Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước
Một trong những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành chất vấn đồng chí Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại Kỳ họp thứ 20 đó là: ...việc đề xuất, tuyển chọn và giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn nhiều bất cập; vẫn còn không ít đề tài, đề án, dự án nghiên cứu KH&CN sau khi đánh giá, nghiệm thu không áp dụng vào thực tiễn, nếu có áp dụng thì hiệu quả không cao. Đề nghị làm rõ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2023.
Giám đốc Sở KH&CN Trần Duy Bình trả lời chất vấn.
Trả lời phiên chất vấn, Giám đốc Sở KH&CN Trần Duy Bình cho biết: Giai đoạn 2020-2023, ngoài các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ trước năm 2020, trên cơ sở 531 phiếu đề xuất nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, căn cứ vào các quy định, Sở KH&CN đã tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh lựa chọn trình và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục 179 nhiệm vụ KH&CN được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có 123 nhiệm vụ giao trực tiếp đối với những nhiệm vụ có tính chất đặc thù và 56 nhiệm vụ thực hiện theo phương thức tuyển chọn, bảo đảm được tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả và lựa chọn được những đơn vị có đủ năng lực để chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít đề tài, đề án, dự án nghiên cứu KH&CN sau khi đánh giá, nghiệm thu không áp dụng vào thực tiễn, nếu có áp dụng thì hiệu quả không cao. Cụ thể, giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn tỉnh đang tập trung khắc phục một số nhiệm vụ KH&CN gặp rủi ro, bất cập (chủ yếu là các nhiệm vụ chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2020), trong đó: Đang thực hiện phải dừng (12 nhiệm vụ); mới phê duyệt danh mục, chưa thực hiện, đơn vị chủ trì đã có văn bản xin thôi không thực hiện (2 nhiệm vụ), nhiệm vụ KH&CN kéo dài, phải gia hạn thời gian (25 nhiệm vụ); số nhiệm vụ KH&CN thực hiện xong nhưng đánh giá nghiệm thu “không đạt” (4 nhiệm vụ); kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chậm đưa vào ứng dụng hoặc khi đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống nhưng hiệu quả không cao...
Đại biểu Nguyễn Tuấn Tưởng (Tổ Đại biểu huyện Bá Thước) đặt câu hỏi chất vấn.
Trước thực trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị Giám đốc Sở KH&CN làm rõ vì sao số lượng đăng ký nhiệm vụ KH&CN nhiều, nhưng Sở KH&CN tham mưu, đề xuất trình Hội đồng KH&CN tỉnh lựa chọn các nhiệm vụ còn hạn chế, dẫn đến khi tổ chức thực hiện, còn có nhiệm vụ phải dừng, hoặc gia hạn thời gian, hoặc nghiệm thu không đạt. Nguyên nhân của những hạn chế trong tham mưu đề xuất lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của các Đại biểu HĐND, đồng chí Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Giai đoạn 2020-2023, có 531 phiếu đề xuất, tuy nhiên qua rà soát, có nhiều đề xuất chưa bám sát các chiến lược, mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và theo quy định không đảm bảo tính mới, tính cấp thiết, tính thời sự, có sự trùng lắp với các nhiệm vụ đã và đang thực hiện hoặc không có đơn vị đặt hàng và cam kết sử dụng kết quả khi nhiệm vụ được thực hiện thành công. Do đó, theo quy định, qua rà soát có 179 nhiệm vụ được phê duyệt.
Đại biểu Lê Thị Hương (Tổ đại biểu huyện Thọ Xuân) đặt câu hỏi chất vấn.
Đồng chí Giám đốc Sở KH&CN khẳng định: Việc tham mưu lựa chọn nhiệm vụ KH&CN được Sở KH&CN thực hiện đúng quy định và khách quan. Tổ chức, cá nhân gửi đề xuất qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh, khi tiếp nhận về, Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ngành rà soát tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh thông qua phiên 1, Sở KH&CN tổ chức các Hội đồng thành viên chuyên ngành hoàn thiện đề xuất, tổng hợp kết quả trình Hội đồng KH&CN tỉnh phiên 2. Hội đồng KH&CN thống nhất trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt... Tuy nhiên, vẫn có nhiệm vụ dừng, phải gia hạn, nghiệm thu không đạt (chủ yếu là các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm trước sang năm 2020). Bên cạnh đó có một vài nhiệm vụ được phê duyệt trong giai đoạn 2020-2023, là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đơn vị chủ trì gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (dịch, giãn cách), không bố trí được mô hình thực nghiệm tại hiện trường, nhân lực và vốn đối ứng để thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Giám đốc Sở KH&CN cũng nêu các giải pháp khắc phục trong thời gian tới đó là: Tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và thông báo định hướng ưu tiên trong việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn, theo hướng ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại địa phương gửi rộng rãi, công khai cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN theo quy định. Tiếp tục tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh nâng cao chất lượng xét duyệt và triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời tổ chức đánh giá năng lực để lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức các hội đồng tư vấn chuyên ngành, đối với những nhiệm vụ có tính chuyên sâu, tiếp tục chủ động mời Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn chuyên ngành, nhằm nâng cao tính chuyên môn và phù hợp yêu cầu thực tiễn, tính trách nhiệm của sở, ngành trong việc triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Đại biểu Mai Nhữ Thắng (Tổ đại biểu huyện Triệu Sơn) đặt câu hỏi chất vấn.
Các Đại biểu HĐND cũng đặt câu hỏi, việc đề xuất, tuyển chọn và giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn nhiều bất cập; vẫn còn không ít đề tài, đề án, dự án nghiên cứu KH&CN sau khi đánh giá, nghiệm thu không áp dụng vào thực tiễn, nếu có áp dụng thì hiệu quả không cao. Nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh?
Trả lời câu hỏi của các Đại biểu HĐND, đồng chí Giám đốc Sở KH&CN Trần Duy Bình nêu rõ: Nguyên nhân dẫn đến nhiều đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN chưa đạt hiệu quả cao là do: Bản chất nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, có tính thử nghiệm và không chắc chắn, có thể thành công hoặc không thành công. Nếu đã chắc chắn rồi thì không cần nghiên cứu nữa; đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác. Ngoài ra, Quy định quản lý nhiệm vụ theo Luật, Nghị định, Thông tư còn nhiều bất cập, nhiều điểm chưa rõ ràng, trình tự thủ tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN rườm rà kéo dài qua nhiều khâu, nhiều bậc gây phiền hà, khó khăn và không tạo động lực cho các nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đặc điểm trong nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính trễ, rủi ro cao; triển khai công nghệ thì chu kỳ, vòng đời ngày càng ngắn, tính thương mại hóa cao trong khi thời gian để thực hiện 1 nhiệm vụ KH&CN theo quy định hiện nay là từ 3 đến 5 năm mới có kết quả. Do đó, thời điểm xác định nhiệm vụ KH&CN để đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN đang có tính mới, cấp thiết, nhưng khi kết thúc nhiệm vụ KH&CN thì tính mới và cấp thiết giảm nhiều... Vì vậy, Sở KH&CN gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ, nhất là kiểm tra thực tiễn. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho ngành KH&CN chưa thực sự tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở KH&CN Trần Duy Bình trả lời chất vấn.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, đồng chí Trần Duy Bình cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm thuộc về Sở KH&CN với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về KH&CN, có lúc, có thời điểm chưa làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN để phát hiện và giải quyết kịp thời những nhiệm vụ KH&CN đang gặp khó khăn vướng mắc hoặc xử lý cho dừng thực hiện đối với những nhiệm vụ không thể hoàn thành, sớm thu hồi kinh phí nộp về ngân sách tỉnh.
Để trả lời các câu hỏi về giải pháp nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2025-2030 của các đại biểu HĐND, đồng chí Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất với Quốc Hội, Chính phủ sửa đổi Luật, Nghị định liên quan đến hoạt động KH&CN và tham mưu đề xuất Bộ KH&CN và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu tham mưu định hướng phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2025-2030.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và thông báo định hướng ưu tiên trong việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn, theo hướng ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại địa phương gửi rộng rãi, công khai cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện thị, thành phố và các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc, qua đó tháo gỡ khó khăn và uốn nắn kịp thời những khiếm khuyết, hạn chế của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện. Kiên quyết tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cho dừng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, khi xét thấy đơn vị chủ trì không còn đủ năng lực, nhiệm vụ không đạt mục tiêu, thời gian kéo dài, không còn thiết thực, hiệu quả, để kịp thời thu hồi ngân sách...
Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.
Tại phiên chất vấn, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Sáng kiến tỉnh đồng tình với những phát biểu, trả lời của đồng chí Giám đốc Sở KH&CN. Đồng thời khẳng định: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của tỉnh ta được triển khai trên nhiều lĩnh vực, được áp dụng sâu, rộng vào thực tiễn đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế... đã được Nhà nước ghi nhận, bằng các giải thưởng quốc gia và thực tiễn sản xuất, đời sống chứng minh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng đã giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023. Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà các đại biểu và cử tri quan tâm, phấn đấu, đưa KH&CN thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị, thời gian tới ngành KH&CN cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa trong hoạt động KH&CN, chuyển mạnh từ tư duy quản lý máy móc, cứng nhắc sang tư duy phục vụ doanh nghiệp, phục vụ các đơn vị, các nhà khoa học. Tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp, phê duyệt kinh phí, giảm bớt thủ tục hành chính... Thực hiện phương thức tuyển chọn để đảm bảo khách quan, bình đẳng, tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Sở KH&CN và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra các nhiệm vụ KH&CN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh những khuyết điểm hạn chế. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển doanh nghiệp KH&CN tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thu hút trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN tài năng; có giải pháp thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư cho phát triển KH&CN; mời gọi các nhà khoa học là người con Thanh Hóa đang học tập, công tác, sinh sống trong và ngoài nước về tham gia hoạt động KH&CN cống hiến cho sự phát triển của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định: Sẽ cương quyết dừng các nhiệm vụ khi đơn vị chủ trì không đảm bảo năng lực thực hiện hoặc nhiệm vụ không còn thiết thực, kịp thời thu hồi ngân sách Nhà nước đã giao. Đồng thời, cam kết trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo và Hội đồng KHCN, lãnh đạo Sở KH&CN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt là vấn đề nghiên cứu, ứng dụng những sản phẩm mới phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống của người dân.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung chất vấn.
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được triển khai ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; nhiều đề tài, dự án KH&CN đã được ứng dụng mang lại hiệu quả tích cực và phát huy tốt vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Đã chọn tạo, phục tráng, tuyển chọn được một số giống lúa, giống mía, giống ngô, giống đậu tương có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh phục vụ sản xuất ngành nông nghiệp; đã nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở, kỹ thuật ghép giác mạc, kỹ thuật ghép thận, là những kỹ thuật mới được ứng dụng tại tỉnh Thanh Hóa để khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Đồng chí Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế: Nhân lực KH&CN, đặc biệt là nhân lực trực tiếp làm công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KH&CN còn ít và thấp hơn bình quân chung của cả nước; các đề xuất nhiệm vụ KH&CN còn ít và chưa cân đối trong các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc tham mưu đề xuất, tuyển chọn và giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn nhiều bất cập; nhiều sở, ngành, địa phương trong nhiều năm chưa có đề xuất và nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý nhiệm vụ KH&CN chưa thường xuyên và trách nhiệm chưa cao; doanh nghiệp KH&CN chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chưa thu hút, tuyển dụng được các nhà khoa học trẻ tài năng, nhằm tạo được nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao cho tỉnh; việc sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ cấp kinh phí thực hiện hàng năm thấp so với dự toán giao. Một số nhiệm vụ KH&CN khi triển khai thực hiện chưa thực sự thiết thực, hiệu quả, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, phải dừng thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện nhiệm vụ; thực hiện xong nhưng nghiệm thu không đạt; chậm đưa vào ứng dụng hoặc đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống nhưng hiệu quả không cao; chưa thực hiện được công tác hậu kiểm đối với các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu đưa vào ứng dụng...
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung chất vấn.
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị: Ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN và các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và việc thực hiện các mục tiêu phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Tập trung chỉ đạo nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực của sở, ngành và của các địa phương, đề xuất với UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương, đơn vị mình.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN; chú trọng đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, xét giao trực tiếp, thẩm định, phê duyệt kinh phí nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm đúng quy định, khuyến khích KHCN phát triển. Hàng năm, sớm phê duyệt nhiệm vụ KH&CN để triển khai thực hiện. Thực hiện phương thức tuyển chọn, hạn chế tối đa phương thức giao trực tiếp để lựa chọn đơn vị có đủ năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN; bảo đảm tính minh bạch, khách quan và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh theo quy định.
Tổ chức đánh giá năng lực để lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Hằng năm, xây dựng và thông báo công khai định hướng ưu tiên trong việc đề xuất các nhiệm vụ KH&CN theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các nội dung về KH&CN đặc trưng riêng của tỉnh; tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại ngành, lĩnh vực, địa phương để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN. Sở KH&CN tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh nâng cao chất lượng xét duyệt và triển khai các nhiệm vụ KH&CN.
Thực hiện chặt chẽ, trách nhiệm, chất lượng và đúng quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN theo quy định ở tất cả các khâu: Đặt hàng, tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thẩm định, nghiệm thu và xử lý tài sản được hình thành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ... Thực hiện triệt để hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện thực sự thiết thực, chất lượng, góp phần giải quyết một cách khoa học, hiệu quả những vấn đề thực tiễn xã hội đang đặt ra, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Có giải pháp để phát triển doanh nghiệp KH&CN tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN, đặc biệt là thu hút, tuyển dụng các nhà khoa học trẻ tài năng, nhằm tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao cho tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Có giải pháp thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư cho phát triển KH&CN.
Tổ chức tốt công tác bàn giao kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN. Đôn đốc các đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, UBND huyện, doanh nghiệp xây dựng phương án và tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Sở KH&CN với các ban, sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan để thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, qua đó tháo gỡ khó khăn và uốn nắn kịp thời những khiếm khuyết, hạn chế của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng yêu cầu: Cho dừng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, khi xét thấy đơn vị chủ trì không còn đủ năng lực thực hiện, thời gian kéo dài, không còn thiết thực, hiệu quả, để kịp thời thu hồi ngân sách. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho nhiệm vụ KH&CN, nhất là nguồn kinh phí đối với cấp huyện, cấp xã; tập trung chỉ đạo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đã cấp theo đúng dự toán, nội dung, nhiệm vụ phê duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; tổ chức thực hiện việc hậu kiểm đối với các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu đưa vào ứng dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực KH&CN. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-15 22:10:00
Human Act Prize 2024: Kết nối nguồn lực, lan tỏa cảm hứng, kiến tạo cộng đồng
-
2024-12-15 16:39:00
Từ “khoảng lặng” cuối năm
-
2024-07-09 17:22:00
Khắc phục tình trạng chậm trễ, lãng phí trong sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân
Điểm nóng 9/7: Bộ Công an lật tẩy cách ‘thông đồng’ của công ty trúng thầu khắp đất nước
Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: Chất vấn và trả lời chất vấn
Hội nghị toàn quốc quán triệt quy định, chỉ thị của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và đại hội đảng bộ các cấp
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 9/7/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 9/7
Điểm nóng 9/7: Xử lý hình sự 24 người đứng đầu các tỉnh liên quan đến các đại án
Tăng tốc, bứt phá để về đích nhiều chỉ tiêu quan trọng
[Bản tin 18h]: Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thanh Hóa tập trung vào các khâu đột phá; tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn