Người dân thoát nghèo từ mô hình nuôi vịt Cherry
Nuôi vịt Cherry thành công đã đổi mới cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi của bà con Nhân dân xã Luận Khê (Thường Xuân). Thông qua đó, người dân có thêm động lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nuôi vịt, gia đình chị Vi Thị Quyên, thôn Buồng, xã Luận Khê đã vươn lên thoát nghèo.
Luận Khê là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân với 1.638 hộ dân, 7.232 nhân khẩu, 97% là người dân tộc Thái. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 80,33% dân số, thu nhập chủ yếu từ nguồn nông, lâm nghiệp, bình quân thu nhập đầu người đến nay chỉ đạt 24 triệu đồng/năm.
Tháng 3/2022, xã Luận Khê được mời tham gia triển khai mô hình chăn nuôi vịt Cherry theo chuỗi giá trị do Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tài trợ. Con giống mới với những ưu điểm nổi trội hơn hẳn những con giống gia cầm hiện đang có trên địa bàn xã Luận Khê nói riêng và huyện Thường Xuân nói chung như: Thời gian sinh trưởng ngắn (45 ngày có thể xuất bán), tỷ lệ nạc đạt tới 75%, nuôi không cần có ao, thương lái cũng trả giá tốt hơn và tạo điều kiện thu mua tại xã. Mô hình được triển khai tại 3 thôn (Buồng, Yên Mỹ và Ngọc Trà) của xã với 6.000 con vịt giống cấp cho 60 hộ nghèo đặc biệt khó khăn.
Sau 3 năm tham gia dự án nuôi vịt, người dân đã dần quen với mô hình chăn nuôi mới và ngày càng tự tin trong việc phát triển giống vịt Cherry. Cuộc sống của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã được cải thiện đáng kể không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt an sinh của mỗi hộ gia đình.
Chị Lò Thị Chiên ở thôn Buồng, xã Luận Khê chia sẻ: "Năm 2022 gia đình tôi vẫn thuộc hộ nghèo, nhờ nuôi vịt Cherry mà hiện tại gia đình đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo và xây dựng được nhà mới khang trang. Bây giờ gia đình tôi có thể chủ động úm được giống để bán cho các hộ tại địa phương khi có nhu cầu, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ trong thôn”.
Gia đình anh Cầm Bá Thuyền cùng xã cũng là một trong số những hộ dân vươn lên thoát nghèo, xây được nhà mới nhờ nuôi giống vịt này. Năm 2024, gia đình anh tiếp tục nhận được hỗ trợ 60 con vịt giống Cherry từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Nuôi vịt Cherry thương phẩm đã góp phần tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Luận Khê. Sau mỗi chu kỳ nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%, doanh thu ước đạt 7 - 9 triệu đồng/hộ. Lợi nhuận bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/sau 45 ngày nuôi, bước đầu hình thành sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Từ hiệu quả của mô hình, năm 2024 xã Luận Khê triển khai thực hiện 2 dự án hỗ trợ người dân nuôi giống vịt Cherry từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cụ thể: Dự án thuộc chương trình giảm nghèo hỗ trợ cho 28 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo và 17 hộ mới thoát nghèo với số tiền hơn 434 triệu đồng; Dự án thuộc chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ cho 22 hộ nghèo và 42 hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền 375,85 triệu đồng. Hiện các dự án đã được cấp giống và triển khai thực hiện bước đầu cho kết quả tốt.
Ông Lương Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Luận Khê, cho biết: “Những kết quả ban đầu cho thấy đây là mô hình hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Điều quan trọng là thay đổi trình độ, nhận thức cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, từ đó giúp người dân áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Việc kết hợp các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả... cũng góp phần hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Ông Lê Hoàng Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, cho biết: "Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm và thực hiện có hiệu quả bằng những chương trình, dự án hỗ trợ tạo sinh kế, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân trong chăn nuôi vịt Cherry như: Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã Luận Khê tiếp tục hỗ trợ tập huấn về chăn nuôi vịt Cherry, cung cấp tài liệu và tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để hộ chăn nuôi áp dụng kịp thời; hướng dẫn hộ chăn nuôi, HTX chăn nuôi xây dựng các tiêu chuẩn áp dụng tiên tiến góp phần tăng giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu thúc đẩy thị trường tiêu thụ; khuyến khích thành lập HTX hoặc tổ nhóm để giúp người chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm, giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ; tổ chức hội thảo, tổng kết để nhân rộng mô hình. Từ đó giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập, xây dựng cuộc sống kinh tế gia đình ổn định; đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, góp phần vào mục tiêu phấn đấu giảm nhanh, bền vững tỷ lệ hộ nghèo của huyện".
Bài và ảnh: Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-01-23 10:09:00
Giá vàng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng
-
2025-01-23 09:36:00
Yên Định đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-
2025-01-23 06:40:00
Bản tin Tài chính 23/1: Giá vàng áp sát đỉnh cao kỷ lục, thị trường khó giảm sâu
Bộ NN&PTNN đề xuất áp thuế suất 1% với khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi
Sau khi về với Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng đổi tên thành VCBNeo
Mở rộng diện tích cây trồng thâm canh
Đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất chiêm xuân
Nâng cao hiệu quả khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên
Chứng khoán thế giới tăng điểm sau quyết sách đầu tiên của Tổng thống Mỹ
Huyện Hoằng Hóa có thêm Cụm công nghiệp Hoằng Đông