong lành cho cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, giữ rừng không chỉ bảo vệ tài nguyên, mà còn là giữ “hơi thở” của bản làng, nguồn sống xanh cho các thế hệ con cháu mai sau.
Anh Lương Văn Bảy, thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hòa (Như Xuân) trong lần đi tuần bảo vệ rừng.
Thầm lặng gắn bó
Theo giới thiệu của Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân, chúng tôi về thôn Tân Hiệp tìm gặp ông Lương Hồng Tiến - người có thâm niên bảo vệ những cánh rừng của quê hương. Đã ngoài 72 tuổi, sức khỏe của ông Tiến có phần yếu đi nhiều so với vài năm về trước. Dẫu vậy, khi hỏi về việc bảo vệ rừng, ông vẫn tinh anh, nói như chạm vào miền ký ức đã cất giữ lâu trong lòng.
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng gắn bó với rừng già như một phần của tình yêu, máu thịt cuộc đời mình. Từ nhỏ lớn lên bên rừng, ông vẫn nhớ những lần theo bố mẹ lượm củi, hái măng. Khi đói, lại thấy bố bắt cua, bắt cá bên suối nướng, lượm nhặt những trái cây rừng chín thơm cho ăn. Vì vậy, ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu trong ông, cũng như bà con thôn Tân Hiệp từ thuở ấu thơ.
Khi Nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, ông Tiến vẫn trước sau một lòng gắn với những cánh rừng già, nơi đã nuôi lớn tuổi thơ ông. Ông nhớ, khi được giao quản lý, bảo vệ hơn 40ha rừng tự nhiên ở vùng tiếp giáp với tỉnh Nghệ An, nhiều người bảo ông là gã “gàn”, vì nhận nơi khó khăn nhất. Nhưng với ông thì khác: “Tôi chỉ nghĩ, bảo vệ rừng bởi tình yêu, trách nhiệm, đâu có gì phải kén chọn”.
Mỗi tháng ông Tiến lên rừng đôi ba lần, mỗi lần đi từ 2 đến 3 ngày. Vào mùa măng, ông thường dựng lán ở lại trong rừng cả tuần. Trước mỗi hành trình, ông phải dậy đi rất sớm, khi con gà còn chưa gáy. Đồ đoàn mang theo cũng đơn giản với cái nồi nhỏ, gạo, mắm muối, lạc vừng, cá khô đủ dùng trong khoảng 3 ngày ở trong rừng... “Đi rừng không buồn đâu, nhất là vào mùa măng, bà con đi thành từng tốp, đông vui lắm!” - ông Tiến vui vẻ nói.
Mỗi lần đi tuần, nếu thấy dấu hiệu chặt phá rừng hay săn bắn trái phép, ông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn. Chưa hết, ông luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền đến người dân sống xung quanh những cách nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng, không xâm hại rừng. Nói về sự nguy hiểm, ông Tiến cũng thường xuyên phải đối mặt với những lời đe dọa từ các đối tượng “lâm tặc”. Ông chia sẻ: "Các đối tượng đi thành đoàn, khi bị phát hiện thì chuyển sang hái măng hoặc tìm cây dược liệu. Bằng kinh nghiệm lâu năm, tôi nắm bắt tình hình, sau đó thông báo cho cán bộ kiểm lâm địa bàn lên phương án ngăn chặn".
Những cánh rừng tự nhiên tại huyện Thường Xuân đang phát triển xanh tốt.
Ngoài “lâm tặc”, điều những người giữ rừng như ông Tiến lo sợ nhất chính là thời tiết. Vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Ông phải luôn bám sát địa bàn, theo dõi tình hình, tuyên truyền nhắc nhở người dân nâng cao ý thức sử dụng lửa khi vào rừng, hạn chế nguy cơ gây cháy rừng.
Nhìn vào người con trai, ông Tiến kỳ vọng: “Giờ thì đôi chân đã mỏi rồi, việc bảo vệ rừng đành giao phó lại cho thế hệ trẻ này thôi!”. Với anh Lương Văn Bảy, đây không chỉ là trọng trách, mà còn là công việc đầy thử thách được người cha giao phó. Diện tích rừng rộng hơn 40ha, nếu không có kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền lại thì bản thân anh khó có thể đảm nhiệm.
Thêm động lực giữ rừng
Khi được hỏi về động lực giữ rừng, anh Bảy chia sẻ: “Tình yêu, trách nhiệm và sự hỗ trợ của Nhà nước cho những người bảo vệ rừng là động lực để tôi gắn bó với rừng”. Mới đây, anh được nhận hơn 16 triệu đồng từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về bảo vệ rừng. Nếu như trước đây, những người giữ rừng chỉ nhận hỗ trợ về chính sách chi trả giao khoán bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng, thì nay những người bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập từ Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (sau đây gọi tắt là chương trình ERPA). Có thêm nguồn thu nhập, phần nào giúp anh Bảy cũng như nhiều người dân trong thôn Tân Hiệp giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực bảo vệ rừng. Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, chính sách mới còn thay đổi nhận thức trong cộng đồng về giá trị của rừng. Từ việc cung cấp các lâm sản phụ, nay rừng còn có vai trò trong bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống.
Ông Lương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, cho biết: "Xã có 787ha rừng tự nhiên đủ điều kiện để thực hiện chi trả theo chương trình ERPA. Trong đó, có 625 ha rừng được giao cho 103 hộ dân quản lý, bảo vệ; 162 ha do UBND xã Thanh Hòa quản lý. Trung bình 1 ha rừng sẽ được chi trả hơn 130 nghìn đồng theo chương trình ERPA. Như vậy, hằng năm người dân trong xã được thụ hưởng hơn 81 triệu đồng từ chương trình ERPA và UBND xã được thụ hưởng khoảng 21 triệu đồng".
Theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung bộ, Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh thực hiện thí điểm. Việc thu lợi từ ERPA hướng đến các mục tiêu như tăng thu nhập, tạo động lực, tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ và gắn bó với rừng; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về vai trò và tác dụng của rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống. |
Mặc dù đang trong giai đoạn thí điểm nhưng chương trình ERPA đã cho thấy hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân sống, gắn bó với rừng, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi. Nhờ nguồn kinh phí này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, chính sách cũng mới chỉ áp dụng cho rừng tự nhiên, trong khi trữ lượng carbon từ rừng ngập mặn, rừng sản xuất của Thanh Hóa rất lớn.
Đình Giang
Bài 2: Dư địa lớn nhưng còn nhiều khó khăn
- 2024-11-15 15:17:00
Khẩn trương hoàn thành kế hoạch thu, nộp quỹ phòng, chống thiên tai
- 2024-11-15 14:49:00
Hưng Phát Sài Gòn Đức Trọng khai trương chi nhánh tại tỉnh Lâm Đồng
- 2024-11-15 11:32:00
Sản xuất rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ cây trồng vụ đông
TYM chi nhánh Thanh Hóa: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Bản tin Tài chính 15/11: Giá vàng nối dài đà giảm; áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ 20/11
Thanh Hoá công bố danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU
Huyện Như Xuân có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao
Đồng loạt đi xuống, giá xăng RON95-III còn 20.607 đồng/lít
Phối hợp xây dựng môi trường kinh doanh an toàn
Dự án trọng điểm tạo đà bứt phá cho khu kinh tế