(Baothanhhoa.vn) - Làng Bồng Trung, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) được hình thành từ đầu thế kỷ XV. Năm 1428 Lê Thái tổ lên ngôi, nhà vua ra chỉ dụ kêu gọi Nhân dân tị nạn các nơi xa gần được hồi cư nhận ruộng làm ăn. Lúc bấy giờ một số người đã chuyển đến khu vực Mã Mốc thuộc giáp Đông, xã Biện Thượng làm ăn sinh sống. Đến năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) dân cư ở khu Mã Mốc đã đông đúc, phồn thịnh, nên dân làng xin và được triều đình cho lập làng mới đặt tên là làng Đông Biện. Dưới triều vua Đồng Khánh (thời nhà Nguyễn) đổi tên là làng Bồng Trung.

Ngôi đình trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Bồng Trung

Làng Bồng Trung, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) được hình thành từ đầu thế kỷ XV. Năm 1428 Lê Thái tổ lên ngôi, nhà vua ra chỉ dụ kêu gọi Nhân dân tị nạn các nơi xa gần được hồi cư nhận ruộng làm ăn. Lúc bấy giờ một số người đã chuyển đến khu vực Mã Mốc thuộc giáp Đông, xã Biện Thượng làm ăn sinh sống. Đến năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) dân cư ở khu Mã Mốc đã đông đúc, phồn thịnh, nên dân làng xin và được triều đình cho lập làng mới đặt tên là làng Đông Biện. Dưới triều vua Đồng Khánh (thời nhà Nguyễn) đổi tên là làng Bồng Trung.

Ngôi đình trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Bồng TrungĐình làng Bồng Trung, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Làng Bồng Trung có ngôi đình 5 gian thuộc loại đình to, chiều dài 17m, chiều rộng 9m được làm bằng gỗ lim. Theo truyền văn thì đình làng có từ khi lập làng, ban đầu nhỏ bé, về sau được xây dựng bề thế, tu sửa nhiều lần. Dấu tích của ngôi đình hiện nay mang đặc trưng kiến trúc của thời Nguyễn. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Bồng Trung rất đặc sắc và mang nét truyền thống văn hóa Việt Nam. Hai vì đốc chạm mặt hổ phù rất uy linh. Ở tất cả các kèo, xà, đều được chạm khắc long, ly, quy, phượng và các loại hoa văn tinh xảo. Hiện trên thượng lương ngôi đình ghi thời gian trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

Xưa kia đình, nghè, chùa, đến văn chỉ... thường có câu đối và bức đại tự viết bằng chữ Hán. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đất Bồng Trung là đất học nên bức đại tự và các câu đối ở đình Bồng Trung đều mang nội dung, ý nghĩa, điển tích rất sâu sắc. Đó là bức đại tự do cụ Mai Đính, người làng, đậu cử nhân thứ 9, khoa Canh Tý (1900) tại Trường thi Thanh Hóa, làm quan đến chức Huấn đạo huyện Yên Định viết. Bức đại tự có 3 chữ: Quan Ư Hương. Qua bức đại tự, tác giả muốn nhắc nhở dân làng và con cháu sau này hãy nhìn lại truyền thống của quê hương. Quả thực, đến hôm nay nhìn lại, làng Bồng Trung luôn luôn là mảnh đất với những ánh hào quang sáng lạn không bao giờ tắt và mãi trường tồn cùng đất nước. Ngoài ra, ở đình còn có 3 câu đối với nội dung rất ý nghĩa.

Trải bao năm tháng đã có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đình Bồng Trung được dân làng ghi nhớ, trân trọng và tự hào. Đó là vào năm 1885 hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi, Tiến sĩ Tống Duy Tân - người con của làng đã chọn quê hương mình làm nơi mộ quân, xây dựng cứ điểm chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 8/11/1885, quân Pháp từ thị xã Thanh Hóa đi bằng ca nô ngược sông Mã đổ bộ lên làng Bồng Trung, chúng định xông vào làng, nhưng ngay lập tức bị nghĩa quân đánh chặn. Bị phản công quyết liệt và bất ngờ, quân địch thua to phải rút lui về thị xã Thanh Hóa. Ngay đêm hôm đó, nghĩa quân và Nhân dân đã tổ chức lễ mừng công chiến thắng trận đầu tại đình làng Bồng Trung. Dân làng sôi nổi ủng hộ thêm lương thực, tiền tài, những trai trẻ xung phong vào đội ngũ chiến đấu.

Năm 1886, phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa lên mạnh, thực dân Pháp tìm cách đàn áp. Trong hoàn cảnh này, ngày mùng 4/5/1886 các thủ lĩnh lãnh đạo phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa như Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt, Cao Bá Điển, Hà Văn Mao... đã họp tại đình Bồng Trung. Hội nghị đã bàn bạc những phương sách mới nhằm đẩy mạnh thêm một bước nữa phong trào chống Pháp trong tỉnh và thống nhất với nhau cần biến Thanh Hóa thành một căn cứ vững chắc cho phong trào chung toàn quốc. Hội nghị đã giao cho Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng cùng với một số tướng lĩnh xây dựng căn cứ Ba Đình (Nga Sơn) nhằm bảo vệ “cửa ngõ” miền Trung và làm bàn đạp tỏa đánh địch ở đồng bằng. Đồng thời Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao cũng được cử phụ trách chỉ đạo xây dựng đồn Mã Cao thành một cứ điểm chống Pháp chủ chốt của tỉnh. Hội nghị còn quyết định Tống Duy Tân, Cao Bá Điển đóng quân ở Phi Lai (Hà Trung) và Trần Xuân Soạn đóng quân ở phủ Quảng Hóa (Vĩnh Lộc) để hỗ trợ cho Ba Đình và giữ mối liên lạc với căn cứ Mã Cao.

Năm 1938, làng Bồng Trung đã tổ chức cuộc họp tại đình làng quyết định thành lập Hội Tương tế ái hữu (giúp đỡ nhau trong cuộc sống) do cụ Tú tài Nguyễn Địch Đước làm Hội trưởng, cụ Đỗ Văn Thước (cụ Lý Thước) làm Hội phó. Hội có lần đã tập trung Nhân dân vào ban đêm ở đình làng để diễn thuyết, lý giải về thời cuộc. Hội viết bài tuyên truyền có đoạn “Người văn minh, ta cũng văn minh, không nhẽ đèn nhà ai nhà nấy rạng. Hội tương tế ta nên tương tế, thế mới là chị ngã em nâng”.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đơn vị bộ đội đã về làng chỉnh huấn, chỉnh quân. Đình làng Bồng Trung là nơi hội họp của bộ đội. Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã về thăm và nói chuyện với bộ đội tại đình Bồng Trung.

Do nghè thờ Thành hoàng làng Bồng Trung bị máy bay Pháp bắn phá hư hỏng từ năm 1952, nên hiện nay đình làng Bồng Trung đang thờ Thành hoàng làng là Quản Gia Đô Bác Đại Vương và phối thờ Tống Duy Tân.

Những giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đình Bồng Trung đã và đang được giữ gìn và phát huy, đặc biệt hơn 20 năm qua làng đã khôi phục lễ thượng nguyên (rằm tháng Giêng) rất trọng thể và đông vui. Lễ rằm tháng Giêng còn gọi là lễ bách tính, trăm họ, trăm nhà nên các xóm ngõ và một số gia đình làm cỗ đem lên đình cúng tế. Làng quy định cứ 3 năm “làm to” một lần, người làng Bồng Trung sinh sống, làm việc khắp nơi trong nước đều về dự lễ.

Bài và ảnh: Lê Khắc Tuế (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]